Vì sao thuế nhập khẩu giảm, giá ô tô vẫn tăng?
Ngày 1/1/2016, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN giảm còn 40% so với mức 50% của năm 2015. Nhiều người có ý định mua xe kỳ vọng từ đầu năm nay giá xe nguyên chiếc nhập khẩu từ khu vực sẽ giảm so với trước đây, nhưng thực tế thị trường lại diễn ra ngược lại.
Nổ "phát pháo" đầu tiên cho xu hướng này là Mercedes-Benz Việt Nam. Ngày 31/12/2015, hãng này công bố tăng giá bán các dòng xe nhập khẩu từ 20 triệu đồng đến 1,8 tỷ đồng.
Cụ thể, mẫu xe A200 tăng 30 triệu đồng, A250 và CLA250 4Matic tăng 50 triệu đồng, CLS400 tăng 340 triệu đồng, GL500 4Matic tăng 370 triệu đồng, AMG GT S tăng 890 triệu đồng...
Trong tất cả các dòng xe của Mercedes-Benz Việt Nam chỉ có C200, C250 Exclusive, C300, S400L và S500L - những dòng xe lắp ráp tại Việt Nam là không tăng giá so với năm 2015.
Theo lý giải của Mercedes-Benz thì đợt tăng giá này xảy ra do những thay đổi về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo Nghị định 108, ban hành ngày 28/10/2015. Không chỉ có Mercedes-Benz, trong tháng 1 này, sẽ có nhiều doanh nghiệp kinh doanh xe sang công bố mức giá bán mới cho xe nhập khẩu.
Nhà nhập Lexus cho biết áp giá bán mới cho khách hàng kể từ ngày 1/1 nhưng chưa công bố mức tăng cụ thể. EuroAuto - nhà nhập khẩu chính thức xe BMW dự báo cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới sẽ đẩy giá bán trung bình lên từ 10 - 15% so với cách tính cũ.
Ở phân khúc phổ không, doanh nghiệp nhập khẩu và lắp ráp xe Hyundai là Hyundai Thành Công cho biết cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới sẽ đẩy giá xe tăng 5% so với cách tính cũ. Công ty Trường Hải (Thaco) cũng cho rằng, mức thuế mới sẽ khiến giá xe đội lên từ 2 - 5% so với trước.
Nghị định 108 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được tính trên giá vốn cộng thêm phần chi phí vận chuyển, quảng cáo, bán hàng và lợi nhuận của doanh nghiệp. Với cách tính mới này, thuế tiêu thụ đặc biệt của ô tô sẽ tăng mạnh trong năm nay.
Trong khi đó, cùng thời điểm này, thuế nhập khẩu từ các nước trong khu vực cũng giảm 10% so với năm ngoái, còn 40%. Thế nhưng, mức giá giảm này không giúp giá xe giảm mà ngược lại, nhiều loại xe nhập khẩu đã bắt đầu tăng giá.
Theo tính toán của một doanh nghiệp kinh doanh ô tô, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN mà cụ thể là Thái Lan và Indonesia chủ yếu do các thành viên của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) thực hiện với các mẫu xe bán tải như Toyota Hilux, Ford Ranger, Niaan Navara, Chevrolet Colorado, Isuzu-CD-Max... những năm qua chỉ chịu thuế nhập khẩu 5% so với mức 50% của các dòng xe khác, vì thế, khi thuế nhập khẩu giảm 10% không làm giá xe bán tải giảm mà ngược lại, do cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới đã khiến giá các dòng xe này bị đẩy lên cao.
Trên thị trường xe du lịch, rất ít các dòng xe nhập từ ASEAN bởi các liên doanh ô tô - những nhà lắp ráp xe trong nước cũng là nhà độc quyền nhập khẩu các thương hiệu tương ứng. Để ưu tiên cho xe nội địa, các doanh nghiệp này chỉ nhập các mẫu xe có thị phần thấp và ít cạnh tranh. Với các doanh nghiệp chuyên nhập khẩu xe sang thì chủ yếu nhập xe từ những quốc gia không ảnh hưởng của thuế nhập khẩu.
Đơn cử, các dòng xe có giá trị lớn như Mercedes-Benz, BMW, Lexus, Audi, Land Rover, Porsche... hoặc là được nhập khẩu từ Nhật Bản hoặc là từ các nước Pháp, Đức, Anh, Mỹ... không được hưởng thuế nhập khẩu 40% từ khu vực ASEAN.
Như vậy, hầu hết ô tô phổ thông và cả những dòng xe sang nhập khẩu từ thị trường ngoài ASEAN không được hưởng lợi từ thuế nhập khẩu mà Việt Nam áp dụng trong năm nay.
Đó cũng là lý do dù thuế nhập khẩu giảm nhưng các doanh nghiệp kinh doanh xe vẫn tăng giá bán trong thời điểm này. Và như vậy, cơ hội mua xe giảm giá của người tiêu dùng trong nước cũng chưa thể thành hiện thực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo