Phân tích

Vì sao Bộ Tài chính muốn tăng thuế xăng tới 8.000 đồng/lít?

Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, đề xuất tăng khung mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) từ 1.000 đồng/lít-4.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít-8.000 đồng/lít là phù hợp.

Theo ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), xăng dầu là sản phẩm chứa các chất hóa học, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường ở diện rộng. Các nước trên thế giới đã đưa xăng dầu vào đối tượng thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế BVMT nhằm mục đích BVMT với các tên gọi khác nhau như thuế nhiên liệu, thuế năng lượng, thuế phương tiện... 

Theo Luật thuế BVMT hiện hành thì xăng dầu thuộc đối tượng chịu thuế với khung thuế từ 1.000-4.000 đồng/lít. Mức thuế BVMT cụ thể hiện hành đối với xăng dầu đã bằng mức tối đa trong khung thuế (nhiên liệu bay) hoặc gần bằng mức tối đa trong khung thuế. 

Theo đó, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh mức thuế BVMT cụ thể đối với xăng dầu để phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước trong từng thời kỳ là rất khó, đặc biệt trong điều kiện phải cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế và giá xăng dầu của Việt Nam hiện đang thấp hơn so với giá xăng dầu của các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN . Do đó, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh nâng khung thuế BVMT từ 1.000-4.000 đồng/lít lên 3.000-8.000 đồng/lít.

Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính).

Theo ông Thi, việc đề xuất điều chỉnh khung thuế đối với xăng dầu là nhằm chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới, đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế; đảm bảo tính ổn định của Luật, trình UBTVQH kịp thời điều chỉnh mức thuế cụ thể trong khung quy định mà Quốc hội đã giao cho UBTVQH để đảm bảo lợi ích quốc gia trong trường hợp giá dầu thế giới có biến động lớn.

Bên cạnh đó, điều chỉnh khung thuế đối với xăng dầu nhằm tránh chênh lệch nhiều về giá bán xăng dầu của Việt Nam với các nước có chung đường biên giới; nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường và khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường và đảm bảo thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về BVMT.

Vì sao lại là mặt hàng xăng dầu?

Được biết, hiện ngoài mặt hàng xăng dầu, một số hàng hóa khác cũng có những tác động nhất định tới môi trường như than, thép… Vậy, lý do nào để dự thảo này Bộ Tài chính chọn xăng là mặt hàng điều chỉnh khung thuế BVMT?

Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Đình Thi cho biết, thực tế cuộc sống đã chứng minh, nhiều hàng hóa khi sử dụng sẽ thải ra môi trường các loại chất thải ô nhiễm gây tác động xấu đến môi trường, trong đó có nhiều hàng hóa khi sử dụng thải ra môi trường gây tác hại nghiêm trọng. Để giảm các tác động có hại đến môi trường và có nguồn lực để giải quyết vấn đề môi trường, hiện nay có một số chính sách thuế, phí, lệ phí thu vào việc sử dụng các hàng hóa này. 

 

Ví dụ như phí BVMT đối với nước thải (thu đối với nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt); phí BVMT đối với chất thải rắn (thu đối với chất thải rắn thông thường và chất thải rắn nguy hại theo quy định của pháp luật); phí BVMT đối với khai thác khoáng sản (thu đối với các khoáng sản được khai thác như: dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, khoáng sản kim loại và khoáng sản không kim loại).

Theo ông Thi, Luật thuế BVMT quy định 8 nhóm hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường thuộc đối tượng chịu thuế (thép không thuộc đối tượng chịu thuế BVMT).

"Qua đánh giá tổng thể khung thuế BVMT hiện hành, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh khung thuế của 3/8 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế, gồm xăng dầu, túi ni lông thuộc diện chịu thuế, dung dịch hydro-chloro-fluoro-cacbon (HCFC). Đối với 5 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế BVMT còn lại (trong đó có than đá), Bộ Tài chính không đề xuất điều chỉnh khung thuế do mức thuế cụ thể hiện hành đang được quy định bằng mức tối thiểu trong khung thuế", ông Thi nói.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo