Vay USD khi tỷ giá biến động
Áp lực tỷ giá
Biểu giá USD của Vietcombank và BIDV ngày cuối tuần niêm yết ở mức 22.280, 22.350đ/USD, tăng 20 đồng ở cả hai chiều mua vào - bán ra so với ngày 12/5.
Tương tự, VietinBank cũng tăng 20 đồng ở cả giá mua và giá bán, lên mức 22.270 - 22.350đ/USD. Với khối ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần, ACB và Sacombank đều tăng 20 đồng ở cả hai chiều mua và bán, lên tương ứng 22.270 - 22.350 đ/USD và 22.260 - 22.350đ/USD. Eximbank niêm yết ở mức 22.270 - 22.350đ/USD, tăng 30 đồng ở cả hai chiều mua và bán so với phiên trước.
Tương tự, LienVietPostBank hiện cũng đang giao dịch USD ở mức 22.270 - 22.350 đ/USD, tăng 30 đồng ở chiều mua vào và tăng 20 đồng ở chiều bán ra so với chiều 12/5. Không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường, DongA Bank tăng 25 đồng ở cả hai chiều mua vào, bán ra, lên mức 22.280 - 2.350đ/USD. Đáng chú ý, Techcombank tăng tới 40 đồng ở giá bán lên 22.380đ/USD, đồng thời tăng 25 đồng ở giá mua, lên mức 22.270đ/USD.
Như vậy, giá mua vào thấp nhất trên thị trường sáng 13/5 là 22.260đ/USD, giá mua cao nhất là 22.280đ/USD. Trong khi giá bán ra thấp nhất trên thị trường là 22.350 đ/USD, giá bán cao nhất là 22.380đ/USD. Nhìn chung, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn giữ nguyên giá mua vào USD ở mức 22.300đ/USD, song giá bán được điều chỉnh tương ứng với mức giá trần mới là 22.533đ/USD.
Ảnh: Quý Hòa
Việc tăng tỷ giá USD lần này gây sốc cho khá nhiều DN xuất nhập khẩu. Bởi, phía NHNN luôn khẳng định sẽ cân nhắc biện pháp hạn chế huy động ngoại tệ vào NH, nên thời gian qua khá nhiều DN nắm giữ USD chuyển sang VND theo lời kêu gọi của Nhà nước. Trong khi đó, trúng ngay thời điểm cao điểm cần USD để thanh toán thì tỷ giá lại biến động mà không có lý do rõ ràng.
Theo báo cáo mới đây của công ty chứng khoán thuộc một ngân hàng, áp lực lên tỷ giá VND/USD trong ngắn hạn chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí còn cao hơn so với năm 2015. Lý do, từ sau Tết Âm lịch đến nay, với việc tăng lãi suất vừa qua của FED đã phần nào gây áp lực lên tỷ giá, nhưng nếu trong thời gian tới, cơ quan này tiếp tục tăng lãi suất thì khả năng tỷ giá khó có thể đứng yên trong năm 2016.
Trong những lần biến động tỷ giá trước đây, TGĐ Ngân hàng HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải đưa ra nhận định, thị trường tài chính thế giới trong năm 2016 chắc chắn vẫn tiếp tục biến động phức tạp, do đó chính sách tỷ giá của Việt Nam cần được điều chỉnh linh hoạt. Theo dự báo của ông Hải, tỷ lệ mất giá của VND trong năm 2016 chắc chắn sẽ cao hơn mức điều chỉnh tỷ giá thông thường hằng năm từ 1 - 2% như trước đây. Có lẽ đây chính là thời điểm biến động mà ông Hải đã dự báo trước đó.
Chờ giải pháp
Thời gian qua, NHNN đã áp dụng khá nhiều biện pháp để duy trì cam kết ổn định tỷ giá, vì NHNN còn một số công cụ để duy trì cam kết đó. Chẳng hạn, ngay khi bước sang năm 2016, NHNN đã chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá mới - tỷ giá trung tâm.
Trả lời báo chí, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Bùi Quốc Dũng cho rằng, với các biện pháp điều tiết của NHNN, tỷ giá 2016 sẽ không biến động quá lớn để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo định hướng của Chính phủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh áp lực từ bên ngoài vẫn lớn, trong khi từ trong nước, khả năng lạm phát cao trở lại cũng đang khiến thị trường quan ngại về diễn biến của tỷ giá năm nay, với nhiều dự báo rằng, tỷ giá giữa USD và VND sẽ tăng tới 5%.
Trước bối cảnh bất an về tỷ giá, để hạn chế rủi ro cho DN, một số NH bắt đầu triển khai các công cụ phái sinh. Đơn cử, HDBank công bố cho vay VND với lãi suất USD. Theo đó các DN xuất khẩu có nguồn thu bằng USD được vay vốn bằng VND nhưng chỉ phải trả lãi suất 3,5% năm, thời hạn 6 tháng. Tương tự, OCB, Eximbank, ACB... cũng áp dụng việc cho vay tiền đồng ưu đãi lãi suất USD để hỗ trợ nguồn ngoại tệ cho DN.
Việc các ngân hàng thương mại đưa ra sản phẩm tín dụng trên vào thời điểm hiện nay dấy lên những đồn đoán về khả năng quay trở lại của phương thức cho vay vốn hoán đổi tiền tệ đã được nhiều NHTM áp dụng trong các năm trước, khi mà NHNN còn duy trì chính sách cam kết giữ biến động tỷ giá ở một biên độ nhất định (2 - 3%/năm).
Tuy nhiên, nếu xét về mặt tích cực, điều này cũng cho thấy, trong khi NHNN thay đổi cách quản lý, điều hành tỷ giá và hạn chế bớt sức cầu ngoại tệ với Thông tư 24 thì cả phía ngân hàng thương mại và DN xuất khẩu đều tích cực tìm kiếm các giải pháp để có thể gặp nhau trong việc cung ứng và tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, kể cả phải chấp nhận rủi ro về tỷ giá.
Trước khi có những giải pháp cụ thể trong việc kiểm soát tỷ giá ngoại tệ, việc trước mắt của DN hiện nay là sử dụng các giải pháp phái sinh cũng như lắng nghe những dự báo biến động tỷ giá năm 2016 để tính toán từng khoản vay.
Đồng thời, như đã nói, nếu DN tinh ý, có thể tiếp cận gián tiếp VND giá rẻ của các NH trong việc mua các dịch vụ phái sinh, bảo hiểm tỷ giá và cân đối, tính toán được giá cả nguyên liệu đầu vào. Đây là hình thức vay vốn chuyên nghiệp mà DN cần lưu ý.
Thùy Chi/Doanhnhansaigon
End of content
Không có tin nào tiếp theo