Vai trò của SCIC ở đâu trong dự thảo Luật quản lý vốn Nhà nước?
Đây là nhận định của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
Thưa ông, nhiều ý kiến đang băn khoăn về việc liệu có tồn tại mô hình của SCIC khi Luật Đầu tư và quản lý vốn đầu tư Nhà nước tại doanh nghiệp, một bộ luật chuyên ngành quy định về hoạt động quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại DN sẽ được ban hành. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Để xác định được vai trò của SCIC ở đâu trong dự luật này, trước hết phải nhìn nhận được có hay không 3 điểm mấu chốt cơ bản là tiền đề để xây dựng luật.
Thứ nhất, là một trong những bộ luật quan trọng cần được xây dựng sau khi Hiến pháp mới ban hành để nâng cấp thể chế và mức độ thị trường của nền kinh tế Việt Nam, Luật Đầu tư và quản lý vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp cần xác định được vai trò, phạm vi, chức năng của DNNN trong nền kinh tế Việt Nam 5 - 10 năm tới, thực trạng nền kinh tế hiện nay có phù hợp với định hướng thị trường hay không. Nếu có khoảng cách và sự không tương thích thì luật này cần đặt nền tảng pháp lý để giải quyết và lấp khoảng trống đó. Tuy nhiên, điều này hầu như vắng bóng trong dự luật.
Điểm thứ hai phải giải quyết là xác định được ai là đại diện chủ sở hữu và thực hiện quyền chủ sở hữu như thế nào. Hiến pháp quy định các khoản vốn đầu tư của Nhà nước vào DN là sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện, tức là khác trước rất nhiều. Cơ quan gần dân nhất theo hướng dân trao quyền là Quốc hội phải là người đứng ra gánh vác đầu tiên vai trò trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân. Nếu Quốc hội nhận ủy thác trước nhân dân vai trò chủ sở hữu này thì Quốc hội cần có quyền gì đối với Chính phủ trong việc đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ cơ cấu số vốn Nhà nước một cách có hiệu quả và sử dụng tương thích với vai trò của DNNN, có cơ chế nào để Quốc hội có thể giám sát. Các nội dung này cũng vắng bóng trong dự thảo luật.
Điểm thứ ba là muốn thực thi quyền chủ sở hữu của Nhà nước thì phải tách biệt khỏi vai trò quản lý thị trường và vai trò làm chính sách. Nếu 3 cái này gộp vào nhau thì sẽ tạo ra sự xung đột lợi ích, tạo ra bất bình đẳng đối với thành phần kinh tế khác. Đáng ra, Luật phải xử lý được vấn đề này, nhưng cũng chưa giải quyết được.
3 điểm cơ bản này xuất hiện trong dự thảo Luật rất mờ nhạt và không tương thích với nguyên tắc kinh tế thị trường. Nhìn nhận được những lỗ hổng mang tính hệ thống này thì mới có thể bàn đến vai trò SCIC trên tương quan trong luật này.
Vậy thực chất, SCIC có vị trí nào trong dự thảo Luật và sẽ đóng vai trò thế nào trong quản lý và đầu tư vốn Nhà nước khi luật này ra đời?
Vấn đề nằm ở chỗ cách nhìn nhận của Ban soạn thảo về SCIC như thế nào. Nếu coi SCIC như một cơ cấu tổ chức bao trùm lên các loại hình DNNN để đại diện cho Chính phủ thực hiện quyền chủ sở hữu của Nhà nước thì sẽ quy định trong luật. Còn nếu chỉ nhìn SCIC là một DN như các DNNN khác, có chức năng đơn thuần là kinh doanh, dọn dẹp, cơ cấu lại vốn Nhà nước thì không cần thiết phải quy định. Nói cách khác là sẽ không có vai trò gì của SCIC trong luật này, nếu nó chỉ đơn thuần là một DN ngang hàng các tập đoàn kinh tế hay tổng công ty như hiện nay. Mà như vậy thì Luật không đáp ứng được yêu cầu nội tại của nó là phải thiết lập được một cơ quan nhà nước chuyên trách thực hiện vai trò quyền chủ sở hữu của Nhà nước.
Theo ông, có nhất thiết phải thiết lập nên một định chế chuyên trách để đảm nhận vai trò chủ sở hữu này?
Chắc chắn là phải thành lập một định chế như vậy, nếu muốn giữ vai trò DNNN như là một khu vực quan trọng trong nền kinh tế. Nói cách khác, nếu vừa muốn giữ vai trò chủ đạo của Nhà nước và vừa muốn giữ tính thị trường của nền kinh tế thì bắt buộc phải thành lập cơ quan này. Muốn cải cách hoạt động DNNN theo hướng thị trường thì bắt buộc phải có định chế như vậy, cũng giống như không có con đường nào khác ngoài việc cải cách theo hướng thị trường, nếu muốn đưa nền kinh tế Việt Nam đi lên.
Cách tiếp cận của Ban soạn thảo dường như không đề cập SCIC như cơ chế bao trùm, mà chỉ như một DNNN bình thường?
Nói như vậy mới chỉ được một vế, cần nhìn rộng lớn hơn là họ cần bàn liệu thực hiện quyền chủ sở hữu có phù hợp chức năng nền kinh tế thị trường hay không.
Thực chất, tôi nghĩ, bản thân các nhà làm luật hiện cũng khá lúng túng trong việc xử lý vấn đề, bởi họ chưa có cách tiếp cận của nền kinh tế thị trường. Thực ra cũng đã có một số ý kiến đóng góp về vấn đề này khi dự thảo Luật được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Ban soạn thảo cũng đã hứa sẽ tiếp thu để tiếp tục nghiên cứu bổ sung chỉnh sửa, hy vọng sẽ có cách tiếp cận phù hợp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo