Vì sao đặc khu kinh tế của Việt Nam thất bại?
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết tại Hội thảo khoa học quốc tế về phát triển Đặc khu kinh tế - kinh nghiệm và cơ hội diễn ra tại Quảng Ninh (ngày 20-21/3/2014). Ông cho biết, nhìn chung đa số các đặc khu đều chưa thành công - theo nghĩa kỳ vọng vào việc tạo ra những “bàn đạp phát triển”, những “tọa độ đột phá” mạnh cho hướng phát triển này, thậm chí, có thể nói đến chữ “thất bại” trong nhiều trường hợp.
Đột phá vùng bị xem nhẹ
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, PGS TS Trần Đình Thiên chỉ rõ, vấn đề mấu chốt là việc xác lập một lập trường, quan điểm rõ ràng về giá trị đột phá phát triển của loại hình kinh tế này – phù hợp với nhu cầu phát triển của thời đại, là cách thức để tạo sức mạnh đột phá quốc gia và lan tỏa Vùng để đưa cả nền kinh tế tiến vượt lên trên cả trục công nghệ lẫn trục thể chế.
Chính sự không thống nhất tư duy phát triển (vẫn e dè, lo ngại tính cấp tiến, vượt trội thể chế, sợ “chệch hướng”, tính “kèn cựa” cục bộ địa phương, v.v.) đã cản trở ý tưởng mạnh bạo thử nghiệm.
Thứ hai, cách tiếp cận đổi mới chủ yếu “từ dưới lên” đã làm cho công cuộc đột phá bị cản trở nhiều bởi các quy trình phê duyệt, chấp thuận các đề xuất đổi mới do các cấp địa phương đề xuất, vốn là quy trình mang nặng tính bàn giấy, không gắn bó và cũng không phải chịu trách nhiệm lợi ích. Trong khi đó, các nhóm chuyên gia phê duyệt thì thường thiếu năng lực chuyên môn cần thiết cũng như thiếu tầm nhìn chiến lược, ông Thiên nhận xét.
Nguyên nhân thứ 3 của thất bại đó là phát triển đột phá nói chung, đột phá “vùng” nói riêng bị xem nhẹ. Do đó, không cho phép các địa phương mạnh dạn áp dụng hệ thống thể chế vượt trội để tạo đột phá – trong đó nhấn mạnh: hệ thống thể chế - chứ không phải từng thể chế, chính sách cụ thể, riêng biệt.
PGS TS Trần Đình Thiên đánh giá, cơ bản, hệ thống khuyến khích vĩ mô đối với các dạng loại “đặc khu kinh tế” chỉ dừng lại ở mức “ưu đãi” cao nhất của Việt Nam, tức là cao nhất của một hệ thống thể chế còn kém phát triển, chủ yếu là các ưu đãi kinh tế chứ không nhắm tới việc xây dựng một môi trường kinh doanh hiện đại, là thứ mới đích thực là “tổ của những con chim phượng hoàng đến đẻ trứng”, có sức hấp dẫn mạnh mẽ các nhà đầu tư lớn.
Ông cũng chỉ ra rằng, Việt Nam không chú trọng tạo điều kiện bảo đảm dài hạn cho sự phát triển vượt trội của Đặc khu, trong đó, các nhóm điều kiện quan trọng nhất là hệ thống doanh nghiệp bản địa đối ứng, nguồn nhân lực chất lượng và hệ thống kết nối hạ tầng hiện đại.
Nguồn lực bị phân tán mà không tập trung phát triển hạ tầng cho các tọa độ trọng điểm, việc chậm trễ phát triển doanh nghiệp hiện đại, nguồn nhân lực định hướng lao động giản đơn và chậm phát triển tính chuyên nghiệp (do mô hình tăng trưởng – phát triển các ngành khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp hay đi làm thuê nước ngoài).
Chật vật mãi với sự tụt hậu
Trước đó, PGS TS Trần Đình Thiên từng nêu quan điểm rằng, năm 2014 cũng như vài năm tới, chỉ cần mở được hai đặc khu cho hai vùng kinh tế trọng điểm.
"Ở miền Bắc nên là đặc khu Quảng Ninh - Hải Phòng. Với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên là Bà Rịa - Vũng Tàu. Ý tưởng làm đặc khu Quảng Ninh đã có, nhưng sẽ tốt hơn nếu liên kết được Hải Phòng và Quảng Ninh để làm một “vùng đặc khu”, PGS TS Trần Đình Thiên nói.
Theo PGS TS Trần Đình Thiên, đặc khu này không thuộc tỉnh nào mà trực thuộc trung ương. Nếu làm đặc khu cấp huyện trực thuộc tỉnh thật sự là rất khó vận hành các thể chế vượt trội.
PGS TS Trần Đình Thiên lo lắng, “đặc khu cấp huyện” sẽ gặp nhiều khó khăn, trắc trở vì ngay cả khi đặc khu tạo cơ chế tốt rồi nhưng có vấn đề gì lại vẫn phải xin ý kiến tỉnh. Mà tỉnh thì không phải đặc khu, nghĩa là vẫn theo bộ máy cũ.
Đặc khu là phải tiến tới “zero” các rào cản thuế quan, thương mại, đầu tư… Chứ cứ ngồi tính chi li giảm mỗi 1% thuế là mất mấy tỉ đồng thu ngân sách thì không thể có đặc khu kinh tế được.
Đặc khu không thể dừng lại ở cái gọi là mức ưu đãi lớn nhất tại Việt Nam, kiểu giá đất rẻ nhất trong khung.
Theo quan sát của PGS TS, ở Dubai, nước Hồi giáo nhưng chấp nhận bỏ hoàn toàn thuế thu nhập doanh nghiệp, cảnh sát họ cũng thuê nước ngoài làm… Về cơ chế, đặc khu nên có tính độc lập cao, thậm chí có quyền xây dựng một số luật riêng như luật về tiền lương, về ngân sách, thuế…
Nếu như cán bộ đặc khu Quảng Ninh lương vẫn mấy triệu đồng như bây giờ, chỉ đảm bảo được 60-70% nhu cầu cơ bản thì rồi mọi thứ sẽ lại quay về như cũ.
Đặc khu cần cả thể chế mới, bộ máy hành chính, ngay bộ phận tư pháp ở đó cũng phải vận hành theo thông lệ thế giới… Chính vì làm được điều này, Dubai hiện nay là một trung tâm lớn của cả khu vực Trung Đông - Ả Rập, thậm chí là trung tâm giao dịch kinh tế toàn cầu.
"Việt Nam có thách thức rất lớn là đi sau, phải tạo được ưu thế vượt trội hơn những đặc khu đi trước. Nếu chúng ta không dám làm theo cách vượt lên thì sẽ bị tụt lại.
Các đề án lập đặc khu mà tôi biết đều cho thấy quyết tâm rất cao của nhà nước. Đã có tính toán áp dụng cơ chế lãnh đạo công - quản trị tư. Tức nhà nước chỉ nắm phần định hướng, còn lại dịch vụ công có thể để tư nhân làm...
Nhưng theo tôi, đặc khu kinh tế vai trò rất lớn nên cần sự chuẩn bị tương xứng hơn nữa. Quy luật là nước nào, nơi nào bắt kịp sự phát triển thì sẽ vượt lên, nếu không sẽ bị đào thải, chật vật mãi với sự tụt hậu", PGS TS Trần Đình Thiên nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo