Tuyển 2.100 lao động Trung Quốc: "Không thể nói lao động Việt Nam không đáp ứng được"
"Không thể nói lao động của chúng ta không đáp ứng được, tôi khẳng định người VN thừa sức có nhân công kỹ thuật cao".
Đó là khẳng định của PGS.TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam trước việc tỉnh Trà Vinh vừa cho phép tuyển dụng 2.100 lao động Trung Quốc vào nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 làm việc.
Đừng thanh minh!
Công ty China Chengda Engineering vừa tuyển trên 2.100 người lao động Trung Quốc làm việc tại nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3, tỉnh Trà Vinh. Để lý giải cho việc này Sở LĐTB&XH tỉnh Trà Vinh đã giải thích đây là những lao động có trình độ kỹ thuật cao và chuyên gia. Quan điểm của ông ra sao, một nhà máy nhiệt điện có cần đến đội ngũ công nhân lao động TQ nhiều như vậy?
Theo tôi được biết chủ đầu tư dự án này là EVN hoàn toàn đứng ngoài việc tuyển dụng. Khâu tuyển dụng này là do nhà thầu và Sở LĐTB&XH tỉnh Trà Vinh trình lên UBND tỉnh.
Cho nên lỗi đầu tiên là của Sở LĐTB&XH, điều này cũng chứng tỏ cán bộ không có chuyên môn, bởi nếu kết luận không có nhân lực kỹ thuật lao động đáp ứng là không có căn cứ.
Trong khi Sở quản lý lao động, dĩ nhiên với số lượng lao động hơn 2000 nhân công mà chỉ đăng phạm vi tuyển dụng trong tỉnh, chắc chắn là không đủ, nhưng tại sao lại không đăng thông tin tuyển dụng trên toàn quốc, trong khi các công ty xây dựng thiếu gì người lao động đủ trình độ đáp ứng?
Bên cạnh đó, theo tôi được biết, trong các hồ sơ mời thầu luôn có nhà thầu B', nhà thầu chính B phải ưu tiên chọn nhà thầu phụ B' là phía VN, cho nên bây giờ nếu mổ xẻ chi tiết người ta có quyền chất vấn, tại sao không chọn nhà thầu VN. Tất cả các nhà thầu, các hồ sơ mời thầu xưa nay tôi duyệt đều có câu đó.
Cho nên không phải sau này mới phát triển các nhà thầu mà ngay từ dự án nhà máy nhiệt điện Phả Lại 2 đã có ký kết nhà tổng thầu phải ưu tiên sử dụng các nhà thầu phụ là phía VN. Phía VN phải đứng số 1, chỉ khi nào nhà thầu VN không đáp ứng được thì mới được chọn nhà thầu khác. Nhà thầu phụ đó cũng phải thông qua chủ đầu tư chứ không phải tùy tiện chọn.
Còn trong trường hợp này tôi chắc chắn rằng họ đi con đường lắt léo không qua chủ đầu tư, mà đi thẳng sang bên Sở LĐTB&XH tỉnh rồi trình lên UBND tỉnh để phê duyệt. Về phía Sở lao động Trà Vinh, tôi nghĩ nên nhìn thấy lỗi sai mà tiến hành sửa chữa, chứ không nên bao che, bao biện không có kỹ thuật trong nước, đó là bao biện cực kì sai.
Bởi vì dự án nhiệt điện Duyên Hải 3 là dự án thứ mấy chục, chứ không phải 1-2 dự án như nhà máy lọc dầu, các đơn vị xây dựng và lắp máy của VN hoàn toàn có thể đảm đương các công trình đó.
Bên cạnh đó, Sở LĐTB&XH Trà Vinh còn giải thích đã ra thông báo tuyển dụng của Công ty China Chengda Engineering: “Tuyển lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển người lao động nước ngoài”. Thông báo này đã được gửi đến lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh, Ban quản lý khu kinh tế, Trung tâm giới thiệu việc làm. Làm như vậy có đúng quy trình không, thưa ông?
Theo thông tin tôi nắm được thì tổng số lao động người Việt Nam, người nước ngoài cần tuyển làm việc đến năm 2017 là 3.800 người. Riêng năm 2013 cần tuyển 150 người. Thời gian nhận hồ sơ từ ngày ra thông báo (6/11/2013) đến hết ngày 31/12/2013. Thời gian phỏng vấn dự kiến ngày 10/1/2014.
Tuy nhiên, với số lao động quá lớn như vậy mà lại chỉ đăng tuyển dụng trong phạm vi tỉnh mà không đăng toàn quốc, lại đăng trong thời gian ngắn, thì làm sao tuyển dụng được. Trong khi, lao động của chúng ta toàn cử nhân tốt nghiệp không có việc làm, tỉnh làm như vậy là quá sai!
Tôi nghĩ lý do này không thanh minh được, tỉnh không nên thanh minh thì đúng hơn.Tôi thấy đây mới chỉ là phê duyệt nó sẽ có điều kiện khác, nhưng bây giờ dư luận lên tiếng thì tỉnh phải xem xét lại, trong việc xét duyệt nhân lực lao động, cụ thể phải xem xét kỹ hơn theo những tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh.
Nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy không thể chấp nhận nổi việc, đưa ra nhận định tuyển lao động kỹ thuật cao, như vậy có khác nào tự nhận lao động của chúng ta không đáp ứng được. Tôi khẳng định người VN thừa sức có nhân công kỹ thuật cao, ai bảo là không có? Lỗi lớn nhất ở đây là thông báo tuyển dụng chỉ thông báo trong phạm vi tỉnh chứ không phải cả nước, thời gian thông báo tuyển dụng quá ngắn, tính từ thời gian thông báo với ký duyệt cho đối tác là quá ngắn.
Hơn nữa, bản thân tỉnh Trà Vinh từ xưa đến nay vẫn là tỉnh có trình độ kỹ thuật kém mà lại thông báo lấy người của tỉnh thì dĩ nhiên làm sao mà đủ? Trong khi đó cả nước thiếu gì lực lượng kỹ thuật, nhân công?
Đối với nhà máy nhiệt điện có 2 loại nhân công xây dựng: Một là, nhân công xây dựng chuyên lắp máy, Hai là nhân công xây dựng cơ bản. Thế nhưng, giai đoạn này của nhà máy nhiệt điện Duyên hải 3 thì chủ yếu là nhân công xây dựng cơ bản, mà nhân công xây dựng cơ bản thì yêu cầu trình độ kỹ thuật không cao, cho nên việc thanh minh tuyển toàn lực lượng kỹ thuật cao và chuyên gia là hoàn toàn không đúng, xét kỹ ra thì sai hoàn toàn.
Nhiệt điện Duyên hải 3 không cần đến 2.100 lao động kỹ thuật cao
Ông có thể nói rõ hơn lực lượng lao động kỹ thuật cao và lao động phổ thông trong nhà máy nhiệt điện khác nhau ra sao? Công việc cụ thể của từng lao động là gì?
Lao động kỹ thuật cao cũng có hai loại: Một là, kỹ thuật cao theo kiểu làm thiết kế, giám sát công trình, chỉ đạo thi công, lực lượng trình độ ĐH trở lên. Hai là, người thực hiện công việc cụ thể như là công nhân, nhưng cũng phải có tay nghề, thợ hàn cũng phải có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền nhà nước cấp phép, thợ lắp cũng vậy, thợ chỉnh bình cũng vậy.
Thế nhưng, hiện nay trong giai đoạn xây dựng của nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 nó chưa đến giai đoạn cần nhiều lao động kỹ thuật cao vì mới ở giai đoạn xây dựng chỉ đạo thi công, giám sát thi công, kiểm tra chất lượng thi công.
Vì vậy, giai đoạn này, vẫn là thợ xây dựng nhiều, nghĩa là thợ lao động phổ thông nhiều. Mặc dù, trong xây dựng có thợ bậc cao, thợ lái máy xúc, cần cẩu làm hạ tầng cơ sở nó cũng phải có trình độ, bằng cấp.
Không thể có đến 2.100 lao động kỹ thuật cao cho một nhà máy nhiệt điện. Thôi thì cứ cho là cần bằng đó lao động đi, vậy thì hãy liệt kê ra hạng mục nào cần kỹ thuật gì, cao như thế nào? Tôi nói đơn cử để làm móng của máy này thì cần bao nhiêu thợ kỹ thuật cao, lắp ráp máy cần bao nhiêu, ghi con số rõ ràng ra là rõ ngay.
Những con số này, nếu là người trong ngành xây dựng sẽ xác định được ngay, một nhà máy nhiệt điện mà tới 2.100 lao động mà gọi kỹ thuật cao cả thì phải xem lại.
Đương nhiên, đa phần thợ làm trong nhà máy nhiệt điện đều là thợ đã tinh qua, có kinh nghiệm. Hiện nay, tại VN Tổng công ty lắp máy đã từng làm tổng thầu nhiều công trình, nếu làm B' thì họ thừa sức đảm nhận.
Được biết, nguồn vốn xây dựng nhà máy này 85% là của các Ngân hàng Trung Quốc cho vay, các nhà thầu xây dựng cũng của TQ, nhiều ý kiến lo ngại, chúng ta đang quá bị phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư. Thậm chí, còn có chế độ ở Trung Quốc nhà nước sẽ hỗ trợ tài chính cho các công ty Trung Quốc nào thắng thầu và đưa được nhiều công nhân TQ ra nước ngoài để thi công. Ông nhìn nhận ra sao trước thực trạng này?
Theo tôi được biết, hiện nay chúng ta đang thực hiện chính sách, nhà thầu trúng thầu phải thu xếp vốn, thu xếp tài chính, phải bỏ tiền ra, khi nào làm xong nghiệm thu mới trả tiền, phía VN chỉ đặt cọc vài %, việc thu xấp tài chính là việc của nhà thầu, theo đúng hợp đồng giao thầu phải như vậy.
Tôi lấy ngay ví dụ cụ thể như dự án Quảng Ninh 1, Hải Phòng 1, chậm tiến độ 2-3 năm, chính vì nhà thầu chính không có năng lực tài chính cho nên không có tiền trả nhà thầu phụ, mà nhà thầu phụ cũng là nhà thầu TQ là chính, sau đó không chấp nhận được nên bỏ về, chính vì vậy, mới kéo dài thời hạn thi công, dẫn đến tiến độ chậm.
Thế nhưng, các Ngân hàng TQ hiện nay giàu và nhiều tiền, cho nên các nhà thầu, kể cả phương Tây phải có ngân hàng bảo lãnh, bảo đảm chu cấp tài chính cho nhà thầu thực hiện.
Nhưng điều chúng ta quan tâm là tất cả các công trình hiện nay đều trong trạng thái nhà thầu làm xong công trình, tôi nghiệm thu rồi mới ký biên bản thanh toán tiền, không thanh toán trước. Chính vì thế nếu nhà thầu nói không có tiền mà chậm tiến độ thì nhà thầu phải chấp nhận phạt, bởi nhà thầu đã có bảo đảm tài chính của Ngân hàng, không làm được là lỗi của nhà thầu.
Trong thời điểm này, theo quan điểm của ông tỉnh Trà Vinh nên làm gì và đưa ra giải pháp gì?
Theo quan điểm của tôi 2.100 lao động ấy vẫn chưa có quyết định tuyển dụng chính thức, nên Trà Vinh có quyền dùng luật pháp hoặc quy định khác, giả dụ như nếu là lực lượng kỹ thuật phải có bằng cấp, một số trường hợp phải có giấy phép hành nghề, qua đánh giá của phía VN thì mới tuyển dụng.
Trong xây dựng nhà máy nhiệt điện, công việc hàn là rất quan trọng, từ ngữ chuyên môn gọi là hàn hợp cách, có nghĩa là phải đạt 1 tiêu chuẩn thợ hàn nào đó, tiêu chuẩn thợ hàn đó có cơ quan cấp phép.
Nhưng lực lượng kỹ thuật này trong nước không hề thiếu, thậm chí rất nhiều. Cho nên tôi cho rằng quy cho cùng là lỗi tại tỉnh, nguyên nhân dẫn đến lỗi do đâu thì chúng ta không biết.
Chỉ biết là ở các tỉnh khác không bao giờ làm vậy, thậm chí có cho lao động TQ vào chui vẫn có quản lý, lao động không đúng thì chuyển về nước.
Theo Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo