Phân tích

Tỷ lệ nợ xấu thực chất của nền kinh tế có thể lên đến 11,02%

(DNVN) - Theo tính toán của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), tỷ lệ nợ xấu thực chất của nền kinh tế có thể lên đến 11,02% (bao gồm nợ xấu báo cáo, nợ xấu nằm tại VAMC và nợ có nguy cơ chuyển xấu sau khi QĐ780 hết hiệu lực từ 1/4/2015).

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) vừa công bố báo cáo triển vọng năm 2016. Báo cáo về lĩnh vực nợ xấu của ngành Ngân hàng, VCBS cho biết, tính đến hết tháng 11/2015, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống giảm về 2,72% so với con số 3,25% đầu năm do các ngân hàng tiếp tục tăng tốc trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu, đồng thời đẩy mạnh bán nợ cho VAMC. Tổng nợ xấu nội bảng của các ngân hàng là 135.872 tỷ đồng cuối tháng 9/2015. 

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, theo tính toán của VCBS, tỷ lệ nợ xấu thực chất của nền kinh tế có thể lên đến 11,02% (bao gồm nợ xấu báo cáo, nợ xấu nằm tại VAMC và nợ có nguy cơ chuyển xấu sau khi QĐ780 hết hiệu lực từ 1/4/2015). Thông tư 02 được áp dụng từ 12/4/2015, các ngân hàng sẽ bị buộc phải sử dụng thông tin từ trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC) trong phân loại nợ, việc áp dụng chặt chẽ thông tư sẽ khiến cho số nợ xấu mà các ngân hàng công bố sẽ tăng lên.

Báo cáo của VCBS cũng cho biết, hoạt động của VAMC có nhiều tiến triển. Theo đó, VAMC đã được NHNN tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng và Thông tư 14/NHNN được ban hành cho phép VAMC mua bán nợ theo giá thị trường từ ngày 1/10/2015. Việc thu mua nợ xấu của VAMC diễn ra rất thuận lợi trong 9 tháng đầu năm và đặc biệt trong Quý 3, do hạn chót 30/9/2015 mà NHNN đề ra để các NHTM đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%.

Trong khi đó, tốc độ xử lý nợ xấu của VAMC vượt kế hoạch 2015 nhưng vẫn khiêm tốn với chỉ 9,6% nợ được thu hồi. Nguyên nhân là còn nhiều vướng mắc tồn tại theo Chủ tịch VAMC.

Thứ nhất là do NĐ53/2013 chưa cấp đủ thẩm quyền cho VAMC trong việc xử lý TSĐB (NĐ 163/2006 cho phép chủ TS không hợp tác), nhận thực hiện quyền chủ nợ (hạn chế theo Luật Đất đai), quyền kế thừa nghĩa vụ về tố tụng (Luật Dân sự 2004 không quy định). Do vậy, thời gian để bán thành công TSĐB một khoản nợ lên đến 4 tháng, chi phí thực hiện cao và đồng thời VAMC cũng không có đủ thẩm quyền để ứng phó một cách toàn diện với các khách hàng, cơ quan không hợp tác.

Thứ hai là do Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ. Đây được quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ các công ty quản lý nợ (AMC, DATC) được phép thực hiện. Quyền và trách nhiệm của bên mua nợ, bán nợ và xử lý nợ chưa được quy định rõ và chưa có cơ sở pháp lý để định giá các khoản nợ.

 

Trên cơ sở đó, VCBS kỳ vọng các cơ chế, thẩm quyền hoạt động của VAMC sẽ được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Với việc tập trung xử lý nợ và những tín hiệu tích cực thời điểm cuối 2015, VCBS dự báo VAMC sẽ vượt kế hoạch thu hồi nợ đến năm 2016 (20% nợ đã mua), đạt khoảng 35.000-45.000 tỷ đồng (số lũy kế tương đương khoảng 24-26% nợ đã mua).

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo