Phân tích

Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư Mỹ

Thời gian qua nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ tích cực tăng vốn và mở rộng quy mô sản xuất tại VN.

Trong khi đó, các doanh nghiệp VN cũng triển khai nhiều dự án đầu tư các sản phẩm hướng vào thị trường này, đón đầu cơ hội từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 
Nhà đầu tư Mỹ tích cực tăng vốn
 
Theo báo cáo tổng kết 2014 của Bộ Công thương, tổng giá trị xuất khẩu hàng VN vào Mỹ lên tới 28,5 tỉ USD (đạt tốc độ tăng trưởng 19,5%).
 
Trong đó, ngành may mặc đạt kim ngạch lên đến 9,8 tỉ USD, da giày gần 3 tỉ USD, ngành gỗ hơn 2,2 tỉ USD... Ngược lại, trong năm 2014, tổng giá trị nhập khẩu từ Mỹ của VN khoảng 6,2 tỉ USD.
 
Trong khi đó, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến cuối năm 2014, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các doanh nghiệp Mỹ đăng ký tại VN đạt gần 11 tỷ USD, đứng thứ bảy trong 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại VN.
 
“Năm công ty sản xuất lớn đến từ Mỹ đang hoạt động tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) lên kế hoạch tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất mạnh, chưa kể một số nhà đầu tư khác cũng đã lập kế hoạch mở nhà máy sản xuất tại đây sau quá trình đầu tư thăm dò” - một lãnh đạo Ban quản lý SHTP cho biết.
 
Theo vị này, ngoài Tập đoàn Intel, một số doanh nghiệp khác của Mỹ đang hoạt động tại đây như Jabil, Microchip... cũng sẽ tăng vốn đầu tư trong thời gian tới.
 
Trong năm 2014, sau khi nhà máy Intel Products VN tại SHTP giới thiệu CPU Haswell “made in VN” đầu tiên, Tập đoàn Intel đã phát thông cáo cho rằng “sự kiện này đã đưa Intel tại VN lên một nấc thang mới”, đồng thời khẳng định “những CPU đầu tiên được đóng dấu “sản xuất tại VN” đã góp phần chứng minh khả năng của nguồn nhân lực cùng tiềm năng phát triển trong lĩnh vực sản xuất công nghệ tại đây, thu hút sự chú ý và nguồn vốn đầu tư quốc tế...”.
 
Và để chuẩn bị nguồn lực cho mục tiêu mở rộng quy mô đầu tư, trong năm qua Intel VN đã cử 105 kỹ sư VN sang đào tạo tại nhà máy ở Malaysia, cũng như liên kết với các trường đào tạo kỹ thuật trong cả nước để đào tạo nhân lực, bổ sung cho đội ngũ hơn 1.000 nhân viên hiện nay.
 
Công ty Jabil VN (100% vốn Mỹ) - chuyên sản xuất các thiết bị điện tử tại SHTP - cũng đang xây dựng kế hoạch tăng vốn từ 200 triệu USD đầu tư ban đầu lên 1 tỷ USD nhằm mở rộng quy mô sản xuất hiện nay.
 
Cạnh đó, Tập đoàn Microchip (Mỹ) cũng vừa mở rộng văn phòng hoạt động và gia tăng nhân sự lên gấp đôi. Giữa năm 2014, trong chuyến sang thăm VN và làm việc tại SHTP, phó chủ tịch tập đoàn này cũng tuyên bố sẽ xây dựng nhà máy sản xuất chip tại VN.
 
Một người có chức trách của tập đoàn này tại VN cho biết kế hoạch xây nhà máy tại VN đã có nhưng số vốn đầu tư và thời điểm đầu tư vẫn nằm trong vòng bí mật.
 
Ông Herb Cochran, giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại VN (AmCham VN), cho rằng với nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài dẫn đầu thế giới trong nhiều năm qua, Mỹ thừa khả năng trở thành nhà đầu tư số 1 tại VN, nếu VN có đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư Mỹ.
 
“Chúng tôi hợp tác với lãnh đạo và các doanh nghiệp VN nhằm biến VN thành điểm đến đầu tư và kinh doanh tốt nhất khu vực Đông Nam Á và cũng như ngài đại sứ Theodore Osius phát biểu, hi vọng rằng trong tương lai Hoa Kỳ sẽ trở thành nhà đầu tư số 1 tại VN” - ông Herb Cochran cho biết.
 
Doanh nghiệp Việt đón đầu cơ hội
 
“Rất nhiều doanh nghiệp da giày đã chuyển hướng, chọn thị trường Mỹ làm thị trường xuất khẩu nòng cốt của mình, thay cho thị trường EU truyền thống.
 
Một phần là do hấp lực từ TPP, phần còn lại từ xu hướng chuyển dịch đơn đặt hàng của nhà đặt hàng Mỹ từ Trung Quốc chuyển sang VN” - ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày VN (Lefaso), cho biết.
 
Theo ông Kiệt, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày ở riêng thị trường Mỹ trong năm 2014 đã tăng trưởng đến 26,1% so với năm trước, đạt xấp xỉ 3 tỷ USD, là một bằng chứng cho thấy sự chuyển hướng này.
 
Ông Nguyễn Chí Trung, giám đốc Công ty giày Gia Định, cho biết tỉ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ của doanh nghiệp này trong năm 2014 đã tăng xấp xỉ 70% so với mức tăng bình quân 10% của các năm trước.
 
“Chúng tôi đã đầu tư thêm nhà xưởng thứ hai, trị giá khoảng 2,5 triệu USD, sẽ đưa vào hoạt động từ tháng 5-2015 để đón cơ hội tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
 
Chúng tôi kỳ vọng doanh số xuất khẩu sẽ đạt 15-17 triệu USD trong năm nay, trong đó riêng thị trường Mỹ chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu” - ông Trung nói.
 
Việc chuyển hướng mạnh sang thị trường Mỹ, theo ông Trung, nhằm đón đầu hiệu quả mang lại từ TPP. Tuy nhiên, để đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu giày vào thị trường Mỹ, ngoài tuân thủ các quy định nghiêm ngặt liên quan đến việc đảm bảo an toàn môi trường, hóa chất được sử dụng trong sản phẩm (đặc biệt đối với sản phẩm dành cho trẻ em), theo ông Trung, cái khó nhất là phải có vốn, đáp ứng được số lượng đơn đặt hàng rất lớn, quy mô nhà xưởng, lượng công nhân hàng ngàn người trở lên mới tổ chức sản xuất được.
 
Hiện nhà xưởng thứ hai của giày Gia Định vẫn đang được gấp rút hoàn tất, kể cả công tác tuyển dụng thêm 1.000 công nhân cũng đang được rốt ráo thực hiện.
 
Ông Trần Quang Nghị, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex), cũng cho biết mục tiêu đầu tư của Vinatex, đặc biệt là đầu tư nguyên liệu, trong các năm tiếp theo không nằm ngoài xu hướng đón đầu TPP sắp tới.
 
Vinatex đang triển khai hàng loạt dự án với nhiều hạng mục đầu tư kéo dài đến năm 2018, với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 9.000 tỷ đồng.
 
Chỉ tính riêng giai đoạn 2014-2016, có ít nhất bảy dự án đầu tư cho ngành sợi được triển khai với tổng mức đầu tư xấp xỉ 1.300 tỷ đồng.
 
Đầu tư cho dệt nhuộm được tập trung cho hai dự án dệt vải yanrdyed và kaki ở khu vực phía Nam và miền Trung, công suất mỗi loại 10 triệu m/năm, có tổng mức đầu tư khoảng 800 tỉ đồng cũng đang được triển khai thực hiện.
Theo Tuổi Trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo