Vì sao nhà ở xã hội bị trả lại?
Đó là giải thích của ông Trần Như Trung – Phó Giám đốc Savills Việt Nam về nghịch lý người thu nhập thấp trả lại nhà ở xã hội trong thời gian qua.
Vừa qua trên thị trường nhà ở xã hôị xảy ra một hiện tượng nghịch lý đó là một số khách hàng đã phải rất vất vả mới đăng ký mua được nhà ở xã hội, nhưng sau khi mua xong họ lại đòi trả lại nhà. Ông có thể cho biết nguyên nhân vì sao?
Ông Trần Như Trung: Vấn đề mấu chốt là ở chỗ chính sách nhà ở xã hội này khập khiễng ngay từ ban đầu, nó mâu thuẫn giữa quy luật thị trường và chính sách an sinh xã hội. Đây là một chính sách kinh doanh mà đã là kinh doanh thì phải theo thị trường, phải có lợi nhuận. Còn nếu là chính sách xã hội là hình thức phi lợi nhuận. Người thu nhập thấp họ nghĩ rằng họ đang được quan tâm, đang được hỗ trợ, nhưng thực tế họ bi đối xử như tất cả mọi đối tượng khác, vẫn là hình thức mua bán có lợi nhuận và có ràng buộc. Nếu là tôi thì tôi cũng sẽ cảm thấy rất bất bình trong hoàn cảnh đấy.
Ngoài ra, hiện nay một số nhà ở thương mại cũng có giá xấp xỉ giá nhà ở xã hội, kèm théo đó là dịch vụ tốt hơn, chính sách cởi mở, các hình thức khuyến mại, giao dịch nhanh chóng, tiện lợi. Do đó, người dân có điều kiện so sánh giữa nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội, và một câu hỏi đặt ra là: Liệu chính sách nhà ở xã hội có thực sự hướng về người nghèo?
Đa phần những khách hàng muốn trả lại nhà đều vì một nguyên nhân chung là những điều khoản nhằm “trói” buộc khách hàng mua nhà bằng tiền đặt cọc. Điều này đang tạo ra rào cản cho những người muốn tiếp cận loại hình nhà ở này. Ông đánh giá như thế nào về các điều khoản này? Đây có phải là hình thức “lách luật” huy động vốn trái phép?
Ông Trần Như Trung: Tôi không đồng ý với quan điểm coi đây là hình thức “lách luật”, vì mới nghe qua ai cũng nghĩ đây là chính sách xã hội, nhưng bản chất của nó là theo cơ chế thị trường. Theo nguyên tắc đã là mua bán, giao dịch thì phải có hợp đồng, phải có đặt cọc, phải tránh rủi ro và đảm bảo tiến độ giải ngân.
Ở góc độ của nhà đầu tư thì đây hoàn toàn không phải là hình thức kinh doanh phi lợi nhuận, họ không làm từ thiện. Họ phải bỏ tiền ra, phải vay vốn, phải thế chấp ngân hang cho nên phải có tiền đặt cọc để đảm bảo tiến độ giải ngân.
Thứ hai, chính sách chỉ quản lý vĩ mô còn người quản lý trực tiếp và chịu mọi trách nhiệm về sau vẫn là chủ đầu tư. Ở góc độ là người kinh doanh chúng tôi hiểu rằng khi sản xuất ra một ngôi nhà, một căn hộ thì mình phải chịu mọi rủi ro về nó. Nhà nước đưa ra chính sách, ngân hang cho vay vốn nhưng không ai phải chịu trách nhiệm trực tiếp.
Ông vừa nhắc đến yếu tố rủi ro nhưng các dự án nhà ở xã hội là những dự án đã được hỗ trợ về chính sách, về nguồn vốn và giá nhà ở xã hội luôn thấp hơn giá nhà ở thương mại nên yếu tố rủi ro hầu như không có. Ông giải thích thế nào về điều này?
Ông Trần Như Trung: Như tôi đã nói, mua nhà ở xã hội vẫn là hình thức kinh doanh, vẫn phải tuân theo nguyên lý vận hành của thị trường và không có gì đảm bảo là không rủi ro khi nhà ở thương mại đang có giá ngang bằng. Và nếu mọi căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội được sản xuất ra đều bán hết thì cũng không có quy định nào đảm bảo rằng việc giải ngân sẽ đúng tiến độ.
Còn vấn đề hỗ trợ vốn của nhà nước thì chúng ta đã thấy thực tế rồi, đến nay gói 30000 tỷ vẫn chỉ có một vài doanh nghiệp tiếp cận được mà các dự án nhà ở xã hội thì lại rất nhiều. Cho nên khập khiễng từ ban đầu thì nó sẽ mãi khập khiễng, cũng giống như “không thể vừa giải toán vừa làm văn trong cùng một câu”.
Trân trọng cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo