Góc nhìn

Viêt Nam bán cty đóng tàu tốt nhất cho Damen rồi đứng nhìn?

Damen đang có thế thượng phong ở Việt Nam, chưa cần mua được 70% chúng ta đã đứng ngoài nhìn.

 KS đóng tàu Đỗ Thái Bình, Hội KHKT công nghiệp Tàu thủy Việt Nam đã chia sẻ lo ngại với Đất Việt trước đề xuất của Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) với Chính phủ và ngành giao thông về việc bán cho nhà đầu tư ngoại 70% cổ phần Công ty đóng tàu Sông Cấm – đơn vị duy nhất làm ăn có hiệu quả trong cơn ‘bão Vinashin’. 

 

PV: -Thưa ông mới đây Công ty đóng tàu Damen Hà Lan đã có ý mua lại cổ phần Tổng công ty đóng tàu Sông Cấm với tỉ lệ là 70%. Hiện Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) đã có báo cáo lên thủ tướng và Bộ GTVT để xin chủ trương. Xin ông cho biết quan điểm của mình về động thái trong bối cảnh Vinashin vừa được hoán đổi số phận và Sông Cấm là đơn vị duy nhất làm ăn có hiệu quả của Tổng Công ty này?

 

KS Đỗ Thái Bình: - Để đưa ra nhìn nhận về việc này tôi muốn nhắc lại một câu chuyện từ trong quá khứ. Đó là Việt Nam đã từng hợp tác với nước ngoài trong ngành đóng tàu đầu tiên là với Huyndai Vinashin.

 

Huyndai cũng là một trong những công ty hàng đầu thế giới về đóng tàu nhưng đã vào Việt Nam từ những năm 90 và lập ở Nha Trang một xưởng Huyndai Vinashin.

 

Khi đó chúng ta góp 30% vốn đất còn toàn bộ là máy móc, công nghệ của nhà đầu tư. Cuối cùng mọi thứ gần như của họ là 100%. Hệ quả là chúng ta còn lại một đống sỉ khổng lồ và một chút công ăn việc làm tạo cho bà con ở xã Ninh Hòa, Nha Trang.

 

Tôi từng cạo gỉ tàu, trồng tỏi cùng với ngư dân ở trên tàu nên tôi thấu hiểu như thế nào là sự bóc lột sức lao động rẻ mạt ở đây. Sau đó cũng không có một bài học nào, không có kết quả từ tầm cao, không huấn luyện cho ai từ việc hợp tác này.

 

Không chỉ có Huyndai mà các ngành công nghiệp khác ở nước ta nếu nói hết ra thì cũng trong tình trạng này thôi. Như Samsung vào Việt Nam làm các mặt hàng điện tử cũng vậy. Cuối cùng cái mà họ đạt được là lợi nhuận, tận dụng sức lao động giá rẻ của chúng ta. Còn cái Việt Nam nhận được chỉ là một chút rất nhỏ trong đống lợi nhuận đó.

 

Trong câu chuyện này cá nhân tôi không có lời khuyên hay phản đối. Tôi chỉ muốn nói tâm sự của mình. Tôi có cảm giác nhà nước chỉ muốn mau mau cho xong món nợ của Vinashin đi, chứ còn để làm thế nào cho ngành đóng tàu tự cường lên trở thành ngành của dân tộc lại là vấn đề lớn.

 

Bây giờ phải thống nhất ngay trong ngành, phải nhìn tầm nhìn từ dân tộc chứ không phải là nhóm lợi ích.  

Công ty TNHH Đóng tàu Damen - Sông Cấm là liên doanh giữa Damen Holding BV Vietnam và Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm.

PV: Theo quy định của Chính phủ các nhà đầu tư ngoại chỉ được mua 49% cổ phần, nhưng ở đây Damen Hà Lan muốn mua 70% và SBIC cũng đang xin Chính phủ cho đây là một ngoại lệ. Điều này được hiểu ra sao, thưa ông ?

 

KS Đỗ Thái Bình: - Vinashin hay SBIC chỉ muốn tính chuyện trả nợ còn chưa kể đến người lao động, ngành đóng tàu được gì.

 

Nhìn lại lịch sử phát triển của Damen chúng ta sẽ thấy con đường đi của họ thể hiện rất rõ ý chí của dân tộc. 

 

Đây là một đơn vị đóng tàu nhỏ của Hà Lan nhưng lại nằm rải rác ở khắp nơi trên thế giới. Họ có các chi nhánh ở toàn bộ các nước cộng sản cũ như ở Rumani, Ba Lan, Trung Quốc… nhưng ở Việt Nam Damen thành công nhất.

 

Vừa qua ngay cả Damen vào Việt Nam cũng ở thế thượng phong. Thiết kế của họ luôn giữ bí mật, thiết bị chính họ tự nhập chứ không phải là Vinashin.

 

Tức là chưa cần họ mua thêm 70% cổ phần của Sông Cấm thì Vinashin hay SBIC cũng đã đứng ngoài rồi.

 

Còn chúng ta muốn có được cái gọi là ý chí dân tộc đối với ngành này thì phải có giải pháp sức mạnh hơn nữa. Phải có tầm nhìn của quốc gia.

 

Nhưng có thể thấy chúng ta vẫn chưa thấy ngành đóng tàu là cốt tử của dân tộc và cần phải giải quyết vấn đề nào trước, cái nào sau. Nếu thấy được rằng muốn ra biển phải đóng tàu và đây là nhiệm vụ sống còn thì cách nhìn và hướng lựa chọn sẽ khác.

 

PV: Khi SBIC ra đời trong nhiệm vụ của mình sẽ phải thực hiên các nghĩa vụ pháp lý, trong đó có việc hoàn thiện tiếp đề án tái cơ cấu đã trình Chính phủ thông qua. Việc bán cổ phần sang tay nhà đầu tư ngoại như vậy có đúng trách nhiệm pháp lý không?

 

KS Đỗ Thái Bình: - Đây cũng là một vấn đề cần phải bàn. Từ những sai lầm cũ của Vinashin, chưa có ai ngồi lại để rút kinh nghiệm sai cái gì mà vẫn xem Vinashin như một giấc mơ chưa thực hiện được.

 

Những bước đi thiếu một sự đầu tư chiều sâu, không có chiến lược biển quốc gia rõ ràng thì chúng ta sẽ khó để nói làm chủ được từng bước đi của mình.

 

Trong vấn đề này tôi muốn kể lại một ví dụ để thấy liệu chúng ta có thể đòi hỏi được gì nhà đầu tư khi họ đã hoàn toàn làm chủ được cuộc chơi.

 

Đó là tại hội nghị về đóng tàu xanh được tổ chức năm 2013 khi Huyndai Vinashin báo cáo về những thành tích họ đạt được. Hội nghị này được diễn ra trước khi Vinashin chính thức bị xóa tên.

 

Khi đó một lãnh đạo của Vinashin đã nêu ý kiến đề nghị Huyndai Vinashin chia sẻ mô hình thế nào là quản lý xanh. Thế nhưng câu trả lời của đại diện Huyndai Vinashin rằng: “để chúng tôi phải báo cáo về nước đã”.

 

Điều này có nghĩa dù họ tiếng là thuộc Vinashin song thực sự Vinashin đứng xem họ làm và muốn học hỏi cũng khó.

 

Vì vậy nếu chúng ta quyết tâm bán đơn vị đang làm ăn có hiệu quả nhất cần rút kinh nghiệm các điều khoản hợp tác. Nếu chúng ta công nhận Damen vào Việt Nam với 70% vậy thì các điều khoản chuyển giao trí tuệ, đào tạo thiết kế phải được đặt ra.

 

Đây sẽ phải là một trung tâm thiết kế, thực tập cho các cán bộ, kỹ sư ngành đóng tàu. Vấn đề ở đây là con người chuẩn bị như thế nào… Tất cả những điều này đều chưa rõ.

 

Còn 70% hay bao nhiêu đi nữa thì trước sau các nhà đầu tư cũng sẽ mua hết. Nhưng vấn đề chính là cần phải có tầm nhìn quyết tâm xây dựng đội ngũ đóng tàu của nước nhà.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo