Vì sao nợ xấu đắt hàng?
Đây là ý kiến của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, Viện phó Viện Giá Cả Thị Trường trước thông tin nhiều tập đoàn nước ngoài đổ xô vào mua nợ xấu của Việt Nam.
Thưa ông, gần đây rộ lên thông tin nhiều tập đoàn nước ngoài muốn vào mua các khoản nợ xấu của Việt Nam, ông có thể giải thích nguyên nhân vì sao? Và đây có phải là bất ngờ ngoài dự tính?
Ông Vũ Đình Ánh: VAMC mua nợ xấu của các ngân hàng là để bán lại, đấy là bản chất hoạt động của VAMC. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam còn khó khăn, các tập đoàn trong nước không đủ lực tài chính để mua lại khối lượng nợ xấu khổng lồ, cho nên việc xem xét cho các tập đoàn nước ngoài mua là chuyện bình thường.
Vấn đề là phải bán thế nào để có lợi nhất cho mình, về nguyên tắc nếu VAMC bán được các khoản nợ cũ tốt thì sẽ mua các khoản nợ mới với giá cao hơn, như vậy các ngân hàng thương mại cũng sẽ giảm được thiệt hại do tích lũy nợ xấu trong thời gian vừa qua. Nếu không có các nhà đầu tư nước ngoài thì không biết phần nợ xấu mà VAMC mua về sẽ xử lý thế nào, vì vậy đây có thể xem là một tín hiệu vui cho nền kinh tế.
Nguyên nhân thứ hai là các tập đoàn nước ngoài không tự dưng vào để giải quyết nợ xấu cho Việt Nam, mà họ dự tính trong tương lai gần kinh tế thế giới sẽ ấm lên và các khoản nợ xấu này sẽ là phương tiện mang lại lợi nhuận lớn cho họ. Đặc biệt hầu hết các khoản nợ xấu đều đi kèm với tài sản thế chấp là bất động sản (BĐS), một trong những vấn đề mà nhà đầu tư nước ngoài hy vọng là trong đợt này Việt Nam sẽ đầu tư để xứ lý và các điều kiện về nắm giữ và kinh doanh BĐS đối với đầu tư nước ngoài sẽ được nới lỏng hơn.
Như ông vừa nói, “đây là một tín hiệu vui cho nền kinh tế”, vậy Việt Nam có nên bán hết số nợ xấu này cho các tập đoàn nước ngoài không?
Ông Vũ Đình Ánh: Như tôi đã nói, các tập đoàn nước ngoài không vào để giải quyết nợ xấu cho VN, mà họ chỉ đầu tư để kiếm lời, mua vào rồi bán ra nên tôi nghĩ hình thức đầu tư này không bền vững. Để giải quyết tình trạng nợ xấu chồng chất hiện nay thì chúng ta vẫn phải bán, tuy nhiên bán thế nào để có lợi cho mình thì vẫn còn phải bàn. Chúng ta không thể bán tất cả mà phải có sự lựa chon, đi cùng với đó là phải điều chỉnh chiến lược cho phù hợp: Vừa phải nới tỷ lệ sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài vừa phải tăng cường các điều kiện quản lý khác.
Hiện nay việc để các nhà đầu tư ngoại tham gia vào giải quyết nợ xấu vẫn còn nhiều rào cản: Thứ nhất là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng thương mại, tại các doanh nghiệp và sở hữu bất động sản đang còn thấp. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất của mình là duy trì những rào cản này đối với nhà đầu tư nước ngoài như thế nào nếu cho họ tham gia vào thị trường mua bán nợ. Nếu như Việt Nam muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia xử lý nợ xấu thì phải thay đổi tỷ lệ sở hữu để tăng sức hấp dẫn của nợ xấu thì họ mới vào mua. Chính vì vậy, vừa qua có nhiều ý kiến cho rằng nên cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tới 49% vốn góp tại các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp và coi đây là cái gốc của việc giải quyết nợ xấu.
Trước những chuyển biến có hướng tích cực này nhiều người nhận định rằng năm 2014 là cơ hội cho tốt cho việc mua bán nợ xấu và tái cấu trúc nợ, ông đánh giá thế nào về nhận định này?
Ông Vũ Đình Ánh: Cho đến thời điểm hiện tại đã có những tín hiệu cho thấy sự đóng băng trước đó đã tan một phần và các nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy có khá nhiều cơ hội kiếm lời trong việc mua bán nợ xấu của Việt Nam. Riêng với thị trường mua bán nợ, rõ ràng việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại trong thời gian gần đây thuận lợi hơn, đặc biệt sau khi VAMC đã thực hiện những bước mua nợ đầu tiên. Đồng thời không chỉ có nhà đầu tư nước ngoài mà các nhà đầu tư trong nước cũng rất quan tâm đến thị trường mua bán nợ, bởi khả năng sinh lợi của nó. Bên cạnh đó còn có các chính sách tháo gỡ khó khăn cho BĐS vừa tung ra và đến năm 2014 bắt đầu có hiệu lực. Chính những yếu tố này làm cho thị trường mua bán nợ trong năm tới sẽ sôi động hơn.
Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo