Góc nhìn

Ưu đãi cho Formosa Hà Tĩnh: Cần phải tính về lâu dài

Việc ưu đãi cho Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn Formosa (Đài Loan) đang tạo ra các cuộc tranh luận trên các diễn đàn. Vậy thực hư của những chính sách ưu đãi này là gì?

 GS. TSKH Nguyễn Mại

Từng là Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (SCCI), Thành viên Tổ tư vấn về kinh tế đối ngoại của Thủ tướng Chính phủ và tham gia tư vấn cho tỉnh Hà Tĩnh trong quá trình thu hút Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương, GS - TSKH Nguyễn Mại được xem là người am hiểu rất rõ về các quy định liên quan đến pháp luật về đầu tư nước ngoài cũng như các ưu đãi đầu tư cụ thể đã được dành cho Tập đoàn Formosa (Đài Loan) trong dự án có quy mô vốn ban đầu lên tới 10 tỷ USD tại Hà Tĩnh.

Chính phủ mới đây đã kết luận, không thành lập đặc khu kinh tế dành cho dự án Formosa vì không phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật. Vậy ông nhìn nhận đề nghị thành lập đặc khu kinh tế của Formosa như thế nào?
 
Cần phải nhìn nhận cho đúng về câu chuyện này. Nhà đầu tư đề nghị làm đặc khu kinh tế là quyền của họ và họ đưa ra đề nghị này sau vụ bạo loạn xảy ra vào tháng 5 vừa qua. Trước đó, họ không hề có bất cứ đề nghị nào như vậy.
 
Vụ bạo loạn ở Hà Tĩnh đã gây thiệt hại lớn về tài sản cho dự án của Formosa tại Hà Tĩnh, cổ đông của họ đã có rất nhiều thắc mắc về việc bỏ tiền đầu tư khá nhiều vào Việt Nam, chưa thu được lợi nhuận gì mà đã bị phá hoại nhiều triệu USD. Nếu tiếp tục đầu tư nhiều tiền hơn nữa và vào các giai đoạn quan trọng hơn, thì việc bảo đảm tài sản của nhà đầu tư ra sao?
 
Theo tôi, các thắc mắc hoàn toàn chính đáng và Formosa đã đưa ra các kiến nghị đó cũng để an lòng cổ đông.
 
Mình là nước chủ nhà, mình có quyền không đồng ý, nhưng bác thế nào để nhà đầu tư hiểu mình có sự thông cảm với những khó khăn trong thực tế mà họ đã và đang gặp phải khi đã bỏ rất nhiều tỷ USD vào Việt Nam.  Mặt khác, chúng ta cũng có những quy định của mình.
 
Ở đây Chính phủ đã trả lời không đồng ý bởi không có quy định hiện hành nào cho phép doanh nghiệp làm đặc khu và rất thông cảm vấn đề an toàn, an ninh của nhà đầu tư, cũng đã thực hiện các giải pháp để hỗ trợ, khắc phục khó khăn, bảo đảm tiến độ xây dựng Dự án.
 
Trên thực tế, chúng ta đã làm rất tốt việc xử lý hậu quả của vụ bạo động. Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ thị kịp thời và tới giờ các công ty bảo hiểm đang làm việc để chi trả tiền bảo hiểm cho các thiệt hại của nhà đầu tư. Các tổ công tác của Chính phủ đang khảo sát để xác định mức độ thiệt hại của từng doanh nghiệp FDI, từ đó có phương án đền bù thỏa đáng. Điều này được các nhà đầu tư rất hoan nghênh.
 
Chúng ta không cần kêu toáng lên để làm nhà đầu tư hốt hoảng mà cần phải biến các thách thức đó thành hình ảnh đẹp về Việt Nam trong vấn đề đảm bảo môi trường đầu tư an toàn, công bằng cho nhà đầu tư nước ngoài.
 
Trước đó, hồi năm 2011, khi ông Chủ tịch Tập đoàn Formosa Vương Gia Khánh mất, trong nội bộ gia đình và Tập đoàn Formosa lúc đó cũng đã chia thành hai quan điểm trong việc tiếp tục đầu tư vào Việt Nam với quy mô lớn hay dừng lại. Sau các tranh luận nội bộ, họ đã quyết định tiếp tục dự án đầu tư vào Việt Nam và triển khai với tốc độ khá nhanh.
 
Thưa ông, nhiều người cho rằng, các ưu đãi mà Formosa được hưởng trong dự án có quy mô gần 10 tỷ USD này là rất lớn và rất ưu đãi. Điều này thực hư ra sao?
 
Trong Giấy chứng nhận đầu tư số 282023000001 được Ban quản lý KKT Vũng Áng cấp ngày 12/6/2008, các ưu đãi dành cho Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương đều nằm trong khuôn khổ của luật pháp khi đó. Thậm chí, ở thời điểm hiện nay, đã có chính sách đối với các dự án lớn, có tính chất quan trọng và đặc biệt được hưởng ưu đãi cao hơn, nhưng Dự án của Tập đoàn Formosa vẫn chưa có gì thay đổi về ưu đãi.
 
Chỗ này cần nhắc lại là trước năm 2007, các ưu đãi về thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam là ưu đãi chung cho các dự án, phân chia theo chuyện vào khu kinh tế, khu công nghiệp, nhưng làm dệt may hay điện tử cũng ưu đãi như nhau. Tuy nhiên, năm 2007 có phát sinh câu chuyện Samsung và Nokia muốn đầu tư vào Việt Nam và liên quan đến công nghệ cao.
 
Theo Luật Công nghệ cao, nếu muốn được hưởng ưu đãi về công nghệ cao thì phải có 2% doanh thu đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D). Vì vậy, các cơ quan chức năng cũng mất tới 6 tháng để bàn bạc, trao đi, đổi lại. Khi đó Samsung và Nokia phải chờ đợi khá lâu và họ đánh tiếng sẽ đi. Do vậy, Chính phủ đã quyết định giữ chân các nhà đầu tư lớn. Đó là quyết định rất đúng đắn dù rất khó khăn, nhưng tôi cho là cần thiết để mở ra giai đoạn mới trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
 
Bây giờ Samsung đã xây dựng Trung tâm R&D tại Hà Nội với quy mô ban đầu là 800 nhân viên và sắp tới sẽ mở rộng lên thêm 2.000 nhân viên nữa. Điều đó có nghĩa là, Việt Nam đã có thêm những lĩnh vực công nghệ cao và hoàn toàn mới mà tự mình thì không dễ và không nhanh để làm được.
 
Thưa ông, sự có mặt của Formosa với dự án 10 tỷ USD tại Hà Tĩnh sẽ mang tới những lợi ích gì?
 
Theo tiến độ hiện nay và đã được Formosa nhắc lại sau khi diễn ra bạo động, thì tháng 5/2015, nhà máy sẽ bắt đầu sản xuất. Hiện tại, Formosa đã bỏ vào Việt Nam khoảng 4 tỷ USD và trong khoảng 1,5 năm nữa sẽ bỏ thêm gần 4 tỷ USD. Như vậy, chưa kể đầu tư hiện có tại Đồng Nai, Formosa được xem là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, ngang ngửa quy mô về vốn với Tập đoàn Samsung vào năm 2015-2016.
 
Sự có mặt của Formosa với tỉnh nghèo như Hà Tĩnh sẽ kích hoạt nhiều mặt. Dự án này, khi vào hoạt động cần lượng lao động lên tới 40.000 – 50.000 người và mức lương bình quân khoảng 5-6 triệu đồng/tháng, cao cỡ gấp đôi so với thu nhập của các tỉnh miền Trung sẽ có sự lan tỏa lớn.
 
Hiện tại Formosa đang hợp tác với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và một số trường khác để tuyển lao động, cho đi đào tạo ở nước ngoài. Đây là sự chuẩn bị kỹ càng và bài bản cho dự án đi vào hoạt động. Như vậy, Việt Nam sẽ có một lớp kỹ sư gang thép được đào tạo bài bản và tiếp xúc với công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, đóng góp cho ngân sách từ dự án cũng không hề nhỏ.
 
Nhiều doanh nghiệp ngành thép đang lo ngại bị cạnh tranh dữ dội và khó tồn tại được. Ông nhận xét gì về lo ngại này?
 
Hàng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 5 tỷ USD các sản phẩm thép trong nước chưa sản xuất được. Sản phẩm của Formosa là các loại thép cao cấp và là các loại thép mà Việt Nam đang phải nhập khẩu.
 
Theo kế hoạch, Formosa sẽ xuất khẩu phần lớn các sản phẩm để lấy ngoại tệ cho phần nguyên liệu quặng đầu vào được nhập khẩu toàn bộ. Chúng tôi cũng góp ý với nhà đầu tư nên tiêu thụ một phần sản phẩm thép cao cấp làm ra ngay tại Việt Nam. Nếu như vậy, chúng ta sẽ giảm được ngoại tệ đang bỏ ra để nhập khẩu thép như hiện nay.
 
Mặt khác, nếu doanh nghiệp bán sản phẩm tại Việt Nam, thì ngân sách sẽ còn thu thêm được thuế VAT, vì vậy, cần khuyến khích, nhất là trong khi thuế thu nhập đã được miễn theo quy định.
 
Dự án của Formosa xây dựng lò cao công suất 2.000 m3. So với quy mô lò cao lớn nhất hiện nay tại Việt Nam là 500 m3 thì lò cao của Formosa lớn hơn rất nhiều, thế hệ mới và đảm bảo về vấn đề xử lý môi trường. Điều này đã được các cơ quan hữu trách của Việt Nam thẩm định. Nhà đầu tư cũng tự đầu tư nhà máy điện 400 MW để cung cấp điện cho sản xuất thép và bán cho ngành điện phần dư.
 
Chúng ta đừng thay nhà đầu tư tính toán hiệu quả kinh tế, mà nên quan tâm đến lợi ích của tỉnh Hà Tĩnh trong việc thu ngân sách, xây dựng đội ngũ lao động, đào tạo đại học về dạy nghề, người lao động sẽ có lợi ích gì khi có thu nhập khá, kỹ năng làm việc được nâng cao đến đâu và giám sát chặt vấn đề môi trường theo luật pháp để không làm ô nhiễm.
 
Một số ý kiến cũng lo ngại vấn đề an ninh quốc phòng khi dự án có quy mô khá lớn và nằm ở vị trí quan trọng. Ông nhìn nhận thế nào về ý kiến này?
 
Câu chuyện về an ninh, quốc phòng luôn được chúng ta quan tâm, nhưng không phải chuyện gì cũng công bố công khai. Cảnh giác lúc nào cũng rất cần thiết và từ vụ bạo loạn vừa rồi chúng ta chắc chắn đã có các biện pháp để bảo vệ an toàn cho nhà đầu tư cũng như an ninh của Tổ quốc.
 
Trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài 25 năm qua, chúng ta đã thu hút đầu tư từ 101 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã có những dự án rất lớn được triển khai, thậm chí là từ những nước thù địch, nhưng đến nay chưa thấy có nhà đầu tư nước ngoài nào vào Việt Nam và lợi dụng để tạo ra sự bất ổn ở đất nước của chúng ta.
Theo Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo