Doanh nhân

Vị thế của Mỹ đang bị thách thức

Chiến trường đẫm máu tại Syria hay các tranh chấp bãi đá ngầm ở Biển Đông đang chứng kiến thách thức đáng kể nhất về vị thế của Mỹ từ sau sự sụp đổ của Liên Xô.

Trong 25 năm qua, Mỹ đã hoàn toàn chiếm ưu thế quân sự và chính trị trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ưu thế này đang bị thách thức bởi Nga và Trung Quốc (TQ) với những gì đang diễn ra ở Syria và Biển Đông. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa lực lượng can thiệp vào Syria với ngọn cờ chống Nhà nước Hồi giáo (IS) và trình diễn sức mạnh vũ khí hiện đại khiến các chuyên gia quân sự phương Tây bất ngờ. Có thể thấy, lần đầu tiên kể từ cuộc đổ quân vào Afghanistan năm 1979, Nga đã tiến hành một chiến dịch quân sự lớn bên ngoài lãnh thổ Liên Xô cũ nhằm thách thức sự thống trị của Mỹ ở Trung Đông.

Nhà phân tích Mankoff cho rằng: "Trước cuộc can thiệp này, Nga vẫn có ảnh hưởng ở Syria, nhưng đã mất ảnh hưởng ở nhiều nước khác với sự sụp đổ của Tổng thống Iraq Saddam Hussein và nhà lãnh đạo Libya Gadhafi. Đây là bước quan trọng nhất trong khi Nga đang cố gắng tự thể hiện là một nhà môi giới quan trọng ở Trung Đông. Moscow cố thách thức quan điểm cho rằng Mỹ là lực lượng bên ngoài quan trọng nhất và là lực lượng định hình sự cân bằng trong khu vực".

Vị thế của Mỹ đang bị đe dọa

Nhà lãnh đạo cấp cao các nước Mỹ, Nga, Trung Quốc (Từ trái qua phải)

Hai mươi năm trước, các hạm đội tàu chiến Mỹ tung hoành khắp Thái Bình Dương. Nhưng tại thời điểm này, người Mỹ còn đang lưỡng lự trong quyết định có nên đưa tàu chiến tuần tra khu vực 12 hải lý quanh các hòn đảo nhân tạo mà TQ mới lập nên ở Biển Đông. TQ bất chấp luật lệ quốc tế để áp đặt chủ quyền của mình bằng cách cải tạo hàng loạt bãi đá trở thành nơi đồn trú có khả năng triển khai lực lượng quân sự.

Điều này một phần là sự khẳng định về sức mạnh hải quân ngày càng tăng nhanh của TQ, mặt khác là tuyên bố thách thức quyền lực của Mỹ trên biển. Tờ Hoàn Cầu Thời báo TQ còn tuyên bố "nếu Mỹ xâm phạm các quyền lợi cốt lõi thì quân đội TQ sẽ phản ứng và dùng vũ lực để ngăn lại".

Thậm chí, thông qua các cuộc tập trận chung trong chính không gian chịu sự ảnh hưởng của Mỹ, Nga và TQ, TQ đã tìm cách thay đổi trật tự hàng hải mà Mỹ đang dẫn dắt. Cuộc diễn tập chung hồi tháng 5/2014 ở Địa Trung Hải và Biển Đen - một thuộc phạm vi ảnh hưởng của NATO, và một khá xa lạ với hải quân TQ là một ví dụ.

Khi Mỹ vẫn là cường quốc chiếm ưu thế ở châu Á - Thái Bình Dương thì mối quan hệ hàng hải ngày càng lớn giữa TQ và Nga cũng báo hiệu cho sự khởi đầu của một trật tự hàng hải đa cực trong khu vực. Quan hệ hàng hải Trung - Nga được coi là một sản phẩm của bối cảnh địa chính trị, trong đó cả hai nước đều cảm thấy sức ép chiến lược từ sức mạnh quân sự Mỹ.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, uy quyền tuyệt đối trên toàn cầu của Hoa Kỳ trỗi dậy. Trong thực tế, sự thống trị của Mỹ đạt đến đỉnh cao như vậy khi Nga và TQ vẫn còn trong hỗn loạn. Ngày nay, Mỹ vẫn là quốc gia duy nhất có khả năng triển khai sức mạnh trên toàn cầu, tuy nhiên, với những gì Nga và TQ trực tiếp uy hiếp, Mỹ có lý do để lo lắng.

Hồi đầu tháng này, Nhà Trắng đã cập nhật Chiến lược quân sự lần đầu tiên trong vòng 4 năm. Cuộc duyệt xét chiến lược này cảnh báo mối nguy xảy ra chiến tranh với một quốc gia khác tuy đang ở mức thấp nhưng đang trên đà gia tăng. Văn kiện này nêu tên 4 nước mà quân đội Mỹ sẽ chú tâm nhiều hơn: Nga, Iran, Triều Tiên và TQ. Ông Bryan Clark, một nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách ở Washington, cho biết, "quyền lợi của họ với quyền lợi của chúng ta có phần chắc sẽ xảy ra mâu thuẫn trong tương lai gần".

Ông Clark nói rằng những hành động quyết liệt của Nga ở Đông Âu và của TQ ở Biển Đông nằm trong số những yếu tố thúc đẩy sự chuyển đổi chiến lược của Mỹ. Trong đó, Nhà Trắng "xem TQ như một mối rủi ro rất lớn cho các quyền lợi an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, bởi vì TQ là một nước lớn hơn nhiều về mặt kinh tế, lớn hơn về mặt dân số, có quân đội ngày càng lớn mạnh, cũng có một số khả năng quân sự tiên tiến mà Nga có nhưng với số lượng lớn hơn". Bên cạnh đó, TQ cũng đang trực tiếp đối đầu với các đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Chính sách đối ngoại của Mỹ chưa điều chỉnh với thế giới có nhiều tranh chấp và đang thay đổi này. Đối với ba vị tổng thống vừa qua, chính sách đối ngoại chủ yếu hướng đến việc xuất khẩu giá trị Mỹ với ý tưởng là các quốc gia trên khắp thế giới sẽ bị thu hút về dân chủ, thị trường và nhân quyền mà Mỹ tạo dựng.

Những người lạc quan nghĩ rằng ngay cả TQ cũng đang đi theo chiều hướng này. Quan điểm này đã có hậu quả đầu tiên ở Iraq và Afghanistan và bây giờ rộng hơn ở Trung Đông. Sự "giải phóng" của người Mỹ đã không mang lại sự ổn định cũng như dân chủ tại khu vực này. Thậm chí, sự hỗn loạn của Afghanistan buộc Tổng thống Obama tiếp tục lui thời hạn rút quân khỏi Afghanistan sau 14 năm đưa lính Mỹ tham chiến.

Lam Hồng/Doanhnhansaigon

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo