Bất động sản

Vì sao Hà Nội còn hơn 1.000 dự án treo ?

Ngày 11/4, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, trong 4 năm qua, Hà Nội có hơn 1.000 dự án “treo” vi phạm Luật đất đai.

(vnmedia) Theo báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, từ năm 2009 đến quý I/2013, Sở đã tiến hành thanh kiểm tra 653 tổ chức. Kết quả, 39 dự án với tổng diện tích 425,2ha được Nhà nước giao đất, cho thuê nhưng thực hiện chậm tiến độ 24 tháng; 514 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai; 482 dự án sử dụng đất sai mục đích, sử dụng đất không hiệu quả, cho thuê, chuyển nhượng trái pháp luật.

Cho đến hết quý I/2013, mới có 16/39 dự án đã thoát khỏi danh sách chậm tiến độ. Tương tự, 19 dự án chậm đưa đất vào sử dụng 12 tháng kể từ ngày nhận bàn giao đất đã khắc phục được vi phạm. 302 dự án khác cũng chủ động triển khai, ra khỏi danh mục dự án “treo”, đưa đất vào sử dụng có hiệu quả.

Sở Tài nguyên Môi trường cho biết, qua việc xử lý các vi phạm, thành phố đã quyết định thu hồi hơn 8,3 triệu mét vuông đất. Nhiều dự án thu hồi được UBND thành phố Hà Nội giao cho các quận, huyện xây dựng trường học, công trình công cộng.

Theo Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng dự án “treo” là do các nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án hoặc có thay đổi phương án sản xuất kinh doanh mới. Một số tổ chức sử dụng đất là đối tượng điều chỉnh của chính sách kinh tế vĩ mô về tín dụng đã gặp khó khăn lớn về vốn để thực hiện các dự án. Cùng với đó là động thái “đóng băng” của thị trường bất động sản khiến nhiều doanh nghiệp không huy động được vốn chưa thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, theo phân tích của Sở Tài nguyên Môi trường, trong phát triển dự án, chủ đầu tư được giao chịu trách nhiệm về hiệu quả tài chính. Nhưng với quy định chủ đầu tư có quyền triển khai dự án nếu như họ có 20% vốn để đầu tư, cơ quan chức năng chưa kiểm soát họ làm bao nhiêu dự án và dự án ở bao nhiêu tỉnh, thành.

Để giải quyết tình trạng trên dự án “treo”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, các dự án bất động sản nên được cấp từng giai đoạn, để tương ứng với nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng “không phải cứ động một cái là thu hồi đất”. Trước hết vẫn là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp đỡ họ sử dụng đất hiệu quả. Trong trường hợp đã hướng dẫn, nhắc nhở, thậm chí cho phép gia hạn rồi mà dự án không chuyển động thì phải lập hồ sơ thu hồi.

 

 

An Thảo

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo