Doanh nhân

Tỷ lệ nữ lãnh đạo trong doanh nghiệp Việt cao thứ 2 Đông Nam Á

Tại Việt Nam, phụ nữ chiếm 7% trong số lãnh đạo điều hành doanh nghiệp, cao thứ 2 ở Đông Nam Á và chỉ sau Philippines.

 

 
Tổng giám đốc (CEO) VinE-Com, người từng đảm nhiệm vị trí CEO Vingroup, Lê Thị Thu Thủy chia sẻ với cách nghĩ của một người làm mẹ về mục đích mở Vincom Mega Mall Royal City là đưa nơi đây trở thành một điểm vui chơi giải trí cuối tuần cho 6,8 triệu người dân ở Hà Nội. “Trước đó chẳng có nơi nào để cả gia đình cùng thư giãn”, bà nói.

Theo bà Thủy, thành công của các nữ CEO tại Việt Nam có thể là nhờ vào những kỹ năng họ tích lũy được từ thời kỳ chiến tranh khi người đàn ông ra trận, người phụ nữ phải tự đứng ra kinh doanh, quản lý tài chính gia đình và nuôi dạy con cái.

 

Còn bà Mai Kiều Liên, CEO của Vinamilk cho rằng, nữ giám đốc thường thận trọng hơn nam giới do đó quản lý rủi ro tốt hơn. Dưới sự điều hành của bà Liên, Vinamilk hiện xuất khẩu sang hơn 23 quốc gia và đặt mục tiêu doanh thu trên 3 tỷ USD vào năm 2017, so với 500 triệu USD cách đây 5 năm.

 

Những nữ doanh nhân như bà Thu Thủy hay bà Kiều Liên đang tạo hiệu ứng tốt trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mức vốn hóa 58 tỷ USD và là thị trường tốt nhất châu Á năm nay.

 

Theo kết quả khảo sát của viện nghiên cứu thuộc Credit Suisse với 2.360 doanh nghiệp tại 46 quốc gia giai đoạn 2005-2011, những doanh nghiệp có ít nhất 1 nữ lãnh đạo có tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao hơn mức bình quân và được định giá cao hơn trên thị trường chứng khoán.

 

Chỉ số chứng khoán của 43 doanh nghiệp có nữ CEO tăng gần gấp 3 lần trong vòng  5 năm qua, tăng gấp 2 lần so với chỉ số VN-Index, theo số liệu của Bloomberg và Viện nghiên cứu và tư vấn tài chính tại Paris (IFRC). Những doanh nghiệp này hoạt động trong đủ các ngành nghề, trong đó chủ yếu là công nghiệp và tài chính.

 

Trong nhóm này có doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng 763% trong vòng 5 năm trở lại, cũng có doanh nghiệp với lợi nhuận giảm 72% nhưng tính chung lợi nhuận của nhóm này tăng 72%, dữ liệu của Bloomberg chỉ ra.

 

Nữ CEO ở Việt Nam thường có xu hướng ra quyết địnht ập thể hơn là nam giới. Họ tìm cách để đạt được sự đồng thuận với cổ đông hơn là phác ra một chiến lược độc đoán, Chris Freund, một đối tác tại công ty Mekong Capital (TPHCM) nhận định.

 

Bà Vũ Thị Thuận (58 tuổi), nguyên CEO và hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty sản xuất thuốc Traphaco cho biết, trong suốt 11 năm làm việc tại công ty, bà thường dành thời gian ăn trưa với nhân viên. Điều này giúp Traphaco giữ được chân nhân viên ngay cả khi những người này hoàn toàn có cơ hội tìm kiếm công việc lương cao hơn ở nơi khác.

 

Tại Việt Nam, phụ nữ chiếm 7% trong số lãnh đạo điều hành doanh nghiệp, cao thứ 2 ở Đông Nam Á, chỉ sau Philippines, IFRC cho biết. Tỷ lệ này ở Mỹ khoảng 17%.

 

 

“Không giống như nhiều nước châu Á khác nơi mà người phụ nữ đứng ngoài lề, thì ở Việt Nam họ cũng là những người nắm quyền hành. Đó là một phần văn hóa. Phụ nữ ở đây cần cù, thông minh và rất tận tụy”, trả lời phỏng vấn qua điện thoại, ông Peter Ryder, CEO của Indochina Capital, nhận định.

 

Không phải tất cả doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam do nữ doanh nhân điều hành. Ví dụ, các CEO của tập đoàn FPT đều là nam giới, cổ phiếu của FPT tăng 87% trong năm 2013 và tăng 145% trong 5 năm trở lại đây.

 

“Bình đẳng giới là điều tốt nhưng tôi không cho rằng nó sẽ quyết định việc nhà đầu tư lựa chọn cái này hay cái kia. Kinh nghiệm, khả năng lãnh đạo, thích ứng và sự quyết đoán là những yếu tố quan trọng đối với một nhà quản lý”, trưởng bộ phận kinh doanh tại VinaSecurities nói.

 

Tuy nhiên, sự góp mặt của nữ CEO có thể giúp đa dạng cách nhìn cho doanh nghiệp trong quá trình ra quyết định”, Simon Andrews, giám đốc phụ trách khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myamar tại Công ty tài chính quốc tế, một công ty đầu tư tư nhân thuộc Ngân hàng Thế giới nhận định.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo