Vải thiều ngọt mà vẫn đắng
Chuyện được mùa nhưng bị ép giá, rớt giá vốn là vấn đề đến hẹn lại lên nhiều năm nay song chưa năm nào người trồng vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương) lại cảm thấy buồn lòng như năm nay. So với thời điểm cùng thu hoạch rộ nhất như năm ngoái, giá vải năm nay chỉ bằng khoảng 2/3. Giá rớt mạnh đã khiến không ít người trồng vải rơi vào cảnh “công cốc” khi chịu bao nắng mưa, vất vả chăm sóc nhưng chỉ đủ hòa vốn, thậm chí còn lỗ nặng.
Là một đặc sản nổi tiếng trong nước cũng như trên thị trường thế giới song thời gian chín rộ cho thu hoạch của vải khá ngắn. Thế nên, làm thế nào để giải quyết vấn đề khi nguồn cung tăng đột biến trong thời gian không dài để giữ giá quả vải là một bài toán nan giải nhiều năm nay. Đây cũng là nỗi đau đầu không chỉ riêng người trồng vải mà còn đối với nhiều loại nông sản khác có đặc tính chỉ thu hoạch trong một thời điểm ngắn.
Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân chung nêu trên thì nguyên nhân quan trọng khiến vải rớt giá mạnh năm nay là do sức tiêu thụ từ Trung Quốc, một thị trường quan trọng chiếm khoảng 30%-40% tổng sản lượng vải mỗi năm. Vấn đề thương lái Trung Quốc ép giá vải thiều Việt Nam không phải là mới song bên cạnh đó, đầu ra sang thị trường quan trọng này năm nay còn bị tác động bởi yếu tố căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước.
Tìm đầu ra để vải thiều thoát nghịch cảnh được mùa, rớt giá vốn đã nóng nhiều năm, vì thế càng nóng hơn trong vụ mùa năm nay. Thế nhưng, nhìn vào cung cách loay hoay của các cấp và cơ quan hữu trách, có thể thấy đây sẽ vẫn là một bài toán khó giải. Mãi tới trung tuần tháng 6 này - tức là lúc vải thiều bắt đầu chín rộ, đỏ rực khắp các vùng Lục Ngạn, Thanh Hà - mới thấy các bộ, ngành và địa phương ở phía Nam tổ chức cuộc họp để tìm đường cho quả vải “Nam tiến”.
Kiểu nước tới chân mới nhảy như vậy thì làm sao quả vải không cứ mãi gặp khó với đầu ra? Trong khi đó, xây dựng các cơ sở chế biến, tìm kiếm các thị trường Nhật Bản, châu Âu… đã thấy đề cập nhiều năm nay song vẫn chưa tiến triển được là bao.
Vị đắng quả vải thiều năm nay cũng thêm một lần nữa cho thấy nông dân vẫn phải quá lo cho đầu ra sản phẩm do mình làm ra, trong khi họ lại sản xuất manh mún, nhỏ lẻ là chính. Cứ để nông dân phải “tự bơi” như vậy thì nghịch lý được mùa, rớt giá có lẽ còn là chuyện dài dài...
End of content
Không có tin nào tiếp theo