Việt Nam- “mỏ vàng” cho đầu tư
Thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá còn nhiều tiềm năng so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Do vậy, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thu hút sự quan tâm hàng đầu của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã cổ phần hóa được 4.100 DNNN. Trong 2 năm 2014- 2015, sẽ cổ phần hóa 432 DNNN trong đó có: Tập đoàn Dệt may Việt Nam; 3 tổng công ty 91 và 54 tổng công ty 90, ngoài ra là DN thuộc các bộ, ngành, địa phương.
Ông Nguyễn Trọng Dũng- Vụ trưởng Vụ Đổi mới DN (Văn phòng Chính phủ)- cho biết, đến ngày 10/9/2014, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã phê duyệt chuyển thành công ty cổ phần đối với 65 DNNN. Trong đó có Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Vietnam Airlines. Mới đây, Vietnam Airlines vừa được phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa ngày 10/9 vừa qua với vốn điều lệ 14.000 tỷ đồng, nhà nước nắm giữ 75%, bán cho cổ đông chiến lược 20% và bán cho cổ đông khác 5%.
Theo ông Võ Trí Thành- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW- chưa bao giờ ý chí thực hiện cổ phần hóa DNNN của Chính phủ lại rõ ràng như hiện nay. Tuy nhiên, quá trình này còn quá nhiều rào cản và khó khăn như: khó định giá DNNN; vấn đề liên quan tới đất đai, có DN được giao đất, có DN đi thuê…; việc tìm kiếm các đối tác chiến lược cũng không đơn giản; các vấn đề xã hội liên quan đến người lao động, áp lực phải lên sàn niêm yết…
Mặt khác, nhà đầu tư hiện nay đặc biệt quan tâm đến vấn đề xử lý nợ xấu. Theo TS. Trần Du Lịch- Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, tính đến tháng 8, tổng nợ xấu đã xử lý khoảng 210.000 tỷ đồng, còn lại khoảng 161.000 tỷ đồng (bao gồm cả nợ xấu mới phát sinh). Tình hình này tạo ra nhiều cơ hội ở thị trường mua- bán nợ.
Ông Nguyễn Khắc Hải- Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSI- đánh giá, SSI cũng đã nhận được rất nhiều lời đề nghị từ các tổ chức uy tín ở nước ngoài về việc kết hợp với các đối tác Việt Nam mua- bán, đầu tư, giải quyết nợ xấu nhưng vẫn chưa thực hiện được vì vướng mắc cơ chế. Hiện chỉ có Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng, công ty quản lý tài sản của Bộ Tài chính và các công ty xử lý tài sản của các ngân hàng mới được mua- bán nợ.
Các nhà đầu tư tài chính nước ngoài hiện không còn thăm dò, mà đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư trực tiếp vào các lĩnh vực tại Việt Nam.
Ông George Joseph Ghorra- Công ty Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới- chia sẻ, IFC đã đầu tư 6 quỹ khác nhau trong các công ty quản lý tài sản tại Việt Nam, phần lớn đổ vào thị trường tài chính. So với các nước khu vực Đông Nam Á, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có nhiều lợi nhuận.
Bên cạnh đó, cơ hội đầu tư thông qua các phi vụ mua bán sáp nhập (M&A) hoặc vào ngành ngân hàng cũng rất lớn. Ngoài ra, ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ, giáo dục, ngân hàng, thủy điện và năng lượng tái tạo cũng đang mở ra rất nhiều cơ hội lớn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa- Chủ tịch Sài Gòn Co.op- phân tích, ngành bán lẻ hiện đại của Việt Nam có triển vọng tốt dựa trên các yếu tố về dân số, mức gia tăng thu nhập bình quân theo đầu người, tầng lớp trung lưu ngày một đông…
Theo mục tiêu của Bộ Công Thương, đến năm 2020 sẽ nâng tỷ trọng ngành bán lẻ hiện đại từ 22% lên 45% tổng giá trị bán lẻ; có 1.200- 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm. Như vậy, cả nước sẽ cần phát triển thêm 550 siêu thị và 200 trung tâm mới. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Cơ hội đầu tư từ cổ phần hóa DNNN, mua- bán nợ xấu, đầu tư vào ngành tiêu dùng, bán lẻ… là những “điểm nóng” được các chuyên gia và các nhà đầu tư quan tâm.Cơ hội đầu tư từ cổ phần hóa DNNN, mua- bán nợ xấu, đầu tư vào ngành tiêu dùng, bán lẻ… là những “điểm nóng” được các chuyên gia và các nhà đầu tư quan tâm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo