Tỷ phú Whatsapp từng sống nhờ tem phiếu
Giới kinh doanh quốc tế đang xôn xao vì thông tin Facebook tuyên bố mua nhà cung cấp phần mềm OTT – Whatsapp với giá 16 tỷ USD (4 tỷ USD tiền mặt và 12 tỷ USD cổ phiếu Facebook). Ngoài ra, khi thương vụ được hoàn tất, tỷ phú Mark Zuckerberg sẽ tặng thêm cho những người sáng lập và nhân viên của Whatsapp thêm 3 tỷ USD cổ phiếu hạn chế nữa.
Đây không chỉ là câu chuyện kinh doanh thành công bất ngờ của đội ngũ 55 nhân viên Whatsapp. Với người đồng sáng lập Jan Koum, đó còn là câu chuyện làm giàu ngoạn mục.
Tạp chí Forbes ước tính Koum sở hữu 45% cổ phần trong công ty, còn người đồng sáng lập còn lại Brian Acton nắm hơn 20%. Điều này có nghĩa là sau thương vụ với Facebook, Koum có thể sẽ thành tỷ phú đôla với tài sản 6,8 tỷ USD, còn Acton có ít nhất 3 tỷ USD. Những con số này tính toán dựa trên giá cổ phiếu Facebook lúc đóng cửa hôm thứ tư.
CEO của Whatsapp, Jan Koum tại một hội thảo công nghệ năm 2013. Ảnh: CNET
Năm nay 37 tuổi, đồng sáng lập WhatsApp Jan Koum sinh ra ở Ukraine, trong một gia đình nghèo, không có điện lẫn nước nóng, hãn hữu lắm mới gọi điện thoại vì không muốn tốn tiền. Năm 16 tuổi, gia đình anh chuyển đến Mỹ và tiếp tục trải qua thời kỳ gian khổ, khi mà cuộc sống dựa chủ yếu vào tem phiếu thực phẩm dành cho những người không mua nổi mua thức ăn.
Do bố của Jan Koum không kiếm đủ để nuôi cả nhà nên mẹ anh phải đi trông trẻ thuê còn Koum nhận việc quét dọn trong cửa hàng rau quả gần nhà. Để tiết kiệm chi phí mua sách vở ở trường, Koum vẫn sử dụng những cuốn vở và bút viết mang sang từ Ukraine khi đi học.
Năm 18 tuổi, Koum vẫn thuộc “thành phần cá biệt” ở trường do ít hòa nhập với bạn bè. Bù lại, anh làm bạn với chiếc máy tính cũ mua lại từ nhà hiệu sách. Koum gia nhập một nhóm hacker (tin tặc), lân la vào thế giới mạng và làm quen với những nhân vật sau này đều nổi danh như đồng sáng lập của Napster.
Khi đang học đại học, Koum vừa học vừa làm cho Tập đoàn Ernst & Young và sau đó chuyển đến làm cho Yahoo ở vị trí kỹ sư hạ tầng. Sau đó, anh quyết định ngừng đến trường để tập trung làm toàn thời gian tại Yahoo vì thấy rằng mình ghét đi học.
Mẹ Koum qua đời vì bệnh ung thư năm 2000, ba năm sau cái chết của người bố. Người bạn cùng học và cùng làm tại Yahoo của anh là Brian Action đã giúp đỡ Koum trong giai đoạn khó khăn.
Sau 9 năm làm việc tại Yahoo, Koum tiết kiệm được 400.000 USD còn người bạn Action mất hàng triệu USD sau khi đầu tư vào các công ty công nghệ. Đến năm 2007, cả hai rời Yahoo, dành một năm đi du lịch cùng nhau, cùng nộp đơn xin việc vào Facebook và đều bị từ chối.
Đến tháng 1/2009, Koum mua một chiếc iPhone và nhận ra rằng kho ứng dụng App Store (lúc này đã thành lập được 7 tháng) có thể mở ra cả một ngành công nghiệp ứng dụng.
Hai đồng sáng lập của Whatsapp, Brian Action (trái) và Jan Koum. Ảnh: Forbes
Sau một thời gian chia sẻ ý tưởng với bạn bè, đến tháng 4, Koum quyết định thành lập công ty Whatsapp Inc. với ứng dụng nhắn tin miễn phí dành cho di động Whatsapp. Thời gian đó, ứng dụng này gần như là duy nhất cho phép người dùng sử dụng số điện thoại của mình để nhắn tin miễn phí.
Do đó, Whatspp nhanh chóng thu hút hàng trăm nghìn người dùng tại Đông Âu và cả ở Mỹ. Brian Action gia nhập ban quản trị 9 tháng sau khi thành lập. Cả hai thu hút được 250.000 USD trong lần huy động vốn đầu tiên từ 5 người bạn ở công ty cũ.
Nhờ khoản tiền, Koum và Acton làm việc không công trong vài năm đầu tiên. Thời gian này, chi phí lớn nhất của công ty là tiền tin nhắn xác nhận gửi cho người dùng (hiện nay tốn khoản nửa triệu USD mỗi tháng). Khoản chi nhanh chóng khiến tài khoản ngân hàng của Koum cạn kiệt. Đến cuối 2009, WhatsApp quyết định thu phí, bằng cách định kỳ thay đổi trạng thái ứng dụng từ “miễn phí” sang “thu phí” và kiếm khoảng 5.000 USD mỗi tháng. Ngoài ra, họ nâng cấp ứng dụng cho iPhone với chức năng gửi ảnh. Ứng dụng nhanh chóng khiến người dùng điện thoại quả táo phát cuồng dù bị thu phí một USD.
Đến đầu 2011, WhatsApp đã vào Top 20 ứng dụng được tải nhiều nhất trên kho Apple Store tại Mỹ. Đến tháng 2/2013, cả hai quyết định tổ chức cuộc gọi vốn lần hai trong bí mật và có nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra 50 triệu USD, nâng giá trị Whatsapp lên 1,5 tỷ USD.
Khi đã có tiền trong tay, cả hai quyết định thuê một tòa nhà ba tầng để lấy chỗ làm việc cho nhân viên, với kế hoạch nâng số lượng nhân viên từ 55 lên 100. Và đến tháng 2/2014, cái tên Whatsapp một lần nữa gây sốc khi được Facebook mua lại với giá 19 tỷ USD.
Koum là một người đam mê môn đấm bốc và đang theo học một lớp với thầy giáo riêng. “Cách đấm bốc của Koum rất tập trung”, huấn luyện viên cho biết. Anh ấy không muốn bị cuốn vào những loạt đánh liên tiếp như hầu hết những học viên khác, mà chỉ muốn tung ra những quả đấm chính xác. Ngoài đời, Koum cũng dành nhận xét tương tự về phong cách làm việc của mình: “Tôi chỉ muốn làm một việc và phải làm nó thật tốt”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo