Phân tích

Về lâu dài cần đánh thuế người sở hữu căn nhà thứ 2

(DNVN) - Đây là nhận định của ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục thuế) tại buổi tọa đàm "Hai kịch bản từ đề xuất đánh thuế nhà ở thứ hai" diễn ra ngày 7/9.

Theo ông Phụng, ở nước ngoài đánh thuế tài sản căn cứ vào giá trị của bất động sản phần đất mới nên dù là thuế nhà hay thuế đất thì cũng vẫn là vấn đề của bất động sản tạo ra. 

Thực tế, ở Việt Nam, cơ quan tài nguyên và môi trường, cơ quan thuế chưa liên thông về quản lý đất, nhà. Nếu quản lý chưa được mà đã đưa ra thông điệp sớm thì sẽ có khả năng gây xáo trộn thị trường.

Theo các chuyên gia, một trong những mục tiêu chính của việc áp sắc thuế này là chống đầu cơ, ngăn ngừa lãng phí nhà đất. Đại diện Tổng cục thuế cho rằng, thực tế hiện nay có nhiều người ở nông thôn có tiền muốn mua ngôi nhà ở Hà Nội cho con cái học hành thì chúng ta phải khuyến khích chứ không làm giảm nhu cầu được. 

"Việt Nam đã trải qua hai thời kỳ bất động sản bị đóng băng và ở mỗi thời kỳ, Chính phủ, Quốc hội đều đưa ra những chính sách để phù hợp và nâng đỡ thị trường bất động sản trong giai đoạn đó", ông Phụng nói.

Về lâu dài cần đánh thuế người sở hữu căn nhà thứ 2.

"Cho đến nay, thị trường đã có những phục hồi đáng kể. Nhưng khi chưa công khai được các thông tin về quy hoạch, giao dịch thì sẽ vẫn còn tạo ra hiện tượng đầu cơ. Nếu thị trường được công khai thì sẽ hạn chế rất nhiều vấn đề này", vị này chia sẻ.

Ông này cũng chia sẻ, ông đã có thời gian nghiên cứu về đánh giá tài sản, trong đó có vấn đề đánh thuế tài sản bất động sản. Vì thế, theo ông Phụng, về lâu dài cần có 1 đạo luật để thực hiện vấn đề này, bởi đây là tài sản hiện hữu trên địa bàn địa phương, ai cũng có thể nhìn thấy được.

"Tôi cũng lấy làm tiếc trong 12 năm qua chưa có đạo luật nào về đánh thuế tài sản bất động sản", ông Phụng nói.

Bộ Tài chính trước đó đã có báo cáo chuyên đề về việc xây dựng đề án đánh giá tình hình thị trường, dự báo xu hướng trung hạn, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định.

Bộ Tài chính khẳng định “cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật Thuế tài sản” đối với bất động sản (bao gồm nhà, đất) nhằm thể chế hóa chủ trương về chính sách thuế đối với tài sản, xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế, góp phần bình ổn thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ và sử dụng bất động sản lãng phí.

 

Bộ Tài chính cho biết, đây cũng là xu hướng cải cách thuế tài sản tại một số quốc gia như Canada, Australia, Malaysia... trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang tăng liên tục tăng trong các năm gần đây, từ 1.400 USD (năm 2013) lên 2.200 USD (năm 2016) và dự báo sẽ tăng lên 3.400 USD vào năm 2020.

Theo đó, dự kiến việc nắm giữ, sở hữu, đầu tư bất động sản của người dân có xu hướng tăng lên nên Bộ Tài chính cho rằng cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật thuế tài sản để hạn chế đầu cơ và sử dụng bất động sản lãng phí.

Lên tiếng về vấn đề này, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, việc Bộ thuế tài sản đã nằm trong định hướng cải cách hệ thống thuế đến năm 2020.

Theo vị này, trong định hướng cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 có đề xuất xây dựng Luật thuế tài sản. Nghị quyết của Bộ Chính trị 07-NQ/TW và Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội có yêu cầu quản lý tốt nguồn thu từ nội địa, trong đó có thuế tài sản. Tuy nhiên, hiện chưa có quyết định nào về loại thuế đánh vào quyền sở hữu ngôi nhà thứ hai.

"Hiện việc triển khai như thế nào vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, chứ chưa có đề xuất nào được đưa ra. Chúng tôi chưa có văn bản nào đề xuất, cụ thể hóa việc đánh thuế quyền sở hữu những người có từ hai căn nhà trở lên", ông Thi khẳng định.

 

Liên quan đến việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính cần nghiên cứu kỹ trước khi đề xuất.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo