Doanh nhân

Vẫn còn tiếng hát

Khi được hỏi về cảm nhận trước một mùa xuân đến, Mai Hạ, cô gái khiếm thị đang sinh hoạt tại Trung tâm Osedc 2 (Q.12, TP.HCM), im lặng, suy nghĩ trong chốc lát rồi dè dặt nói rằng cô có thể cảm nhận được mùa xuân bằng một chút gió, một chút hơi lạnh chuyển mùa.

 

Mai Hạ nói như một nghệ sĩ về cảm nhận của mình cho những chặng đổi thay của thiên nhiên, của cuộc đời mà cô chưa bao giờ được nhìn thấy. Cột mốc của mùa xuân thường được Mai Hạ ghi nhớ bằng những bài đàn tranh mà cô trình diễn. Đã tám năm học đàn tranh, mỗi khi được nhắc rằng hãy bắt đầu tập những bài về mùa xuân, Mai Hạ lại biết rằng cô chuẩn bị thêm một tuổi và thêm một mùa xuân nữa đang ghé qua.

Tám năm học đàn tranh của cô gái 22 tuổi này là bằng cả khoảng thời gian của một người bình thường học trung cấp âm nhạc chuyên nghiệp rồi lên đại học. Nhưng Mai Hạ cũng như rất nhiều nghệ sĩ khuyết tật khác, rất ít khi nào được gọi là nghệ sĩ dù họ gắn bó với âm nhạc bằng tất cả những mùa xuân của cuộc đời mình.

“Nhưng vui là đủ rồi ạ” - cô gái có gương mặt xinh xắn người Thái, tên Vì Thị Nên ở Lai Châu, nói. Nên 22 tuổi và còn rất trẻ trong suy nghĩ, nói và không giấu được vẻ tự hào về âm nhạc, bộ môn mà cô được huấn luyện trong một thời gian ngắn, nay đã gây bất ngờ về năng khiếu với cây đàn bầu.

Khi Nên mới đến Osedc 2, tức tên viết tắt của Trung tâm Hỗ trợ và giáo dục trẻ em thiệt thòi VN, văn phòng 2, quận 12, nhìn cô ai cũng lo vì tay và chân của Nên gần như không thể hoạt động được. Các thầy cô gợi ý để Nên thử học với melodica, một loại kèn hơi có phím bấm như piano. Nhạc cụ này đơn giản và nhẹ nhàng. Nhưng rồi Nên vô tình bắt gặp cây đàn bầu và chợt thích thú khó tả với nó, loại nhạc cụ mà người thường phải vất vả mới có thể làm bật lên được thanh âm. Giờ thì Nên được khen là một trong những người chơi đàn bầu giỏi và nhanh bất ngờ.

Âm nhạc trở thành bạn đường của nhiều người như Nên hay Hạ, và cũng đưa nhiều người khác trở thành những nghệ sĩ thành danh trong cuộc đời như Hà Chương hay Thủy Tiên. Tuy nhiên không phải ai trong số họ khởi đầu dám mơ ước mình là một nghệ sĩ. Ở hội quán Đời Rất Đẹp, Trung tâm nghiên cứu và phát triển khả năng của người khuyết tật, quận 3, Hà Chương luôn được coi là niềm tự hào và là “ngôi sao” của những đêm biểu diễn tại đây.

Vượt lên mọi thiệt thòi về thể chất, Hà Chương, 27 tuổi, đang ngày càng khẳng định vị trí của mình trong âm nhạc trình diễn và thể nghiệm. Âm nhạc thật sự đã thay đổi đời Chương, đem lại hi vọng và con đường sự nghiệp đầy những ánh sáng mới mẻ, xua tan bóng tối thiên định trong cuộc đời. Chào một mùa xuân mới, Hà Chương cho biết anh vừa xuất bản một single ca khúc sáng tác của mình, cũng như đang thể nghiệm cùng nhiều người bạn chơi DJ một loại âm nhạc sôi động mới mẻ, mà đàn bầu VN làm chủ đạo. Dự án mang tên Welcome to Vietnam đang được rất nhiều bạn trẻ yêu thích.

Cách đây vài tháng, Hà Chương cũng đón một mùa xuân rất đặc biệt. Sau nhiều năm theo đỡ đần giúp Chương vì mến mộ tài năng âm nhạc, một cô gái xinh đẹp quê ở Đà Nẵng đã quyết sống bên anh đến trọn đời.

Hải Yến, tên của cô vợ trẻ, cũng là một điều hiếm thấy trong đời sống âm nhạc VN. Sáu năm trước, trong một lần chứng kiến Hà Chương biểu diễn ở Đà Nẵng, Yến bị thuyết phục bởi tính cách nghệ sĩ của Chương và quyết định xin gia đình cho phép được đi theo Chương, giúp anh đỡ loay hoay một mình với bóng tối. Giờ thì họ đã thành vợ chồng. Chương nói rằng anh đã viết một bài hát cảm ơn người bạn đời của mình và sẽ sớm hát cho mọi người cùng nghe.

Tương tự, đôi vợ chồng nghệ sĩ khiếm thị Văn Phong và Thị Thủy cũng tìm thấy một mùa xuân bên nhau, giờ họ đã có một gia đình với con gái 3 tuổi khỏe mạnh và đáng yêu. Thủy là giáo viên dạy chữ Braille cho người khiếm thị, chị biết anh Phong qua tiếng đàn keyboard ở các chương trình biểu diễn, cảm mến rồi lần đến trò chuyện. Anh Phong dạy chị đàn. Khi những ngón tay của họ chạm vào nhau để cất lên những giai điệu, chị biết mình đã yêu một nghệ sĩ và quyết định không thể rời xa anh từ đó.

Văn Phong vừa trình diễn, vừa đi dạy học và nghiên cứu âm nhạc. Bản thân anh có thể chơi rất nhiều nhạc cụ dân tộc lẫn hiện đại. Khi được hỏi rằng anh có biết mình là một nghệ sĩ hay không, Phong do dự, suy nghĩ rồi nói anh chỉ coi mình là một người khiếm thị biết chơi nhạc mà thôi. “Vì bị khiếm thị nên những người như tôi ít có thể trình diễn và có được sự diễn cảm trên khuôn mặt như các nghệ sĩ” - Phong nói.

Rồi có lẽ anh sẽ tự tin hơn một lúc nào đó với khả năng âm nhạc của mình, hoặc có thể khi anh nghe được những câu chuyện về các nghệ sĩ khuyết tật lừng danh trên thế giới như Issac Perlman, Ray Charles hay Stevie Wonder.

Tâm sự của anh Phong lại nhắc đến ca sĩ Thủy Tiên. Cô gái này cũng là một ngôi sao của các nghệ sĩ khuyết tật. Thủy Tiên có tiếng hát sáng và mượt mà đến bất ngờ, nếu như người xem được chứng kiến cô trình diễn trên sân khấu với gương mặt đã trải qua tám lần phẫu thuật để cứu lấy tiếng nói và khung miệng. Dù chữa được nhưng miệng của Thủy Tiên đã bị biến dạng. Những điều đó vẫn không thể giam giữ được tiếng hát của Tiên. Cho đến hôm nay, Tiên vẫn là một trong những nghệ sĩ hàng đầu với tài năng của mình, không cần phải gọi thêm chữ khuyết tật để kêu thêm sự ủng hộ. “Đã có lúc khi cảm thấy mình mất hết không còn gì, Tiên vẫn tự an ủi được rằng cuối cùng mình vẫn còn tiếng hát” - Thủy Tiên nói.

Em ơi, băng qua thời gian, gia tài của chúng ta chỉ còn lại là tiếng hát... Trong bài Chim câu ngực gầy, nhà thơ Đỗ Trung Quân từng viết như vậy.

 

Có những mùa xuân rất lạ, đến không theo mùa. Những mùa xuân lẻn nhẹ vào trong trái tim của những con người bị bao vây bởi bóng tối của biết bao thua thiệt trong đời, qua sinh lộ âm nhạc. Cùng với âm nhạc, họ cất lên những lời ca, tiếng nhạc và kéo dài nắng, gió và thời gian trong cuộc đời mình để nhìn thấy mùa xuân theo cách của mình. Những mùa xuân sẽ vĩnh cửu trong trái tim họ mỗi khi âm nhạc cất tiếng.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo