Vì đại cục, chấp nhận lợi ích nhóm?
Thông tin gây nhiễu loạn thị trường nhiều nhất trong thời gian qua là về những gói tín dụng giải cứu bất động sản. 30 ngàn tỷ, 50 ngàn tỷ, rồi 70 ngàn tỷ đồng. Người nói có, cơ quan quản lý bảo không…
Khi niềm tin bị thử thách
Cần phải nhắc lại rằng, gói tín dụng 30 ngàn tỷ đồng với lãi suất cho vay ưu đãi (đã giảm từ 6% xuống còn 5%/năm từ tháng 1/2014) hỗ trợ phát triển nhà ở được NHNN và Bộ Xây dựng chủ trì; giao 5 NHTM Nhà nước giải ngân từ tháng 6/2013, chia theo tỷ lệ: 30% dành cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và 70% cho khách hàng cá nhân thuộc đối tượng được vay của gói này. Vốn cho vay là từ các NHTM và họ chịu hoàn toàn mọi rủi ro từ các khoản cho vay này. NHTM chỉ được NHNN hỗ trợ thông qua tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi.
Theo công bố của NHNN, đến ngày 31/3/2014, các ngân hàng đã cam kết cho vay 3.489 khách hàng với tổng số tiền 3.094 tỷ đồng. Số thực tế đã giải ngân là 1.441 tỷ đồng cho 3.463 khách hàng. Như vậy việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi này vẫn ở tốc độ “rùa”. Lỗi tại ai? Vướng ở đâu? Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, bộ này chỉ đưa ra chính sách nhưng lại không được nắm tiền. 30.000 tỷ đồng nằm ở ngân hàng và ngân hàng có trách nhiệm giải quyết! Về phía mình, NHNN nêu nguyên nhân đầu tiên khiến tốc độ giải ngân chậm là do Bộ Xây dựng đã đưa ra danh mục 81 dự án được vay vốn theo gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều dự án trong số 81 dự án này vẫn chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý, dẫn đến các ngân hàng không thể ký hợp đồng và giải ngân đối với các dự án này.
Như vậy là “quả bóng trách nhiệm” 30 ngàn tỷ đồng giờ không bên nào muốn giữ!
Về gói tín dụng 50 ngàn tỷ đồng, phải nói chính xác đó là chương trình tín dụng dự kiến có giá trị 50 ngàn tỷ đồng dành cho bất động sản. Khởi nguồn thông tin này là từ tuyên bố của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) trong một buổi họp báo (ngày 25/3). Đáng lưu ý là nhiều NHTM được nêu tên trong chương trình lại không có mặt tại buổi họp báo và không hay biết họ được “vinh dự” tham gia chương trình này. Và đây là chương trình tín dụng của ngân hàng, nhưng Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (TTG) lại có vai trò chính. Tại sao? Vì VNCB vốn ra đời qua việc đổi tên từ NHTMCP Đại Tín (TrustBank). Ngân hàng này là 1 trong số 9 NHTM buộc phải tái cấu trúc và họ đã chọn TTG làm đối tác chiến lược. Hay nói một cách dễ hiểu, TrustBank đã bị TTG mua lại và đổi tên thành VNCB.
Đã có sự hiểu lầm rằng, 50 ngàn tỷ đồng nói trên là một gói tín dụng ưu đãi nữa cho bất động sản. Thông tin này đã tác động mạnh đến thị trường chứng khoán, khiến ngày 24/3 và sáng 25/3 VN-Index tăng mạnh, nhưng sang đến ngày 26/3, khi nhiều người vỡ lẽ về gói 50 ngàn tỷ đồng thì VN-Index giảm gần 14 điểm. Vậy mà chỉ ba ngày sau lại xuất hiện thông tin về gói 70 ngàn tỷ đồng.
Không có lợi, chẳng ai ham!
Có hay không gói 70 ngàn tỷ đồng này? Một nguồn tin từ NHNN khẳng định là không có. Có lẽ xuất phát từ việc đánh giá tác động khôn lường của việc nhiễu loạn thông tin về tín dụng ưu đãi cho bất động sản nên NHNN lập tức triệu tập một số NHTM để bàn về chương trình tín dụng theo mô hình liên kết 4 nhà. Oái oăm thay, ngay sau cuộc họp đó, lại xuất hiện thông tin về gói tín dụng 70 ngàn tỷ đồng! Lãnh đạo Vụ Tín dụng (NHNN) sau đó đã khẳng định chương trình tín dụng bốn nhà mà NHNN đang nghiên cứu triển khai thí điểm hoàn toàn khác và không liên quan đến chương trình hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng. Nhưng cũng không cho biết cụ thể “gói tín dụng” mà NHNN chủ trì triển khai là bao nhiêu.
Theo nguồn tin riêng của Doanh Nhân, NHNN đã quyết định để VNCB và một số NHTM lớn triển khai chương trình 50 ngàn tỷ đồng (con số này chỉ là dự kiến, các NHTM còn đang trong giai đoạn thương thảo) như một dự án thí điểm chương trình liên kết 4 nhà do NHNN giám sát. BIDV sẽ đóng vai trò đầu mối triển khai chứ không phải VNCB. Sở dĩ BIDV được chọn là do cho vay theo mô hình liên kết 4 nhà vốn là sáng kiến của ngân hàng này và họ đã triển khai thí điểm đối với một số dự án từ cuối năm 2012. “Nếu thấy cần thiết, NHNN sẽ ban hành quy định về mô hình tín dụng liên kết này”, nguồn tin của Doanh Nhân cho biết.
Trở lại chương trình cho vay liên kết 4 nhà. Theo mô hình này, “nhà” ngân hàng sẽ đóng vai trò chính trong chuỗi liên kết. . Ngay cả khách hàng mua nhà trong chính dự án được ngân hàng cho vay đó cũng có thể vay vốn tại ngân hàng này. Như vậy ngân hàng sẽ giám sát đường đi của dòng tiền trong chuỗi liên kết, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đối tượng. Ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc NHNN cho rằng, với một quy trình khép kín như trên, nếu có sự thỏa thuận chặt chẽ, chia sẻ lợi ích tốt thì sẽ kích thích được các bên tham gia. Ngược lại, nếu làm không tốt có thể phát sinh lợi ích nhóm.
Sự băn khoăn của ông Thanh hoàn toàn có cơ sở. Vì chương trình cho vay liên kết 4 nhà không hề có ưu đãi về lãi suất. Các thành viên tham gia liên kết còn bị giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn. Vậy nếu không có lợi ích, họ có tham gia không? Hãy xét cụ thể gói 50 ngàn tỷ đồng nói trên. Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc TTG – ông Phạm Công Danh, cũng là Chủ tịch HĐQT của VNCB mà ngành nghề kinh doanh của TTG là vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất; ôtô và dịch vụ ôtô; du lịch – nhà hàng – khách sạn; bất động sản… Còn ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (Vnrea), nguyên Phó Tổng giám đốc của TrustBank, hiện đang là Tổng giám đốc VNCB.
Chương trình liên kết 4 nhà có thể sẽ tạo thành những nhóm lợi ích. Song, cho dù nhóm lợi ích này có những hoạt động chủ yếu chỉ vì lợi ích của mình đi chăng nữa thì trong trường hợp này, để cứu hàng trăm ngành nghề, hàng ngàn doanh nghiệp và khơi thông hàng tỷ đôla Mỹ đang bị chôn vùi trong bất động sản…nên chăng chúng ta phải chấp nhận điều đó?
End of content
Không có tin nào tiếp theo