Việt Nam 'chưa thể cất cánh' vì thiếu công nghiệp chế tạo
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Ha Chan Ho quay lại Việt Nam với vai trò là Cố vấn cấp cao chiến lược của Tập đoàn Samsung. Trao đổi với Tiền Phong, ông Ha Chan Ho cho rằng nền kinh tế Việt Nam chưa thể cất cánh vì thiếu đầu tư vào công nghiệp sản xuất, chế tạo.
Thức dậy mỗi sáng bằng tình yêu Việt Nam
Ông có thể cho biết vì sao sau khi kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ, ông lại quyết định quay trở lại Việt Nam làm việc?
Tôi đã làm việc ở Việt Nam trong hai năm rưỡi với cương vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc. Dù đây là khoảng thời gian không dài trong 36 năm công tác ngoại giao của mình nhưng là khoảng thời gian rất ý nghĩa khi Việt Nam và Hàn Quốc trở thành Đối tác chiến lược.
Con người Việt Nam, đất nước Việt Nam đã cuốn hút tôi và chính vì vậy sau khi kết thúc nhiệm kỳ đại sứ, tôi đã nghĩ biết đâu mình sẽ có cơ hội quay trở lại Việt Nam. Và đúng như tôi nghĩ, tôi đã trở về Việt Nam với vai trò là cố vấn chiến lược cho Tập đoàn Samsung.
Có thể coi thời gian tôi làm đại sứ ở Việt Nam là chương I, và bây giờ là chương II trong quãng thời gian tôi ở Việt Nam. Trước kia tôi đại diện cho Chính phủ Hàn Quốc tại Việt Nam, còn hiện nay tôi đại diện cho doanh nghiệp mà cụ thể là Tập đoàn SamSung.
Ông có thể chia sẻ thêm về sự cuốn hút của Việt Nam đối với cá nhân mình?
Trước khi nhận nhiệm vụ làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, tôi được nghe từ những người tiền nhiệm của mình rằng “khi làm việc ở Việt Nam hãy yêu đất nước Việt Nam, yêu con người Việt Nam và bạn sẽ làm việc thuận lợi hơn”. Vì vậy mỗi một buổi sáng thức giấc tôi đều nghĩ tới tình yêu đó và càng sống tại Việt Nam tôi càng cảm nhận rõ điều đó.
Tôi trở lại Việt Nam ý nghĩ được tiếp xúc nhiều hơn nữa với người Việt Nam vì vậy mỗi tuần tôi đều dành 3-4 buổi để học tiếng Việt. Hơn nữa tôi rất thích tận hưởng không khí tại Sa Pa và Đà Lạt. Trong phòng làm việc của tôi treo một bức ảnh mùa lúa chín tại Sa Pa và khi nào căng thẳng, mệt mỏi tôi đều ngắm nhìn nó để tạo sự thanh thản cho mình. Tôi cũng rất thích thú khi thưởng thức các món hải sản ở Việt Nam. Vì thế tôi rất mong muốn được ở lại Việt Nam lâu dài, được trải nghiệm nhiều hơn.
Trên cương vị là cố vấn chiến lược của Tập đoàn Samsung, theo ông Việt Nam có thể tạo nên những tập đoàn tên tuổi như Samsung hay không?Muốn thực hiện điều đó Việt Nam phải làm gì?
Tôi chưa có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này. Vì nếu tôi biết hẳn mọi người cũng biết và Việt Nam đã có những tập đoàn như vậy. Việt Nam cũng có nhiều bài học kinh nghiệm phát triển từ các quốc gia khác, điều quan trọng là lựa chọn, hành động để tập trung phát triển.
Có vẻ như người Việt Nam biết quá nhiều, nắm trong tay nhiều lý thuyết quá nên từ lý thuyết chuyển sang hành động lại mất quá nhiều thời gian. Chúng tôi thường nói đùa rằng vì người Hàn Quốc biết ít hơn nên họ hành động nhanh hơn và có cơ hội phát triển tốt hơn.
Việt Nam vẫn chạy với tốc độ chậm
Việt Nam đã có những tập đoàn kinh tế có mô hình giống với Hàn Quốc. Nhưng các tập đoàn kinh tế của Việt Nam chưa thực sự thành công như các tập đoàn của Hàn Quốc. Theo ông Việt Nam phải thay đổi gì?
Tôi nghĩ rằng, tình hình thế giới có nhiều thay đổi. Khi Hàn Quốc bắt đầu mô hình tập đoàn khoảng 20-30 năm trước đây, sự cạnh tranh giữa các quốc gia không gay gắt như bây giờ. Hiện nay thế giới đã phẳng hơn, internet phát triển, sự cạnh tranh giữa các quốc gia cũng gay gắt hơn vì thế các tập đoàn kinh tế cũng cạnh tranh khốc liệt hơn.
Tôi không phải chuyên gia về lĩnh vực kinh tế nên không có lời khuyên gì cho các tập đoàn kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên với tư cách cá nhân tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam nên sát nhập các tập đoàn kinh tế của mình để tạo sức nặng trong các cuộc cạnh tranh toàn cầu. Nền kinh tế cũng như một chiếc máy bay, để máy bay cất cánh được, phải tăng tốc trên đường băng. Trong 20 năm qua, Việt Nam có nhiều cải cách để đưa nền kinh tế phát triển hơn. Dù vậy, hiện giờ Việt Nam vẫn chạy với tốc độ chậm nên chưa thể cất cánh được.
Được biết, ông có dự định sẽ đến các trường đại học và trao đổi với các sinh viên Việt Nam về kinh nghiệm của mình?
Năm ngoái sau khi kết thúc nhiệm kỳ đại sứ, tôi cũng có một thời gian làm giáo sư giảng dạy tại Đại học Seoul. Và tôi cũng có dự kiến trong thời gian ở Việt Nam tôi sẽ có các buổi gặp gỡ trao đổi và trò chuyện với các bạn sinh viên Việt Nam.
Những người trẻ tại Việt Nam rất quan tâm tới những diễn giả như ông, vì họ muốn lắng nghe nhiều hơn từ những người có nhiều trải nghiệm, thành công. Trong quá trình làm việc tại Việt Nam có ông cảm nhận thế nào về những người Việt trẻ?
Tôi nghĩ rằng những người trẻ Việt Nam có rất nhiều cơ hội. Thế hệ hiện nay có điều kiện tốt hơn trong sinh hoạt, giáo dục và có cả cơ hội bước chân ra trường quốc tế. Nhiều cơ hội tươi sáng rộng mở tới người trẻ Việt Nam.
Ông có nhận xét gì giữa người trẻ Việt Nam và Hàn Quốc?
Tôi có cảm nhận giới trẻ Hàn Quốc hiện tại hơi nuông chiều quá, họ thiếu sự kiên nhẫn khi gặp những khó khăn. Người trẻ Việt Nam có ý chí tự lực tự cường và muốn xây dựng tương lai với ý chí lớn hơn, họ cũng có nhiều tiềm năng để phát triển.
Cám ơn ông đã dành nhiều lời khen cho những người Việt trẻ. Vậy những hạn chế của họ? Mong ông trả lời câu hỏi này với tư cách một người yêu Việt Nam chứ không phải là một nhà ngoại giao.
Có một nhược điểm nổi bật ở người Việt trẻ cũng như người dân Việt Nam là họ chỉ nhìn thấy và nghĩ tới những lợi ích ngắn trước mắt. Ví dụ như trong lĩnh vực kinh tế, hiện nay Việt Nam có nhiều tập đoàn kinh tế lớn nhưng lại có rất ít các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo sản xuất. Vì ngành chế tạo sản xuất đòi hỏi các doanh nghiệp phải có thời gian đầu tư dài, đầu tư cho công nghệ khoa học, vì thế tôi có cảm tưởng các doanh nghiệp Việt Nam không quan tâm và ít hứng thú trong lĩnh vực này. Họ chỉ tập trung những lĩnh vực thu lợi ngay được như thương mại, bất động sản, khai khoáng...
Người Việt Nam rất thông minh, cần cù và khéo léo, đáng lẽ ra lĩnh vực sản xuất chế tạo phải phát triển, nhưng hiện tại đang ngược lại. Tuy nhiên để quốc gia có thể phát triển, phải có nền công nghiệp chế tạo sản xuất. Và Hàn Quốc, Nhật Bản đã thành công khi phần lớn các tập đoàn lớn đều chế tạo máy móc, thiết bị như Samsung, Hyundai, Toyota, Honda...
Xin cám ơn ông.
“Tôi có cảm tưởng các doanh nghiệp Việt Nam chỉ tập trung những lĩnh vực thu lợi ngay được như thương mại, bất động sản, khai khoáng...”- Ông Ha Chan Ho, Cố vấn cấp cao chiến lược của Tập đoàn Samsung
Ông Trương Thanh Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), cho biết Tập đoàn Samsung cung cấp danh sách trên 170 linh kiện, phụ tùng mà Việt Nam có thể làm để cung ứng cho GalaxyS4 và Tab7 của họ. Tuy nhiên khi hỏi các hiệp hội, doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp điện tử đã có 40-50 năm truyền thống, câu trả lời là: chưa làm được (không đáp ứng được công nghệ và giá thành). Trong đó có những linh kiện nghe rất đơn giản như cái sạc pin, cáp USB, vỏ nhựa, tai nghe...
Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo