Doanh nhân

Vì sao ngành du lịch Việt Nam ngày càng thụt lùi?

Trong khi du lịch các nước lân cận như Thái Lan, Lào, Campuchia... đang càng ngày càng phát triển thì du lịch Việt Nam lại dậm chân tại chỗ, thậm chí là thụt lùi khi số lượng khách nước ngoài giảm.

Khách nước ngoài giảm

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách nước ngoài quốc đến Việt Nam năm 2015 ước đạt 7,943 triệu lượt, giảm 0,2% so với năm trước. Như vậy, sau 6 năm liên tục tăng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2015 đã chững lại và giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2014.

Trong số khách du lịch châu Á thì khách đến từ Campuchia giảm 43,8%, Lào giảm 16,6%, Thái Lan giảm 13,1%, Indonesia giảm 9,3%, Trung Quốc giảm 8,5%, Philippines giảm 3,5%.

Khách đến từ châu Âu có khách Nga giảm 7,1%, Thụy Điển giảm 1,4%, Pháp giảm 1%. Khách từ Úc cũng giảm đến 5,4% so với năm 2014.

Tại lễ tổng kết tình hình du lịch 2015 và kế hoạch 2016 vào ngày 14/1/2016, Sở Du lịch TP.HCM cho biết, tổng lượng khách nước ngoài đến TP.HCM đạt 4,6 triệu lượt, đạt 97,8% kế hoạch, tăng 4,6% so với năm 2014.

Du lịch Việt Nam

Mặc dù trong năm 2015, các doanh nghiệp đã tích cực tham gia các chương trình kích cầu du lịch nội địa nhưng trong 15 thị trường hàng đầu đến TP.HCM bằng đường hàng không có một số thị trường giảm, như Nhật Bản giảm 4%, Trung Quốc giảm 12%, Malaysia giảm 3%, Nga giảm 9%...

Trước tình hình giảm sút khách du lịch nước ngoài, hồi tháng 7/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chỉ thị yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh - thành phố, các bộ ngành khẩn trương có giải pháp để tạo sức bật mới cho ngành du lịch.

Theo đó, Thủ tướng đã yêu cầu rà soát công tác quản lý tại các khu, điểm du lịch, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên tinh thần đẩy mạnh xã hội hóa, đảm bảo trật tự, văn minh lịch sự. Đặc biệt, các tỉnh cần tập trung chỉ đạo tăng cường quản lý giá cả.

Một trong những giải pháp thiết thực nhất là Chính phủ đã ban hành nghị quyết về việc miễn thị thực trong thời gian 5 năm đối với công dân các nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn lưu trú không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có văn bản tăng cường quảng bá, xúc tiến nhằm thu hút khách du lịch từ 6 nước Tây Âu là Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý và Belarus.

Đã có nhiều biện pháp được đưa ra và du khách nước ngoài có tăng lên so với đầu năm 2015 nhưng vẫn chưa thể bằng năm 2014. Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê đã cho thấy điều đó.

Giá cao, thiếu hợp tác

Theo Hiệp hội Du lịch Châu Á - Thái Bình Dương (PATA), có đến 40% du khách quay lại Singapore, 45% khách du lịch đến Thái Lan lần thứ hai, còn tại Việt Nam, có đến hơn 80% du khách không quay trở lại.

Kết quả khảo sát của Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội công bố tháng 10/2014 phác họa rõ hơn điều này. Khảo sát cho thấy tại các điểm du lịch Sapa, Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Hội An hầu như chỉ thu hút khách du lịch mới đến lần đầu, rất ít khách quay lại lần thứ hai, thứ ba.

Đối với khách nước ngoài, có 90% đến Việt Nam lần đầu tiên, lượng khách quay lại chỉ chiếm khoảng 6%. Ngay cả với khách nội địa, có 39% đến thăm các điểm du lịch lần đầu, 24% đến lần thứ hai và chỉ có 13% đến lần thứ ba.

Điều mà du khách không hài lòng nhất khi lưu lại các điểm du lịch là cơ sở vật chất cho trẻ em thiếu và kém.

Hầu hết các chuyên gia điều cho rằng, tiềm năng và ưu thế du lịch của Việt Nam hơn hẳn Thái lan, Singapore nhưng do không biết khai thác nên thua họ.

Du khách đến Việt Nam thường chỉ để tham quan và tắm biển là chính. Đó là lý do khiến khách du lịch nước ngoài ngày càng giảm, ngành du lịch Việt Nam càng ngày càng thụt lùi và thua xa nhiều nước lân cận, kể cả Lào, Campuchia.

"Trước đây, du lịch Việt Nam chạy theo Thái Lan, Singapore nhưng nay lại phải chạy theo cả Lào và Campuchia. Hai nước láng giềng của Việt Nam tuy nghèo tài nguyên nhưng du lịch của họ phát triển vượt bậc. Năm 2000, ngành du lịch của Lào chỉ có 700.000 khách quốc tế nhưng nay tăng lên 4 triệu. Campuchia từ 400.000 khách năm 2000, sau 14 năm đã tăng gấp 10 lần", một chuyên gia về du lịch cho biết.

Phát biểu tại hội thảo về du lịch hồi đầu tháng 7/2015, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho rằng, lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam giảm sút một phần là do những biến động về tình hình chính trị, kinh tế thế giới, một phần là do cơ sở hạ tầng ở nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tạo được sự thuận tiện trong di chuyển cho khách.

Ở nhiều nơi để xảy ra tình trạng ô nhiễm, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ...

Ngoài những yếu tố trên, mới đây, tại Lễ Tổng kết tình hình du lịch năm 2015 của Sở Du lịch TP.HCM, đại diện Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng khách du lịch nước ngoài giảm là do sản phẩm du lịch Việt Nam không có gì mới trong khi giá lại cao hơn các nước. Điều này đẫn đến du lịch Việt Nam không thể cạnh tranh nổi với Malaysia, Myanmar...

Ông Lại Minh Duy - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ du lịch và Thương mại TST (TST tourist) cũng thừa nhận điều này. Ông Minh cho rằng, hiện tại, trong khu vực ASEAN, giá sản phẩm du lịch của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước.

"Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) nhưng đến thời điểm này vẫn mạnh đơn vị nào đơn vị đó làm chứ chưa có sự hợp tác để không bị thua trên sân nhà”, ông Duy nói.

Cafebiz/Doanhnhansaigon

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo