Phân tích

UBTV Quốc hội thảo luận chuyển từ phí thủy lợi sang giá dịch vụ

(DNVN) - Sáng 12/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 3. Tại buổi họp, các đại biểu đã nghe báo cáo và thảo luận dự án Luật Thủy lợi.

Theo Tờ trình về dự án Luật Thủy lợi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày, Dự án Luật Thủy lợi được xây dựng gồm 9 chương với 72 điều, quy định cụ thể phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, những vấn đề chung về hoạt động thủy lợi; điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi; nguyên tắc, hình thức, nội dung đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác, an toàn công trình thủy lợi; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong hoạt động thủy lợi; quyền, trách nhiệm quản lý Nhà nước về thủy lợi của Chính phủ.

UBTVQH đã ban hành Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi năm 1994 và được điều chỉnh năm 2001. Cùng với các văn bản liên quan, Pháp lệnh đã cơ bản đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý trong hoạt động thủy lợi, phục vụ hiệu quả sản xuất, dân sinh, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 3 của UBTVQH.

Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động thủy lợi còn bộc lộ một số bất cập, trong đó phạm vi điều chỉnh, Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi mới chỉ quy định áp dụng đối với các công trình thủy lợi đã xây dựng và được đưa vào khai thác; nguồn lực phát triển thủy lợi hiện nay chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chưa phát huy được trách nhiệm và sự tham gia của người dân, người sử dụng nước, cũng như khu vực tư nhân; từ khi Pháp lệnh ra đời, một số luật liên quan trong lĩnh vực nước đã được hình thành… Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Thủy lợi là nhằm thực hiện tốt hơn các yêu cầu thực tế đặt ra về quản lý và phát triển thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra sự thống nhất của hệ thống pháp luật về quản trị nước.

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, cũng cho biết, Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cũng nhất trí với quan điểm chuyển đổi cơ chế từ thu “thủy lợi phí” tại Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi sang “giá dịch vụ thủy lợi”. Việc tính giá dịch vụ thủy lợi góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả công trình thủy lợi, khuyến khích việc sử dụng nước tiết kiệm.

Tuy nhiên, việc dự thảo luật quy định việc chuyển đổi cơ chế này khiến nhiều đại biểu băn khoăn: lộ trình áp dụng giá dịch vụ thủy lợi thế nào, đánh giá về sự ủng hộ của nhân dân khi tính giá dịch vụ thủy lợi được thực hiện ra sao. Đặc biệt là việc chuyển sang cơ chế giá này có khả thi không?

Tại phiên họp, nhiều ý kiến phát biểu nêu rõ dự án Luật xây dựng phải thể chế hóa được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển thủy lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền và lợi ích quốc gia; phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và từng địa phương trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Đồng thời, dự án Luật phải kế thừa được các quy định còn phù hợp với Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi và các văn bản pháp luật liên quan; cùng với đó là bổ sung các quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn, luật hóa một số quy định trong các văn bản dưới luật nhằm tăng giá trị pháp lý của các quy định này; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan ở Trung ương và chính quyền các cấp ở địa phương…

 

Đáng lưu ý, nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm đến quy định mới trong dự thảo Luật về giá dịch vụ thủy lợi. Trong khi cơ quan soạn thảo cho rằng, việc thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức xã hội về công tác thủy lợi từ “phục vụ” sang đúng bản chất “dịch vụ”, giúp người sử dụng dịch vụ (nước từ công trình thủy lợi) hiểu rõ bản chất hàng hóa của nước, coi lĩnh vực thủy lợi là một loại dịch vụ đầu vào cho sản xuất, góp phần sử dụng nước tiết kiệm…, thì Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị làm rõ việc chuyển từ thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi sẽ có tác động như thế nào đối với lĩnh vực nông nghiệp nói chung và đời sống bà con nông dân nói riêng? Nếu quy định này được chấp thuận thì lời giải cho bài toán cân đối giá dịch vụ sẽ như thế nào? Ban soạn thảo đã tính tới quan điểm của người dân, đối tượng chủ yếu chịu sự điều chỉnh của điều luật, khi chuyển từ “phục vụ” sang “dịch vụ” đối với công tác thủy lợi hay chưa?

Chia sẻ quan điểm của bà Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng đề nghị cân nhắc thật kỹ về giá dịch vụ thủy lợi. Theo ông, đây không đơn giản chỉ là sự thay đổi từ ngữ, cách gọi từ “phí” sang “giá” mà là cuộc cách mạng ở nông thôn; Luật Thủy lợi khi ban hành phải thực sự giúp ích cho người dân, chứ không chỉ nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý của Nhà nước hay thu tiền về cho ngân sách.

Phát biểu kết thúc phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh dự án Luật này hết sức quan trọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của các ủy viên trong UBTVQH. Cơ bản các ý kiến phát biểu đều bày tỏ nhất trí với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Thủy lợi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên họp để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự án Luật, trong đó đặc biệt chú ý đến các khái niệm, quy định liên quan đến nội hàm về “hoạt động thủy lợi”, “thủy lợi”; phạm vi của luật phải thích ứng với tình hình mới của bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tiếp tục rà soát, bảo đảm sự tương thích và thống nhất của luật trong hệ thống pháp luật nói chung, bảo đảm tính khả thi, tính cụ thể của luật; xây dựng cụ thể những quy định về công tác quản lý, đầu tư, quy hoạch các công trình thủy lợi; mức độ xã hội hóa đối với hoạt động phát triển các công trình thủy lợi trên tinh thần bảo đảm an toàn các các công trình thủy lợi được đặt lên hàng đầu.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo