Vì sao cứ cháy nhà phố thường chết nhiều người?
- Tình trạng nhà phố không có lối thoát hiểm, nhà chỉ có cửa chính duy nhất là lối thoát, kể cả nhà phố trong hẻm, nhà cấp 3, cấp 4, nhà làm bằng vật liệu thường co cụm với nhau rất phổ biến hiện nay trên địa bàn TPHCM. Do không có lối thoát hiểm nên khi xảy ra hỏa hoạn đối với nhà phố thì khói sẽ lan tỏa nhanh.
Đặc biệt, đối với những nhà phố buôn bán chất hàng hóa trong nhà khi cháy càng làm cho khói tỏa ra nhiều hơn, rất nguy hiểm. Chỉ cần một thời gian ngắn nếu không xử lý kịp thời, người trong nhà có thể chết ngạt vì khói.
* Ông là người trực tiếp chữa cháy vụ hỏa hoạn làm 7 người thiệt mạng hôm 16.9, vậy ông có nhận định gì về căn nhà bị cháy?
- Sau khi nhận được tin cháy, chúng tôi đã nhanh chóng cử lực lượng, xe cứu hỏa có mặt tại hiện trường và sau 30 phút ngọn lửa đã dập tắt. Tuy nhiên, do căn nhà có diện tích 4x14m, có một gác gỗ và do căn nhà khép kín, chỉ có cửa sắt chính phía trước là lối thoát nên khi xảy ra cháy, các nạn nhân không thể ra ngoài và bị ngạt khói dẫn đến tử vong.
Quan sát thực tế tại hiện trường, chúng tôi nhận thấy bên trên phía sau nhà có một vách ngăn bằng nhựa, nếu khi xảy ra cháy, mọi người trong nhà bình tĩnh đẩy hoặc đập bỏ tấm nhựa để khói thoát ra và dùng lối này thoát hiểm thì không xảy ra chết đến 7 người do ngạt khói như vậy. Chưa kể, nếu dùng vật nặng để đập bung một mảng tường nhỏ phía sau thì cũng có thể giúp một lượng khói thoát ra, nhưng tiếc rằng khi lực lượng PCCC đến thì mới làm được việc này, và khi ấy những người bên trong đã chết ngạt rồi.
* Theo ông nhà phố hiện nay cần thiết kế như thế nào để hạn chế tình trạng người dân bị chết ngạt khi xảy ra hỏa hoạn?
- Khi xây nhà phố, người dân cần chú ý tính toán thiết kế các lối thoát hiểm. Nếu vì một lý do nào đó, nhà không có thiết kế lối thoát hiểm - như trong trường hợp căn nhà số 416 đường Nguyễn Trãi bị cháy hôm 16.9- thì người dân phải hết sức cảnh giác, không xếp hàng hóa choáng hết các lối đi, đồng thời phải tự tạo những đường thoát hiểm cho phù hợp như: Tính toán trổ mái lên trên, hoặc tính toán đường thoát nạn sang nhà bên cạnh, thậm chí trang bị một số vật dụng cần thiết (búa) phục vụ cho việc mở đường thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn. Khi nhà tạo ra được những khoảng trống thông thoáng như vậy, nếu xảy ra cháy sẽ giúp khói thoát ra ngoài nhanh hơn, đồng thời có lối để người nhà thoát nạn kịp thời.
* Ông có khuyến cáo gì đối với người dân qua các vụ cháy gần đây?
- Các nhà phố, nhất là các nhà thường gắn liền với buôn bán cần hạn chế tối đa sắp xếp hàng hóa dễ cháy như dung môi, xăng dầu, vải, gas…trong nhà. Đồng thời, quản lý tốt các nguồn điện, nguồn nhiệt, đặc biệt mỗi nhà cần trang bị hệ thống cầu dao tự động, để khi xảy ra chập điện hoặc rò rỉ điện có thể tự động ngắt.
* Nếu xảy ra cháy đối với nhà phố, thì người dân cần xử trí như thế nào để hạn chế tình trạng bị ngạt khói?
- Một yếu tố rất quan trọng đối với người dân khi xảy ra hỏa hoạn là phải hết sức bình tĩnh. Về nguyên tắc khói thường lan tỏa bốc lên trên, vì vậy khi xảy ra cháy, người dân cần cúi người thấp xuống men theo tường tìm đến lối thoát hiểm; dùng khăn, vải thấm nước che kín miệng, mũi để tránh nguy cơ bị ngạt khói; người dân tránh núp vào trong phòng, nhà vệ sinh khi xảy ra cháy, vì những nơi này thường kín rất dễ bị ngạt.
Xin cảm ơn ông!
Một số vụ cháy nhà phố làm nhiều người bị chết ngạt
Theo Sở Cảnh sát PCCC TPHCM, từ đầu năm đến nay, tình hình cháy nổ trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp. Điều đáng lưu ý là nhiều vụ cháy làm nhiều người bị chết mà nguyên nhân chính là do các nạn nhân bị ngạt khói. Cụ thể như: vụ cháy ngày 16.9 tại nhà số 416, đường Nguyễn Trãi (Q.5), khiến 7 người thiệt mạng do ngạt khói. Trước đó, vụ cháy vào ngày 17.4 tại tiệm tạp hóa Phượng Hoàng (số 539 đường Hậu Giang, Q.6), làm 2 vợ chồng bị thiệt mạng và sau khi khám nghiệm tử thi xác định nguyên nhân do ngạt khói. Tương tự, ngày 1.2.2014, vụ cháy tại số nhà 200 đường Ngô Gia Tự (Q.10), làm 2 người thiệt mạng cũng do ngạt khói.
Mỗi hộ ở thành phố nên trang bị thang dây để thoát hiểm
Kiến trúc sư Võ Thành Lân cho biết, hiện nay thành phố có hàng chục ngàn căn nhà ống có diện tích nhỏ hẹp. Để tiết kiệm diện tích khi xây dựng nhà ống người dân thường không tuân thủ đúng với thiết kế, xây thêm vách, ngăn thêm phòng, che chắn hết cả lối thoát hiểm... Nhiều ngôi nhà mặt tiền còn treo bảng điện quảng cáo che chắn hết ban công, dễ gây chập điện cháy nổ. Và khi xảy ra cháy nổ ở những ngôi nhà như vậy sẽ gây thiệt hại nặng về tính mạng con người. Để hạn chế tình trạng cháy nổ ở những căn nhà ống, người dân khi xây nhà cần theo đúng với quy định của pháp luật, có lối thoát hiểm, cầu thang phải thông thoáng. Ngoài ra, hệ thống điện trong nhà phải được thiết kế tự động ngắt nguồn ở mỗi tầng, dây cáp đúng tiêu chuẩn với mức điện tiêu thụ của ngôi nhà. Mỗi tầng nên có ban công để khi xảy ra cháy nổ dễ dàng thoát ra bằng đường đường này. Cẩn thận hơn, mỗi gia đình sống ở thành phố cũng nên tự trang bị một thang dây với độ dài bằng chiều căn nhà để khi xảy ra cháy nổ có thêm nối thoát.
End of content
Không có tin nào tiếp theo