Góc nhìn

Việt Nam nên trở thành “công xưởng” của thế giới?

Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang dần trở thành một “công xưởng” mới của thế giới. Vậy điều này là tích cực hay tiêu cực đối với nền kinh tế VN? DĐDN đã có cuộc trao đổi với TS. Dương Đình Giám - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) xung quanh vấn đề này.

 

 

 

 

TS Dương Đình Giám (Nguồn: Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng)

TS Dương Đình Giám cho rằng, nếu hiểu theo nghĩa công xưởng với những công nghệ thấp thì điều này rõ ràng là không nên, thậm chí là mối nguy hại cho nền kinh tế, bởi trước sau cũng sẽ trở thành bãi thải công nghệ. Nhưng nếu trở thành “công xưởng” theo nghĩa thực hiện sản phẩm ở tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất, từ thấp đến cao, thì đó là điều nên làm…

Nên nhớ, ngay ở khu vực Châu Á, có nhiều nước cũng muốn được trở thành công xưởng của thế giới (sản xuất và cung ứng cho thị trường thế giới nhiều loại sản phẩm khác nhau) nhưng rồi cũng chỉ thành công ở một, hai lĩnh vực, như Đài Loan với công nghiệp linh kiện điện tử, Thái Lan với công nghiệp ôtô, Malaysia với hàng điện tử gia dụng… Còn với trường hợp Trung Quốc thì khác, họ có thể sản xuất nhiều loại sản phẩm với nhiều chất lượng khác nhau để cung cấp cho thị trường thế giới. Trung Quốc được các nhà đầu tư lựa chọn để trở thành “công xưởng” của họ, để rồi hàng hóa từ Trung Quốc tỏa đi khắp nơi trên thế giới, ở mọi phân khúc… Đây là sự thành công của Trung Quốc mà không phải nước nào muốn cũng làm được.

- Vậy Trung Quốc có gì mà thế giới không có, thưa ông?

Theo tôi, có 5 nguyên nhân khiến Trung Quốc thành công trong giai đoạn vừa qua. Thứ nhất, Trung Quốc có chi phí sản xuất thấp. Thứ hai, hệ thống hạ tầng công nghiệp khá hoàn chính, bao gồm đường xá, hạ tầng dịch vụ công nghiệp…; Thứ ba, trình độ lao động hay chất lượng nguồn nhân lực đang ngày càng được nâng lên; Thứ tư, Trung Quốc có đa tầng công nghệ, nên có thể cung ứng hàng hóa đa dạng và ở nhiều cấp chất lượng khác nhau; Thứ năm, thị trường rộng lớn, nhiều đối tượng tiêu dùng. Với dân số hơn 1,3 tỷ người, Trung Quốc có nhu cầu sản phẩm “từ thượng vàng đến hạ cám”. Điều này rất quan trọng, vì trước khi “tung” các sản phẩm ra thị trường bên ngoài, thì các sản phẩm này đã được thử nghiệm ở ngay chính thị trường nội địa.

- Nhưng tại sao gần đây nhà đầu tư vẫn có xu hướng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc, thưa ông?

Điều đó do nhiều nguyên nhân. Trước hết là do chi phí sản xuất tại Trung Quốc đang ngày một tăng cao. Thứ hai có thể là do các vấn đề liên quan đến quan hệ quốc tế, địa – chính trị…

Tuy nhiên, việc VN hay một số quốc gia nào khác trong khu vực có “đón” được dòng đầu tư chuyển dịch này hay không lại là câu chuyện khác. Có khi chúng ta muốn cũng chưa chắc đã được, do chúng ta chưa thể đáp ứng được hết yêu cầu của các nhà đầu tư. Còn nếu bằng mọi giá để “đón” dòng đầu tư này có khi lại thành “lợi bất cập hại” bởi với khả năng hiện tại của DN VN, có thể họ sẽ chỉ dịch chuyển những công nghệ thấp hoặc trung bình.

- Nếu vậy, phải làm sao để biến VN trở thành công xưởng của thế giới theo nghĩa tích cực, thưa ông?

Là phải tiếp nhận được những công nghệ tiên tiến và công nghệ cao. Ví dụ, với 5 tầng công nghệ, nhưng hiện chúng ta chỉ có thể tiếp nhận được 3 tầng, chủ yếu là những công nghệ thấp và trung bình, còn 2 tầng trên “ngon ăn” hơn, tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn, là tầng công nghệ tiến tiến và công nghệ cao, thì lại không tiếp nhận được, nên nhà đầu tư sẽ chuyển sang nước khác.
Đơn cử như dệt may, nếu tiếp cận theo chuỗi giá trị, thì khâu cuối cùng là may lại không phải là khâu có yêu cầu công nghệ cao nhất. Mà các khâu trước đó, như sản xuất nguyên liệu, khâu dệt, nhuộm... hoàn tất đều đòi hỏi công nghệ cao. Nói như thế để thấy, hiện VN tuy xuất khẩu được nhiều sản phẩm dệt may nhưng giá trị gia tăng không cao, do chúng ta chỉ làm được ở khâu có công nghệ thấp nhất trong chuỗi giá trị sản phẩm dệt may. Và nếu điều này cứ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, thì nguy cơ chỉ gia công thuần túy và trở thành công xưởng của thế giới theo nghĩa hẹp là hoàn toàn khó tránh khỏi.

Hiện nay, để đón đầu TPP, nhiều DN nước ngoài đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư dệt may sang VN. Với nguyên tắc tính xuất xứ từ sợi để được hưởng ưu đãi thuế quan, các nhà đầu tư sẽ phải đầu tư để làm các khâu còn lại trong chuỗi dệt may, bao gồm sợi, dệt, nhuộm mà Việt Nam đang thiếu. Nếu các DN trong nước không kịp thời nắm bắt cơ hội mà để các DN FDI chiếm lĩnh thì cuối cùng lợi nhuận lại chảy vào túi nhà đầu tư nước ngoài.

- Cụ thể hơn, VN phải làm gì, thưa ông?

Theo tôi, trước mắt, chúng ta vẫn cứ phải tiếp nhận các khâu có gia trị gia tăng thấp để “lấy ngắn, nuôi dài” tức là để người lao động có việc làm, gắn với lộ trình để năng cao năng lực công nghệ cho DN.

Ví dụ, với Tập đoàn Samsung, một mặt chúng ta vẫn tiếp tục gia công lắp ráp như hiện nay. Nhưng trong danh mục 50 sản phẩm Samsung chào hàng mà hiện chưa có DN Việt Nam nào làm được, theo chúng tôi, các cơ quan quản lý của VN và đại diện Tập đoàn Samsung cùng các DN VN phải trao đổi để phân loại, cái gì các DN VN có thể làm ngay được, cái gì trong 3 năm tới sẽ làm được, cái gì phải sau 5-7 năm hay thậm chí 10 năm nữa mới làm được. Việc phân loại này là nhằm để xác định, lý do chưa làm được là vì năng lực quản trị yếu, hay do năng lực công nghệ thấp.

Với mỗi loại nguyên nhân sẽ có các giải pháp khắc phục khác nhau. Nếu thiếu năng lực quản trị, Nhà nước sẽ trợ giúp thông qua việc đào tạo bồi dưỡng nhân lực, cung cấp thông tin và bản thân DN cũng phải nỗ lực trong việc cải tiến quản lý để có chi phí thấp. Còn nếu thiếu năng lực công nghệ, thì Nhà nước cần có trợ giúp thông qua việc cho vay với lãi suất ưu đãi, để DN có cơ hội tiếp cận với vốn giá rẻ đầu tư nâng cao trình độ công nghệ.

Việc trở thành công xưởng thế giới phải gắn liền với điều kiện là tiếp nhận được những công nghệ tiên tiến và công nghệ cao.

Tuy nhiên, để thành công trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, cần phải có sự nỗ lực từ cả hai phía, Nhà nước và DN. Trước hết, về cơ chế chính sách, do nguồn lực có hạn, Nhà nước cần phải làm rõ, trong giai đoạn này, ngành gì, lĩnh vực nào cần được ưu tiên hỗ trợ. Việc xác định đúng khâu cần hỗ trợ có tính chất quyết định đối với sự thành công của DN. Và cuối cùng là phải lựa chọn đúng những DN có năng lực thực sự để hỗ trợ, không phân biệt đó là DN nhà nước hay tư nhân. Về phía DN, cần phải có quyết tâm cao, có “khát vọng” vươn lên, thì nếu được lựa chọn, họ mới có được bước đi thích hợp để đi tới thành công.- Nhưng việc lựa chọn DN nào để hỗ trợ cũng không phải là vấn đề đơn giản, thưa ông?
Đúng vậy, nhưng không phải là không làm được! Tôi cho rằng, chính các nhà đầu tư sẽ giúp chúng ta lựa chọn, chẳng hạn trong trường hợp Samsung, cả cơ quan quản lý và phía Samsung sẽ kiểm tra và lựa chọn DN nào vào chương trình hỗ trợ. Tôi tin, nhà đầu tư với những kinh nghiệm của mình, hoàn toàn có thể biết DN này đang ở trình độ nào, có khả năng làm được những đơn đặt hàng của họ hay không. Khi đó, nhà đầu tư nước ngoài và các cơ quan quản lý sẽ cùng phối hợp để xây dựng chương trình hỗ trợ DN phù hợp với mục tiêu phát triển của mình.

- Như vậy, rõ ràng đã đến lúc chúng ta phải “mặc cả” với  nhà đầu tư nước ngoài về việc hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cho DN VN khi thỏa thuận ưu đãi cho nhà đầu tư, thưa ông?

Đúng vậy! Vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng, DN ngoại được ưu đãi nhiều hơn DN nội. Tôi cho rằng đó là điều không tránh khỏi trong giai đoạn trước đây, khi chúng ta muốn thu hút nhiều đầu tư nước ngoài. Nhưng giờ đã đến lúc phải thay đổi, với những lĩnh vực không yêu cầu đặc biệt về mặt công nghệ thì, không cần phải ưu đãi gì cả. Còn với các lĩnh vực công nghệ cao mà VN chưa có, thì nên có những ưu đãi mạnh khi thu hút đầu tư, nhưng kèm theo đó là yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài  phải có lộ trình chuyển giao công nghệ, hỗ trợ DN nội địa..., từ đó phát triển lực lượng CNHT của Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

Theo DĐDN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo