Giải quyết tranh chấp đất đai: Ra tòa hay ra Uỷ ban nhân dân?
Cổ đông có được quyền chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết? / Nghỉ hưu trước tuổi có được cộng thêm phụ cấp không?
Thực tế thời gian qua có không ít vụ anh em, hàng xóm mâu thuẫn trầm trọng, thậm chí sát hại nhau vì đất đai. Làm sao để việc giải quyết tranh chấp đất đai diễn ra đúng quy định? Phóng viên VOV phỏng vấn luật sư Nguyễn Hồng Bách - Liên đoàn Luật sư Việt Nam về vấn đề này.
PV: Theo luật, tranh chấp đất đai được hiểu như thế nào, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Khái niệm tranh chấp đất đai bao hàm cả tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp cả tài sản gắn liền với đất.
PV: Tranh chấp đất đai có thể coi là tranh chấp dân sự, mặc dù đã không ít trường hợp từ tranh chấp dân sự này dẫn tới vụ án hình sự. Ban đầu khi xảy ra tranh chấp, nhà nước luôn khuyến khích các bên đương sự tự hòa giải với nhau phải không, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Hòa giải luôn luôn được đặt ra. Nhà nước khuyến khích và tăng cường hòa giải về tranh chấp đất đai, để nếu có cơ hội thì các bên thương lượng để đạt được thỏa thuận, để các cơ quan khác không phải mất thời gian cũng như không phải tốn tiền bạc để giải quyết.
PV: Khi các bên tranh chấp nhưng không tự thỏa thuận được với nhau thì có thể gửi đơn tới đâu để được giải quyết, ra UBND hay khởi kiện ra tòa?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Tranh chấp đất đai có thể được giải quyết theo phương thức khởi kiện tại tòa án hoặc khiếu nại lên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tương ứng với mỗi phương thức, quy trình và thủ tục giải quyết khác nhau.
Tuy nhiên, dù theo phương thức khởi kiện hay khiếu nại thì Luật đất đai năm 2013 quy định khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc tranh chấp đất đai thông qua cơ sở. Nếu không hòa giải được thì gửi đơn lên cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
Trong trường hợp khiếu nại, người được giải quyết có quyết định giải quyết khiếu nại của UBND thì cũng có thể khiếu nại lên cấp trên của cơ quan đó, hoặc khởi kiện theo thủ tục tố tụng về hành chính.
PV: Hòa giải tại UBND cấp xã có thể coi là một thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai không, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Hòa giải tranh chấp đất đai theo quy định thì thẩm quyền thuộc về UBND cấp xã. Cấp xã có trách nhiệm tổ chức hòa giải tại địa phương. Trong trường hợp này, chúng ta cần trực tiếp nộp đơn. Khi nộp đơn, người dân cần yêu cầu UBND xã hoặc người nhận đơn phải xác nhận và có giấy biên nhận đã nhận được đơn. Họ không xác nhận thì người dân làm một bộ hồ sơ nữa gửi bằng đường chuyển phát nhanh, giữ lại cuống giấy để chứng minh ngày nộp đơn cho UBND xã để yêu cầu hòa giải về đất đai.
Trong thời hạn 45 ngày theo quy định của Luật, kể từ ngày thụ lý, UBND cấp xã phải tổ chức hòa giải và giải quyết xong việc này.
PV: Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại tòa sẽ như thế nào, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Thủ tục nộp đơn khởi kiện ra tòa án tức là thủ tục sau khi không đạt được hòa giải tại cơ sở. Người khởi kiện vụ án gửi đơn kiện và tài liệu, chứng cứ đến tòa án có thẩm quyền. Sau đó, tòa án sẽ tiếp nhận và ra thông báo về việc tạm ứng án phí để hoàn chỉnh hồ sơ. Có trường hợp, tòa án yêu cầu chỉnh sửa bên khởi kiện, có trường hợp tòa án trả lại nếu chưa đủ điều kiện.
Khi đương sự có đủ hồ sơ, có thông báo và nộp tạm ứng án phí, thì tòa án sẽ thụ lý giải quyết và tiến hành hòa giải các đương sự để các đương sự có thể thỏa thuận với nhau việc giải quyết vụ án. Thủ tục hòa giải luôn luôn được ưu tiên, kể cả đã khởi kiện ra tòa. Đây là một thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết vụ án dân sự do tòa án chủ trì và tiến hành.
Trường hợp các bên đương sự dưới sự chứng kiến, chủ trì của tòa án mà thỏa thuận được với nhau thì tòa sẽ lập biên bản hòa giải thành, trong thời hạn 7 ngày để các bên suy nghĩ. Nếu không có khiếu nại hoặc không có yêu cầu gì khác thì tòa án sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận thành của các bên và kết thúc quá trình giải quyết tranh chấp. Quyết định này có giá trị như một bản án và thực thi giữa các bên.
Nếu các bên không thể hòa giải thành thì tòa án tiếp tục tiến hành các thủ tục để đưa vụ án ra xét xử. Thông thường, Luật quy định một vụ án trong thời hạn 4 tháng, có thể gia hạn thêm 2 tháng, tuy nhiên trên thực tế xét xử, có những vụ án kéo dài đến vài năm, thậm chí đến 10 năm vì trình tự thủ tục và các yếu tố về mặt hình thức hoặc nội dung của giải quyết tranh chấp đất đai khá phức tạp.
Có trường hợp đất đai từ xa xưa, nhưng các bên lại không có giấy tờ thì tòa phải đi xác minh, định giá, thậm chí triệu tập, mời các bên đương sự; có những người đi công tác hay đi làm ăn ở xa, có người đã chết nhưng phát sinh thêm quyền thừa kế; có người đang công tác ở nước ngoài thì phải tống đạt thông qua con đường ngoại giao để ủy thác, thậm chí có trường hợp phải tạm đình chỉ để có thời gian thu thập chứng cứ hoặc xử lý các công việc khác.
PV: Trường hợp không có sổ đỏ hoặc không liên quan tới tài sản gắn liền với đất như tranh chấp về lối đi, ranh giới, mốc giới... thì sẽ giải quyết theo thủ tục như thế nào, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Theo quy định tại Điều 203 Luật đất đai năm 2013, tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận thì có thể nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền.
Đối với tranh chấp giữa các hộ gia đình, cá nhận, cộng đồng với nhau thì khiếu nại đến chủ thể có thẩm quyền giải quyết là Chủ tịch UBND cấp huyện. Nếu một trong các bên không đồng ý lần đầu thì có thể khiếu nại lên cấp tỉnh, thậm chí khởi kiện vụ án hành chính đối với chính quyết định giải quyết của UBND cấp huyện.
PV: Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo