Vấn đề "đòi" nợ xấu được các đại biểu đưa lên diễn đàn Quốc hội
Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội sáng nay, ngày 8/6, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra băn khoăn về giải pháp xử lý nợ xấu hiện nay, khả năng xử lý nợ xấu của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC)…
Trong phiên thảo luận kinh tế sáng nay, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội thể hiện sự đồng tình cao với Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2015 của Chính phủ. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã góp ý cụ thể vào nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung trong những tháng còn lại của năm 2015 và trong thời gian tới.
Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014 và triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015.
Báo cáo của Chính phủ cho biết trong tổng số 14 chỉ tiêu kế hoạch tại Nghị quyết của Quốc hội, có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt là tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Tăng trưởng GDP đạt 5,98%, vượt mục tiêu đề ra và đạt mức cao nhất kể từ năm 2011. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,84%, thấp nhất trong nhiều năm qua.
Mặt bằng lãi suất, tỷ lệ nợ xấu giảm; tỷ giá được duy trì ổn định; dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,7%; cán cân thương mại thặng dư năm thứ 3 liên tiếp, xuất siêu 2,1 tỷ USD. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,83%, riêng các huyện nghèo giảm 5,61%.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất, tỷ lệ nợ xấu giảm; tỷ giá được duy trì ổn định; dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,7%; xuất siêu đạt 2,1 tỷ USD. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,83%, riêng các huyện nghèo giảm 5,61%.
Tại buổi họp, phát biểu về khả năng nợ xấu của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), ĐBQH Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, “Đến nay, nợ xấu trong nền kinh tế lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, đã bị VAMC “bắt nhốt” lại. Nhưng đó mới chỉ là “nhốt” lại, “xích” lại mà thôi. Nợ xấu hầu như vẫn còn nguyên và đang trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Điều quan ngại là chúng ta chưa xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường”.
Cũng theo ông Nghĩa, qua gần 3 năm, VAMC mới bán được 2-3% nợ xấu và cứ đà này thì bao giờ xử lý hết nợ xấu? Đến bao giờ thì cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp được giải phóng khỏi nợ xấu, để nhanh chóng phá tan được cục máu đông hàng trăm ngàn tỷ đồng cho nền kinh tế?
“Rõ ràng cần phải tư duy lại phương pháp xử lý nợ xấu là phải theo nguyên lý thị trường, “tiền tươi, thóc thật”, sòng phẳng và gắn với tình trạng thị trường bất động sản để tránh nguy cơ ảo tưởng có thể giải quyết triệt để và nhanh chóng nợ xấu”, đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trao đổi với PV báo Tiền phong, ĐBQH Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, hiện nay “nợ xấu vẫn là vấn đề lớn”. Ông Kiêm cho biết:
“Thời gian qua, nền kinh tế phục hồi nhanh với những kết quả rất rõ. Song, điều đáng lo ngại nhất, theo tôi chính là tính bền vững và sự chậm chạp trong việc triển khai một số lĩnh vực, như cổ phần hóa, hay thực hiện quá trình hội nhập…
Dù có nhiều biến động, ngành Ngân hàng có vẻ khá hơn các lĩnh vực khác, việc điều hành kiểm soát lạm phát chắc chắn và ổn định hơn. Tái cơ cấu ngành Ngân hàng đã bắt đầu được thực hiện kiên quyết, lãi suất, tỷ giá đã theo form của thị trường… Lĩnh vực này dù bị phản ứng rất nhiều trong thời gian qua, nhưng cũng đã tạo ra được những kết quả.
Nhìn lại nền kinh tế, tôi cho rằng, vẫn còn những vấn đề đáng phải lưu tâm, điển hình như nợ xấu vẫn là một vấn đề lớn. So với trước đã có tiến bộ hơn nhưng việc giải quyết không rõ, việc xử lý dứt điểm nợ xấu không mấy hứa hẹn, chẳng hạn như lấy vốn ở đâu? Cơ chế đang tắc hiện nay sẽ giải quyết thế nào? Điều chúng ta thấy rõ nhất là việc sở hữu tài sản đất đai thế chấp không có sổ đỏ, tài sản chỉ là bất động sản. Bây giờ phải đánh giá lại thế nào đây? Ai có quyền đánh giá?... Tất cả những điều này cần phải khống chế lại và giải quyết rốt ráo trong thời gian tới.”
End of content
Không có tin nào tiếp theo