Tư vấn pháp luật

Đánh nhau gây thương tích - Xử lý như thế nào?

Khi say rượu, mất kiểm soát dẫn đến xô xát, đánh nhau thì tùy và mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Kiên Giang: Vợ không nấu cơm bị chồng lấy dao sát hại / Bắt giam tài xế tông 2 người thương vong gần sân bay Tân Sơn Nhất

Một vụ trọng án vừa xảy ra trên địa bàn Hà Nội. Một thanh niên ở huyện Mê Linh 17 tuổi, đánh nhau với em trai. Khi bị can ngăn đã đâm chết mẹ đẻ và làm bố trọng thương. Đây là 1 vụ việc điển hình về tình trạng đánh nhau trong dịp Tết và sau Tết Canh Tý.

Hình minh họa.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ ngày 23/1-29/1 (tức mồng 5 tết) các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước đã khám cấp cứu cho gần 240.000 bệnh nhân giảm 6% so với 6 ngày nghỉ tết Kỷ Hợi. Đặc biệt, báo cáo của Bộ Y tế cũng cho biết, có hơn 3.500 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, chiếm 1,8% trong tổng số người cấp cứu của các bệnh viện. Trong đó, 2.622 ca phải nhập viện điều trị, theo dõi và đã có 6 trường hợp tử vong.

Đối với những đối tượng đánh nhau gây thương tích hoặc gây hậu quả nghiêm trọng bị xử lý thế nào, về vấn đề này, PV/VOV trao đổi với luật sư Phạm Thị Thu, Giám đốc Công ty Luật số 1 Hà Nội.

PV: Dù Tết đã qua, nhưng dư âm của Tết vẫn còn. Vào dịp này người dân hay tổ chức tiệc tùng, dùng rượu bia và khi say lại hay mất kiểm soát, đôi lúc xảy ra đánh nhau. Theo Luật sư hành vi đánh nhau bị xử lý thế nào?

Luật sư Phạm Thị Thu: Khi đặt mình vào tình trạng say, tức là đã đặt mình vào tình trạng năng lực hành vi hình sự bị hạn chế, hoặc bị loại trừ. Tức là họ đã tự tước bỏ năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi của mình. Vì vậy, theo quy định tại điều 13 Bộ Luật Hình sự năm 2015 có quy định, người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi do dùng rượu, bia, hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Dó đó, khi say rượu và mất kiểm soát dẫn đến xô xát hay đánh nhau thì tùy vào tính chất và mức độ của hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm a,c khoản 2 của điều 5 Nghị định 167/2013. Theo đó, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực này với mức xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Trong trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác thì hình phạt nhẹ nhất đối với hành vi này bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm và hình phạt nặng nhất của tội này là tù chung nhân.

 

PV: Thực tế cũng có những em nhỏ từ 14-16 tuổi, hoặc từ 16-18 tuổi đã học đòi làm người lớn. Các đối tượng này cũng tham gia những cuộc vui và cũng dẫn tới đánh nhau và mức hình phạt đối với các em khác gì đối với đối tượng khác hay không?

Luật sư Phạm Thị Thu: Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, quy định về đối tượng xử lý vi phạm và cũng như nguyên tắc xử lý thì việc áp dụng hình thức xử phạt cũng như quyết định và mức phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính.

Đối với người từ 14 đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hành chính do cố ý và trong trường hợp từ 14 đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền. Và người từ đủ 16 tuổi trở lên, bị xử phạt hành chính về mọi hành vi hành vi phạm hành chính. Trong trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền và mức phạt không quá ½ mức phạt áp dụng đối với người thành niên.

Trong trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ, người giám hộ phải thực hiện thay. Do đó, độ tuổi phải chịu trách nhiệm hay xử phạt vi phạm hành chính là từ 14 tuổi trở lên.

 

Về mặt truy cứu trách nhiệm hình sự, theo điều 12 của Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ trường hợp Bộ Luật này có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì chỉ phải chịu trách nhiệm về tội phạm rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng quy định một trong các điều: tội giết người, cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc tội cưỡng dâm. Như vậy, từ các quy định nêu trên có thể thấy rằng, người từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi trong quá trình mà mình gây ra như bị xử lý hành chính và trách nhiệm hình sự

Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì chỉ bị chịu trách nhiệm và bị xử lý hành vi hành chính do cố ý gây thương tích và phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại khoản 2 của điều 12 Bộ Luật Hình sự.

danh nhau gay thuong tich - xu ly nhu the nao? hinh 2
Luật sư Phạm Thị Thu – Giám đốc Công ty luật số 1 Hà Nội. (ảnh: VTC14)

PV: Nếu sau khi phạm tội, đối tượng lại bỏ trốn thì hành vi này có làm căn cứ để làm tăng nặng trách nhiệm hình sự?

Luật sư Phạm Thị Thu: Tại điều 52 của Luật Hình sự hiện hành không có điều khoản nào quy định người phạm tội bỏ trốn là một trong các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự mà chỉ quy định hành vi xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.

Cho đến nay chưa có một văn bản nào hướng dẫn của các cơ quan tiến hành tố tụng giải thích hoặc hướng dẫn về hành động xảo quyệt để nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm. Vì vậy, theo các chuyên gia, người phạm tội có hành động xảo quyệt nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm là những hành vi làm cho cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể là cơ quan điều tra trong quá trình điều tra gây ra những khó khăn như người thực hiện phạm tội có hành vi bổ trốn để nhằm cản trở hoạt động của cơ quan điều tra dẫn đến cơ quan điều tra buộc phải thực hiện lệnh truy nã. Khi cơ quan điều tra thực hiện lệnh truy nã thì người phạm tội không được hưởng các tình tiết giảm nhẹ.

 

PV: Như vậy nếu như bỏ trốn sau đó lại đi đầu thú thì đây không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự mà chỉ là căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự phải không thưa luật sư?.

Luật sư Phạm Thị Thu: Trong trường hợp mà người phạm tội đã bị lệnh truy nã, sau đó ra đầu thú được quy định tại khoản 2 điều 51 Bộ Luật Hình sự. Đây là một tình tiết mà tòa án khi xét xử được đưa vào trong bản án và được xem là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

PV: Luật sư có lời khuyên nào cho người sử dụng rượu bia, nhất là thanh thiếu niên

Luật sư Phạm Thị Thu: Trong những năm gần đây ở Việt Nam, tình trạng người trẻ tuổi sử dụng rượu, bia có chiều hướng ngày một gia tăng cả về số lượng và mức độ phạm tội. Các đối tượng này không còn đơn giản do sự bồng bột và thiếu suy nghĩ mà có sự tính toán, chuẩn bị kỹ càng và khá tinh vi. Các vụ án có người chưa thành niên phạm tội không chỉ tăng số lượng các bị cáo mà cả tuổi đời đưa đến một tình trạng trẻ hóa. Có nhiều vụ án mà người chưa thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình như tội cố ý gây thương tích, tội giết người, trộm cắp tài sản hoặc cướp tài sản.

Vừa qua, luật phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực với mục đích là giáo dục và truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và định hướng hành vi, thay đổi thói quen có hại nhằm chống lại tác hại của rượu bia với gia đình, con người, giao thông cũng như là trật tự ATXH.

 

Việc lạm dụng rượu bia ở tuổi thanh thiếu niên, vị thành niên là rất nguy hại. Bởi nhóm đối tượng này khi sử dụng rượu bia đều có mục đích như giảm căng thẳng, giảm bớt áp lực trong cuộc sống. Tôi muốn nói với các bạn trẻ, đừng để niềm vui của gia đình không được trọn vẹn chỉ vì ly rượu, hãy để ly rượu trở về đúng bản chất của nó với nét đẹp của người Việt Nam. Hãy để cho nó ly rượu đó là lời trao gửi mạnh mẽ, bình an trong năm mới.

PV: Xin cảm ơn luật sư.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm