Doanh nhân

Việt Nam chịu thiệt hại nếu Anh rời EU

Campuchia, Việt Nam, Hong Kong (Trung Quốc) nằm trong nhóm chịu thiệt hại nhất châu Á do xuất khẩu nhiều sang Anh.

Nguy cơ Anh rời Liên minh châu Âu (EU) đã khiến các thị trường châu Á rối loạn. Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm mạnh nhất khu vực với 3,5% trong phiên đầu tuần. Nhà đầu tư đổ xô đến các tài sản trú ẩn, như trái phiếu Chính phủ Nhật và Hàn Quốc. Còn yen Nhật cũng tăng giá mạnh so với USD.

Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 tới, nếu người Anh chọn rời EU, kinh tế châu Âu sẽ bị gián đoạn. Việc này kéo theo xuất khẩu châu Á bị ảnh hưởng. Nhà đầu tư cũng sẽ rút khỏi các tài sản rủi ro, trong đó có các thị trường mới nổi. Đồng yen mạnh lên cũng sẽ gây khó cho nền kinh tế hàng đầu châu Á này.

"Nhà đầu tư đang lo lắng suy thoái toàn cầu quay lại và khả năng Anh rời EU sẽ khiến tác động từ việc này thêm trầm trọng", Khiem Do - giám đốc quản lý tài sản tại Baring Asset Management nhận xét.

viet-nam-chiu-thiet-hai-neu-anh-roi-eu

Nguồn: Capital Economics, WSJ

Nếu Anh rời EU, Do cho biết nhà đầu tư sẽ trông chờ các ngân hàng trung ương toàn cầu tung biện pháp kích thích tăng trưởng. Đến giờ, "họ vẫn không tin rằng các ngân hàng trung ương và Chính phủ hành động đủ nhanh để chống lại viễn cảnh tồi tệ nhất", ông nói.

Khi nói về các tác động trực tiếp lên thị trường tài chính châu Á, các nhà phân tích và giám đốc quỹ đều cho rằng bất kỳ biến động toàn cầu nào vì việc này cũng là tiêu cực.

Có rất nhiều lý do khiến châu Á lo lắng. Cả Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đều được kỳ vọng công bố quyết định chính sách trong thời gian này. MSCI cũng sẽ quyết định có đưa các cổ phiếu của Trung Quốc vào nhóm chỉ số họ đang theo dõi hay không.

Nhà đầu tư đang đổ tiền vào trái phiếu Chính phủ Hàn Quốc, Nhật Bản, do nhận thấy có cơ hội khi các nước này nới lỏng tiền tệ. Ashley Perrott - Giám đốc mảng công cụ đầu tư trả lãi cố định châu Á tại UBS Asset Management cho biết ông đã mua trái phiếu Chính phủ Hàn Quốc kỳ hạn dài hạn, trong đó có 10 và 20 năm.

Nhìn tổng thể, xuất khẩu từ châu Á sang Anh đóng góp 0,7% GDP toàn khu vực, theo Capital Economics. Hãng này ước tính, nếu nhu cầu tại Anh giảm 25%, GDP châu Á sẽ mất gần 0,2%.

Tuy nhiên, một số thị trường châu Á sẽ thiệt hại nặng hơn. Trong nhóm thị trường mới nổi tại đây, Hong Kong (Trung Quốc), Việt Nam và Campuchia có quan hệ thương mại khá mật thiết với Anh, xét theo tỷ lệ xuất khẩu sang Anh trên GDP.

Mặt khác, nếu dòng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi tăng mạnh, Ấn Độ và Malaysia sẽ chịu thiệt hại nặng nhất. Ấn Độ hiện có thâm hụt vãng lai, càng khiến Chính phủ khó đối phó với dòng vốn chảy ra. Trong khi đó, Malaysia có lượng lớn nợ bằng ngoại tệ phải trả trong ngắn hạn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Vnexpress/WSJ

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo