Phân tích

Túi tiền quốc gia nguy cơ mất trắng hơn 15.000 tỷ đồng?

(DNVN) - Tính đến thời điểm 31/5/2016, số tiền nợ thuế không có khả năng thu là 15.000 tỷ đồng.

Tại cuộc họp báo về tình hình tài chính, ngân sách diễn ra chiều 2/7, câu chuyện ngân sách, nợ thuế của các doanh nghiệp một lần nữa lại làm "nóng" hội trường họp báo khi số liệu được đại diện Bộ Tài chính công bố khiến không ít cánh báo giới giật mình.

Theo đó, thông tin về tình hình nợ thuế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Nguyễn Đại Trí cho biết, tính đến 31/5/2016 tổng nợ thuế trên cả nước là 75.000 tỷ, tăng 1300 nghìn tỷ so với 31/12/2015 giảm 770 tỷ so với 30/4.

Trong đó, tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày là 44.500, khoản phạt chậm nộp 25.000; nợ không có khả năng thu là hơn 15.000 tỷ đồng, so với thời điểm 31/12/2015, con số này đã tăng thêm khoảng 700 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 5%. So với thời điểm 1 tháng trước đó, số tiền thuế nợ không có khả năng thu tăng khoảng 200 tỷ, tăng 1,3%.

Ông Nguyễn Đại Trí - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế trả lời báo chí tại buổi họp báo chiều 2/7.

Về đôn đốc thu nợ, tính đến 31/5, các Cục Thuế tại 63 tỉnh đã đôn đốc thu được tổng 20.000 tỷ đồng từ năm 2015 chuyển sang, tăng 17,9 % so với cùng kỳ 2015, đạt 37,7% chỉ tiêu thu nợ 2016 đạt, bằng biện pháp quản lý thu nợ thu được 16.590 tỷ, bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế thu được 3.462 tỷ. 

Ghi nhận một số địa phương có tỷ lệ cao như Kiên Giang 83%, Hà Tĩnh 80%, Sóc trăng 70%; Bạc Liêu, 68% TP. HCM thu được 5.100 tỷ đồng, Hà Nội 6.300 tỷ tính đến hết tháng 5/2016. 

Theo lãnh đạo Tổng Cục thuế, thực trạng nợ, số tiền nợ trong 5 tháng đầu năm có tăng nhẹ so với cuối năm 2015 do tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng tốc độ chậm nên doanh nghiệp còn khó khăn, doanh nghiệp không có khả năng thanh toán trong khi tài sản đã thế chấp ngân hàng.

Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người nộp thuế không chấp hành quy định pháp luật về thuế, chây ì, nợ thuế kéo dài; cơ quan thuế xử phạt chậm nộp dẫn đến nợ chậm nộp tăng; thực hiện trích nộp nợ thuế qua ngân hàng gặp khó khăn do họ không cung cấp tất cả các tài khoản tại ngân hàng…

Cũng theo ông Trí, trong quá trình thu hồi nợ thuế của các doanh nghiệp, ngành thuế phải rất cân nhắc khi thực hiện các biện pháp đến cùng là cưỡng chế, đình chỉ hoá đơn. Trong khi đó, một số trường hợp, cơ quan thuế vẫn phải cho phép doanh nghiệp sử dụng hoá đơn lẻ vì nếu siết chặt quá thì doanh nghiệp gặp khó, ngừng kinh doanh.

 

Lãnh đạo Tổng cục thuế cũng cho biết, trong thời gian tới, ngành thuế sẽ phối hơp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an... để lập các tổ công tác liên ngành thu hồi nợ thuế. Đồng thời cũng sẽ tham mưu cho cấp uỷ địa phương có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo