Tư vấn pháp luật

Cách đi qua vạch xương cá (vạch 4.2) đúng luật để không bị phạt tiền và trừ điểm trên bằng lái

DNVN - Ngày nay, khi tham gia giao thông, việc nắm rõ các quy định liên quan đến vạch kẻ đường là điều cần thiết để đảm bảo an toàn và tránh bị xử phạt. Trong đó, vạch xương cá – hay còn gọi là vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V (vạch 4.2) – là loại vạch thường gặp nhưng không phải ai cũng hiểu đúng và đi đúng cách.

Tin vui từ 1/7: BHYT chi trả 100% khi vượt tuyến, mở rộng quyền lợi khám chữa bệnh tại nhà / Từ ngày 1/7: Khoảng 86.000 người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng đầy đủ 5 chế độ đặc biệt

Vạch xương cá – Vạch 4.2 là gì?

Theo Luật Giao thông đường bộ hiện hành, không có khái niệm chính thức về "vạch xương cá". Tuy nhiên, thuật ngữ này thường được dùng để chỉ các vạch chữ V (vạch 4.2) được quy định tại Phụ lục G của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về báo hiệu đường bộ. Loại vạch này có ý nghĩa quan trọng trong việc phân làn xe tại các khu vực tách hoặc nhập làn.

Theo QCVN 41:2019/BGTVT, vạch 4.2 bao gồm các vạch trắng liền nét được vẽ song song, mỗi vạch có độ rộng 45cm, khoảng cách giữa hai mép vạch là 100cm. Các vạch được bố trí sao cho cạnh chữ V xuôi chiều chuyển động của xe và tạo với hướng đi một góc 45 độ. Do hình dáng các vạch này khá giống xương cá, người dân thường quen gọi là "vạch xương cá".

Như vậy, vạch xương cá chính là vạch chữ V – vạch 4.2 – có chức năng giới hạn phần mặt đường không được sử dụng cho phương tiện lưu thông, nhằm điều tiết và kênh hóa dòng xe trên tuyến đường.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cách đi qua vạch xương cá – Vạch 4.2 như thế nào?

Khi vạch xương cá (vạch 4.2) được bố trí, các phương tiện phải tuân thủ lộ trình đã được quy định, không được phép lấn lên hoặc cắt qua vạch – trừ trường hợp khẩn cấp. Việc chấp hành đúng quy định không chỉ giúp đảm bảo an toàn giao thông mà còn tránh bị xử phạt hành chính.

Cụ thể, theo quy định trong QCVN 41:2019/BGTVT, vạch xương cá có các đặc điểm sau:

Bao gồm các vạch trắng liền nét, vẽ song song, mỗi vạch rộng 45cm, khoảng cách giữa hai mép vạch là 100cm, được đặt nghiêng một góc 135 độ ngược chiều kim đồng hồ so với hướng xe chạy.

 

Phạm vi của vạch được giới hạn bằng vạch đơn liền nét màu trắng, có bề rộng 20cm.

Mức phạt đối với lỗi đè vạch xương cá theo Nghị định 168

Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự nếu vi phạm quy định liên quan đến vạch kẻ đường, trong đó có vạch xương cá, sẽ bị xử phạt như sau:

Tại Điều 6 của Nghị định, khoản 1 quy định phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu hoặc vạch kẻ đường – trừ các hành vi đã được liệt kê cụ thể tại các điểm a, c, d, đ của các khoản tiếp theo.

Ngoài ra, nếu hành vi đè vạch xương cá gây ra tai nạn giao thông, người vi phạm có thể bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 22.000.000 đồng theo khoản 10 của Điều 6.

 

Không dừng lại ở đó, khoản 16 quy định người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị trừ 10 điểm trên giấy phép lái xe nếu thực hiện các hành vi thuộc điểm a khoản 9, khoản 10 và điểm đ khoản 11 của điều này.

Như vậy, người điều khiển ô tô nếu đè lên vạch xương cá – vạch 4.2 – có thể bị xử phạt hành chính và trừ điểm bằng lái theo quy định của Nghị định 168/2024/NĐ-CP.

Quy định chung về vạch kẻ đường theo Quy chuẩn QCVN 41:2024/BGTVT

Theo Điều 48 Quy chuẩn QCVN 41:2024/BGTVT – được ban hành theo Thông tư 51/2024/TT-BGTVT – vạch kẻ đường được quy định với các nội dung chính như sau:

(1) Vạch kẻ đường có chức năng hướng dẫn, điều khiển giao thông nhằm tăng độ an toàn và khả năng lưu thông.

 

(2) Có thể sử dụng độc lập hoặc kết hợp với biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông.

(3) Bao gồm các vạch, chữ viết, hình vẽ trên mặt đường xe chạy, vỉa hè, công trình giao thông... nhằm xác định trật tự giao thông, giới hạn công trình, chỉ hướng đi trong làn xe.

(4) Vạch kẻ đường phải đảm bảo không gây trơn trượt, độ cao không vượt quá 6mm so với mặt đường.

(5) Việc lựa chọn vạch kẻ đường cần phù hợp với từng tuyến đường, căn cứ vào chiều rộng, tốc độ, lưu lượng xe, người đi bộ.

(6) Đối với đường cao tốc, đường có tốc độ thiết kế từ 60 km/h trở lên hoặc đường có tốc độ V85 từ 80 km/h, vạch kẻ đường bắt buộc phải sử dụng vật liệu phản quang. Với các loại đường khác, có thể dùng vật liệu phản quang tùy theo khả năng tài chính và yêu cầu thực tế.

 

Việc nắm rõ và tuân thủ đúng các quy định về vạch xương cá – vạch 4.2 không chỉ giúp người tham gia giao thông an toàn mà còn tránh được các mức xử phạt không đáng có.

Bảo Ngọc (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm