Vì sao sở hữu chéo ngân hàng đang diễn biến phức tạp?
Người đứng đầu ngành ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thẳng thắn nhìn nhận: Sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD ở Việt Nam đang có xu hướng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng TCTD nói riêng cũng như toàn hệ thống TCTD nói chung, gây cản trở nhất định đến quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD. Để làm rõ hơn những nguy cơ có thể xảy ra từ sở hữu chéo trong hệ thống TCTD, Doanh nghiệp Việt Nam đã ghi nhận quan điểm của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành.
Tiêu cực từ sở hữu chéo các ngân hàng
PV: Tại phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, thực tế hiện nay đang tồn tại 6 cặp ngân hàng sở hữu chéo lẫn nhau. Ông đánh giá sao trước thực trạng này?
Ông Bùi Kiến Thành: Trước hết phải hiểu sở hữu chéo là thế nào? Theo quy định, một cá nhân thì không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của 1 ngân hàng, sở hữu quá là vi phạm..Hay một tổ chức không được sở hữu quá 10% vốn điều lệ của 1 ngân hàng.
Sở hữu có thể xem xét ở mức độ nhiều hay ít. Sở hữu nhiều sinh ra việc muốn khống chế hoạt động của ngân hàng đó vì lợi ích của mình. Những người vay mua cổ phiếu, thành cổ đông lớn của ngân hàng thì sẽ khống chế, chi phối được ngân hàng đó để vay cho mục đích đầu tư cá nhân của mình.
Nhiều khi anh mua 5% cổ phần của ngân hàng này, sau đó lại đem 5% đó thế chấp, lấy tiền khác mua cổ phần của một ngân hàng khác nữa, cứ như vậy dẫn tới việc sở hữu cổ phần trong 2 ngân hàng và nhiều hơn thế nữa. Hay là nhờ nhiều cá nhân hay tổ chức đứng tên để sở hữu một lượng lớn cố phần trong nhiều ngân hàng. Đó là sở hữu chéo chằng chịt trong hệ thống ngân hàng. Sở hữu chéo là sở hữu cùng lúc nhiều ngân hàng, đưa cả hệ thống ngân hàng tới chỗ vi phạm pháp luật. Thành ra việc này tạo ra những rủi ro dẫn tới nợ khó đòi, mất khả năng thanh toán của ngân hàng đó, ngân hàng có thể bị phá sản, kéo theo sự phá sản nhiều ngân hàng khác nữa.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về những ảnh hưởng tiêu cực của sở hữu chéo tới hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam?
Ông Bùi Kiến Thành: Rất nhiều trường hợp có những ngân hàng lớn chứ không phải ngân hàng nhỏ bị sở hữu chéo đưa tới việc cho một đơn vị, cá nhân vay quá mức quy định và gây ra rủi ro cho chính ngân hàng đó. Nhiều ngân hàng có nợ xấu lên tới 10%, 40%... theo báo cáo của Thống đốc NHNN trong các cuộc họp, cụ thể có 9 ngân hàng yếu kém nằm trong diện tái cấu trúc, đồng thời còn phát hiện thêm các ngân hàng yếu kém nữa.
Vừa rồi có rất nhiều ngân hàng ở vào tình trạng đó, nhất là những ngân hàng yếu kém. Do có nhiều NHTM là sân sau của một số người, được giấy phép làm ngân hàng, rồi huy động vốn được 50 tỷ, 50.00 tỷ… rồi tự cho nhau vay. Những cổ đông lớn không phải lập ngân hàng để huy động vốn tài trợ cho hoạt động của toàn nền kinh tế, phục vụ lợi ích công cho mọi người mà phục vụ cho những hoạt động cá nhân đầy rủi ro.
Lãnh đạo của những ngân hàng đó tự cho mình vay, sẵn sàng đẩy lãi suất huy động lên rất cao. Những ngân hàng lớn sợ mất khách cũng phải chạy theo, đẩy lãi suất huy động lên cao và tất nhiên ảnh hưởng tới toàn nền kinh tế. Mà lãi suất lên quá cao thì không thể giúp nền kinh tế phát triển mà biến thành “thuốc độc”, nền kinh tế uống vào thì hao mòn đi, sẽ “sát hại” các DN hàng loạt.
Các DN nói rằng với lãi suất cho vay 10% còn chịu đựng nổi, qua 10% thì chỉ cầm cự, mà nếu như hơn nữa thì DN bị lỗ vốn, yếu dần đi và phá sản. Thời gian qua có bao nhiêu DN phá sản, chết lâm sàng, tạm đóng cửa cũng là vì sở hữu chéo, sở hữu ngân hàng như vậy.
PV: Vì sao sở hữu chéo tồn tại và đang có xu hướng diễn biến phức tạp hơn, thưa ông?
Ông Bùi Kiến Thành: Tại vì người sở hữu ngân hàng không hoạt động đúng theo mục tiêu của một ngân hàng là phục vụ cho cộng đồng với lãi suất hợp lý, cho DN phát triển ổn định.
Trong việc này cũng phải nhắc tới vai trò của NHNN. Đáng lý ra NHNN có phận sự điều tiết lưu lượng tiền tệ như thế nào cho nền kinh tế có đủ tín dụng để hoạt động và với mức lãi suất hợp lý, không quá nhiều để tránh lạm phát, không quá ít để tránh thiểu phát, với lãi suất hợp lý để DN hoạt động tốt. Việc này NHNN của ta chưa quản lý được.
Luật Dân sự có quy định trần lãi suất cho vay tối đa bằng 150% lãi suất cơ bản của NHNN, trong nhiều năm nay hệ thống NHTM bỏ qua quy định này. Rõ ràng là vi phạm luật dân sự về lãi trần cho vay. Đáng lý NHNN là anh cảnh sát giao thông phải điều tiết nhưng đã không làm. Vậy hỏi tại sao mà không làm, có nhiều lý do họ đã đưa ra. Vì vậy lãi cho vay cứ vượt trần, ảnh hưởng tới DN và chúng ta đã thấy rõ. Nhiều cá nhân hay nhóm lợi ích sở hữu quá nhiều vốn tại một ngân hàng, rồi độc tài độc đoán công việc của chính ngân hàng đó. Hoặc sở hữu chéo nhiều ngân hàng khác, buộc các ngân hàng khác làm theo.
Cần giám sát chặt nguồn vốn
PV: Vậy mấu chốt ở đây liệu có phải là nên giám sát chặt việc ra vào của nguồn vốn không, thưa ông?
Ông Bùi Kiến Thành: Đó là việc rất quan trọng trong hoạt động của ngân hàng. Người ta đến ngân hàng vay tiền để thực hiện dự án nào, thì ngân hàng phải làm nhiệm vụ của mình cho đúng, phải giám định tính khả thi của dự án, phải giám sát dòng tiền cho vay chạy đi đâu? Dự án đó có đủ khả năng hoàn vốn hay không? Vay tiền để sản xuất ra sản phẩm gì, có thị trường hay không? Dự tính dòng tiền trở vào như thế nào, đủ trả gốc lãi hay không,? Sau đó giám sát, theo dõi dự án phát triển, kinh doanh của người vay. Việc này ngân hàng Việt Nam chúng ta không làm.
Ngân hàng quá quan trọng vấn đề tài sản thế chấp, câu hỏi đầu tiên là người vay có tài sản thế chấp đảm bảo hay không, có sổ đỏ, sổ hồng hay không? mà không nghiêm túc xét dự án phát triển kinh doanh của người vay tiền.
Vì vậy đã không kiểm soát được dòng tiền cho vay. Dòng tiền đó chảy qua các lĩnh vực kinh doanh khác, thị trường chứng khoán, bất động sản, qua nhiều nơi, thậm chí đi vào quán karaoke, vào các bà vợ bé…Chính vì thế dự án không thực hiện được và biến thành nợ xấu. Hay họ đầu tư dàn trải, vay nhưng không đầu tư vào lĩnh vực chủ chốt mà đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác, ngoài hoạt động cốt lõi, rồi biến thành nợ xấu.
PV: Vậy theo ông, giải pháp nào để xử lý tình trạng này?
Ông Bùi Kiến Thành: Có 2 giải pháp. Một là đối với ngân hàng được điều hành tốt, không vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tạm thời mất thanh khoản, vì nhiều chủ tài khoản cùng một lúc rút tiền ra khỏi ngân hàng, NHNN có thể giải quyết vấn đề thanh khoản trong thời hạn ngắn. Nhưng người rút tiền ra rồi không lẽ giữ mãi trong nhà? Nếu mà mua vàng cất, thì số tiền đó sẽ phải chuyển cho tiệm vàng. Không lẽ tiệm vàng lại cất tiền trong tủ, đương nhiên là tiệm vàng phải đem gửi trở vào ngân hàng. Số tiền đó quay trở lại sau một thời gian ngắn bị rút ra. Khi thanh khoản trở lại thì NHNN rút ra số tiền đã tạm thời bổ sung cho ngân hàng. Vai trò của NHNN đảm bảo đủ lượng tiền cho nền kinh tế phát triển ổn định.
Còn bảo rằng in tiền thêm là gây ra lạm phát, thì là vì không hiểu được nhiệm vụ ngân hàng trung ương (NHTW) của NHNN. NHTW chỉ phát hành tiền để đảm bảo đủ lưu lượng tiền cho nền kinh tế phát triển ổn định bền vững, không quá nhiều để dẫn đến lạm phát mà cũng không quá ít để gây ra thiểu phát. Để thực hiện nhiệm vụ này mỗi ngày, mổi ngày NHTW phải theo dõi nền kinh tế cần dùng bao nhiêu tiền, mổi ngày phải đo huyết áp của nền kinh tế lên hay xuống, lên thì hút bớt tiền ra, xuống thì bơm tiền vào, mỗi ngày phải có thông tin chính xác về lượng tiền, tín dụng lưu hành trong nền kinh tế để biết bao nhiêu là đủ, bao nhiêu là thiếu . Ban thanh tra NHTW phải kiểm tra, xem nền kinh tế có bao nhiêu DN, hoạt động ra sao….
Để thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng GDP thì nền kinh tế cần phải có thêm bao nhiêu tín dụng, bao nhiêu tiền mặt lưu thông? Trách nhiệm của NHTW là đáp ứng đầy đủ lưu lượng tiền đó, phải phát hành thêm bao nhiêu tiền, phải bơm ra bao nhiêu tiền qua hệ thống OMO để đáp ứng cho tăng trưởng tín dụng cần thiết. Nhiều quá mới lạm phát, ít quá thì gây ra thiểu phát. Thế nào là nhiều, là ít, phải có trách nhiệm theo dõi.
Ngoài ra NHTW cũng có nhiệm vụ nghiên cứu và tư vấn cho Quốc Hội và Chính phủ về chỉ tiêu tăng trưởng GDP như thế nào là phù hợp với tình hình kinh tế trong nước và ảnh hưởng từ nước ngoài, để tránh không theo đuổi một mục tiêu tăng trưởng không thực tế, có khả năng đưa đến lạm phát.
Những anh không biết gì về hoạt động NHTW mới có ý kiến kiểu đó.
PV: Thế còn ý kiến lập công ty xử lý sở hữu chéo ngân hàng?
Ông Bùi Kiến Thành: Tại sao lại phải lập công ty xử lý sở hữu chéo ngân hàng? Xử lý đó là quyền hạn của NHTW. Nếu đã quy định một cá nhân thì không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của 1 ngân hàng, sở hữu quá thì vi phạm. Hay một tổ chức không được sở hữu quá 10% vốn điều lệ của 1 ngân hàng. Cứ đem điều đó áp dụng thôi.
Chỉ có cơ quan công quyền mới áp dụng quy định của luật pháp, NHNN có quyền uy về vấn đề quản lý, theo dõi, thanh kiểm tra, áp dụng luật pháp trong hệ thống NHTM thì phải theo pháp luật. Luật về các tổ chức tín dụng, Luật về NHNN đã có những quy định cần thiết, cứ đem luật mà áp dụng. Công ty làm sao mà làm được điều đó.
Trân trọng cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo