Việt Nam là nước châu Á ảnh hưởng lớn nhất nếu Anh rời EU
Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) gần như chắc chắn sẽ gây ra những xáo trộn cho châu Âu. Còn ảnh hưởng của nó đối với các nền kinh tế châu Á, bao gồm nền kinh tế lớn nhất khu vực là Trung Quốc, chỉ ở mức độ vừa phải.
Đây là nhận định của Capital Economics, công ty có trụ sở tại London. Công ty này cũng cho rằng việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu chỉ có thể làm giảm tối đa 0,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Á, Bloomberg đưa tin.
Capital Economics đưa ra nhận định dựa trên dự đoán về kịch bản tồi tệ nhất mà Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội quốc gia (NIESR) ở London công bố.
Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội quốc gia ở thành phố London dự đoán kim ngạch nhập khẩu của Anh trên toàn cầu sẽ giảm trong vòng 2 năm tới nếu quốc đảo này tách khỏi Liên minh châu Âu. Ảnh: Independent.
Cũng theo NIESR, việc Anh tách khỏi Liên minh châu Âu sẽ làm giảm 25% kim ngạch nhập khẩu của Anh trên toàn cầu trong vòng 2 năm tới.
Theo Daniel Martin, nhà kinh tế châu Á làm việc cho Capital Economics, kim ngạch xuất khẩu từ các nước châu Á sang Anh hiện nay chỉ chiếm 0,7% GDP của họ. Vì vậy, ngay cả khi kim ngạch nhập khẩu của Anh giảm tới 25%, GDP của các nước châu Á sẽ chỉ giảm dưới mức 0,2%”.
Ông Martin nói rằng chỉ vài nền kinh tế châu Á chịu ảnh hưởng rõ rệt, bao gồm Campuchia, Việt Nam và đặc biệt là Hong Kong, bởi đây là những nền kinh tế có quan hệ thương mại sôi động hơn với Anh.
“Ngoài xuất khẩu hàng hóa, lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ của Hong Kong tới Anh chiếm 2,3% GDP”, Martin nói thêm.
Martin kết luận rằng việc Anh ra khỏi EU sẽ chỉ gây tác động hạn chế tới một châu Á đang phát triển, và nhận định nguy cơ chính đối với khu vực này phát sinh từ các yếu tố khác. Chúng bao gồm khả năng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm mạnh và tình trạng xử lý bừa bãi bong bóng nợ ở một số nước.
Trong một báo cáo riêng rẽ khác, Capital Economics cho rằng hiệu ứng Brexit đối với nền kinh tế lớn nhất khu vực cũng chỉ ở mức thấp tương tự. Theo một thông báo mà Capital Economics công bố ngày 17/6, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tới Anh chỉ tương đương 0,5% GDP của nước này.
Họ cho rằng Trung Quốc cũng đã chuẩn bị cho tình huống bán tháo trên thị trường tài chính sau khi Anh rời khỏi EU. Do phần lớn tài khoản vốn của Trung Quốc thuộc loại tài khoản đóng nên sự liên kết tài chính giữa Trung Quốc và thế giới khá hạn chế.
Trong khi đó, dự trữ ngoại tệ lớn cho phép chính phủ hỗ trợ đồng nhân dân tệ trong tình huống nó chịu áp lực giảm giá”.
Tuy nhiên, một loạt công ty châu Á đã công khai ủng hộ Anh ở lại EU.
Eric Delomier, một chuyên gia đầu tư làm việc tại văn phòng Singapore của tập đoàn Capital nhận định việc Anh rời EU sẽ để lại tác động địa chính trị và thương mại đối với khu vực.
“Hầu hết nước châu Á đều cho rằng việc Anh rời khỏi EU là hành động tiêu cực trên phương diện thương mại. Trong khi đó, Trung Quốc là một trong những nước đầu tư lớn nhất của Anh, và rõ ràng là một phần trong những điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Trung Quốc là họ có thể tiếp cận EU thông qua Anh”.
Cafebiz/Zing.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo