Việt Nam nhận "rác" từ Trung Quốc: Sức mấy mà lo?!
Nỗi lo nhập công nghệ lạc hậu là của những năm 80-90. Công nghệ lạc hậu của Trung Quốc đã tuồn sang Việt Nam một cách liên tục từ lâu.
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group trao đổi với phóng viên.
PV: - Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vừa cho biết Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo đó, GDP Trung Quốc tính theo phương pháp ngang giá sức mua (PPP) sẽ đạt 17.600 tỷ USD năm nay, vượt Mỹ với 17.400 tỷ USD. Khoảng cách giữa 2 nước sẽ càng được nới rộng trong năm tới. Dưới góc độ chuyên gia, ông đánh giá như thế nào về khả năng kinh tế Trung Quốc vượt mặt Mỹ?
Ông Nguyễn Trần Bạt: - Sự vượt lên trên nền kinh tế Mỹ về mặt quy mô của nền kinh tế Trung Quốc là một tất yếu, sớm hay muộn điều ấy cũng xảy ra. Không cần phải sốt ruột dùng phương pháp ngang giá sức mua để so sánh. Ngay cả so sánh tuyệt đối thì dần dần cùng với thời gian Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, bởi vì nền kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế của 1,3 tỷ người, còn Mỹ là nền kinh tế của 300 triệu người thôi.
Sự vượt lên ấy không có gì đáng ngạc nhiên và cũng không có gì đáng mừng. Người Trung Quốc không nên mừng về điều ấy. Đấy là chuyện bình thường bởi vì người Mỹ không định thi đua với người Trung Quốc, cho nên các nhà đầu tư Mỹ mới bỏ tiền vào Trung Quốc.
Sự vượt lên trên Mỹ của Trung Quốc về kinh tế được tạo ra bằng đầu tư của Mỹ, có nghĩa là người Mỹ không ngán gì quy mô ấy. Nếu không kiếm được mười đồng trong sự đầu tư vào Trung Quốc thì người Mỹ không bỏ ra một đồng. Người Mỹ không sống bằng sự vượt lên mà bằng sự phát triển tự nhiên của nền kinh tế.
Dù vượt Mỹ về quy mô của kinh tế Trung Quốc là một tất yếu, nhưng để bằng Mỹ về mặt chất lượng, nhất là đầu tư chuyên sâu, thực sự vì đời sống con người thì hàng trăm năm nữa người Trung Quốc cũng chưa làm được như người Mỹ.
PV: - Trong khi đó, hai tập đoàn lớn của Mỹ cũng vừa công bố số tiền đầu tư khủng vào Trung Quốc. Theo đó, nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Intel sẽ đầu tư tới 1,5 tỷ USD cho hai công ty chip Trung Quốc. Còn tập đoàn sản xuất ô tô General Motors (GM) cũng có kế hoạch đầu tư 14 tỷ USD vào Trung Quốc. Việc đầu tư này cũng sẽ giúp Trung Quốc tự chủ được nhiều sản phẩm công nghệ phục vụ thị trường 1,3 tỷ dân. Điều này cho thấy biểu hiện gì của nền kinh tế Trung Quốc, thưa ông?
Ông Nguyễn Trần Bạt: - Tôi không ngạc nhiên khi Intel đầu tư vào Trung Quốc. Intel sản xuất các con chip, nhưng họ sản xuất để bán lại cho các hãng điện tử tiêu dùng khác. Trung Quốc đang phát triển như thế thì đương nhiên họ phải chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho sự lắp ráp. Các con chip là nguyên liệu cơ bản cho tất cả các sự lắp ráp điện tử tiêu dùng. Điều đó cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu tham gia vào thị trường sản xuất các thiết bị có chất lượng cao. Đấy là sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc và đấy là một sự thật.
PV: - Với sự chuyển mình đó, cơ hội phát triển của kinh tế Trung Quốc sẽ được mở ra thế nào? Những lợi thế lâu nay của Trung Quốc (lao động giá rẻ, thị trường siêu rộng lớn) được khai thác ra sao, thưa ông? Ông đánh giá thế nào về bước đi này của Trung Quốc?
Ông Nguyễn Trần Bạt: - Cuối những năm 1980 đầu những năm 1990 tôi đến Mỹ thăm các bang làm công nghiệp như Pennsylvania, tôi nhìn thấy nhiều nhà máy bỏ không. Các quan chức ở đó nói với tôi rằng những vùng ấy là kết quả của sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Vốn đầu tư và công nghệ đã được chuyển dần sang Trung Quốc và làm hoang vắng các vùng công nghiệp của nước Mỹ.
Trung Quốc là một hố đen về mặt kinh tế, nó hút cả thế giới, không ai cưỡng lại được. Đó là sức hút của 1,3 tỷ dân. 1,3 tỷ dân ấy đi từ trạng thái cửu vạn đến công nhân áo xanh và tiếp đến là phát triển thành công nhân cổ cồn. Đó là lộ trình phát triển tất yếu của bất kì một nền kinh tế nào có một chương trình phát triển cụ thể. Trung Quốc là một quốc gia có chương trình phát triển cụ thể, họ sẽ đi đến trạng thái đó.
PV: - Lâu nay Trung Quốc vẫn bị mang tiếng là cái nôi sản xuất ra những sản phẩm kém chất lượng, giá rẻ, công nghệ thấp. Vậy với sự chuyển mình nói trên, Trung Quốc sẽ giải quyết những tồn đọng này thế nào?
Đã có hiện tượng Trung Quốc tuồn công nghệ kém, lạc hậu sang các nước phát triển kém hơn. Để làm được việc này, Trung Quốc đã có chính sách gì và thực hiện ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Trần Bạt: - Chúng ta nói thế cứ như là một bài thơ đang diễn ra ở Trung Quốc, nhưng không phải vậy. Chuyển đổi từ nền kinh tế cửu vạn sang nền kinh tế công nghệ cao là một cuộc chuyển đổi cực kì đau đớn, nó làm giãn khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc. Trung Quốc sẽ phải giải quyết những bài toán cực kì khốc liệt trong quá trình chuyển đổi chất lượng phát triển từ nền kinh tế công nghiệp giá rẻ với lao động giá rẻ sang nền kinh tế công nghiệp chất lượng cao. Đây là một bài toán chính trị- kinh tế- xã hội cực kì phức tạp.
Họ giải bài toán này dần dần và thực tế. Các thiết bị cũ giữ nguyên hay chuyển? Nếu chuyển thì chuyển cho ai? Nếu vẫn tiếp tục sử dụng phương thức ở những năm 80-90 bán cho những quốc gia như Việt Nam thì họ sẽ thấy ngay rằng đó là một hình thức quảng bá tính tiêu cực của Trung Quốc. Cho nên, họ sẽ cho không dưới tất cả các hình thức hữu nghị. Và Việt Nam sẽ rất dễ bị lừa nếu không được thức tỉnh trước. Cũng có thể họ bán được những thiết bị ở qui mô nhỏ với giá rẻ. Khả năng này rất dễ xảy ra ở khu vực tư nhân vì tư nhân mới ham rẻ, còn khu vực nhà nước thì không.
Quy mô sản xuất của doanh nghiệp tư nhân nhỏ, họ sẽ mua những thiết bị, dây chuyền công nghệ nhỏ để sản xuất hàng hóa rẻ tiền. Bởi vì sức mua của thị trường Việt Nam không tăng nhanh, nhu cầu hàng rẻ vẫn còn, mà Trung Quốc không cung cấp hàng rẻ nữa thì nó phải được thay thế bằng khu vực cung cấp hàng rẻ của Việt Nam. Tất cả những chuyện ấy đều có thể diễn để kéo dài sự cung ứng hàng hóa phù hợp với tình trạng tăng trưởng sức mua của xã hội Việt Nam.
Còn doanh nghiệp nhà nước thì đương nhiên không ham hố những công nghệ cũ kỹ, lạc hậu bởi họ có tiền và có “tính chơi sang”. Tính chơi sang công nghệ của các doanh nghiệp nhà nước đang trở thành một nguy cơ đối với đất nước. Nợ công phát triển do tính chơi sang của các doanh nghiệp nhà nước.
Chính vì thế, về chuyện này nếu có gì đáng lo thì phải lo ở khối tư nhân. Vì sự phát triển không phải diễn ra ngay một lúc mà nó bắt đầu bằng các tâm phát triển. Các tâm phát triển mà có chất lượng cao như vậy thì sẽ gây lo ngại cho những khu vực lạc hậu của nền kinh tế Trung Quốc. Khi đó, các khu vực lạc hậu của nền kinh tế Trung Quốc sẽ tìm cách liên minh với nền kinh tế lạc hậu là Việt Nam. Họ sẽ chuyển những công nghệ lạc hậu sang Việt Nam để sản xuất, thậm chí chuyển bằng cách cho không như một sự hợp tác hữu nghị. Bởi vì nhân công Trung Quốc không rẻ nữa trong khi nhân công Việt Nam vẫn tiếp tục rẻ.
PV: - Các nước nhận "rác công nghệ" từ Trung Quốc phải đối mặt với những nguy cơ gì từ công nghệ kém và lạc hậu, đặc biệt là các nước có nền tảng công nghệ thấp lại ở ngay sát Trung Quốc như Việt Nam?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Với tham vọng hiện nay của các tập đoàn nhà nước, Việt Nam không nhập loại công nghệ ấy. Nỗi lo nhập công nghệ lạc hậu là của những năm 80-90. Công nghệ lạc hậu của Trung Quốc đã tuồn sang Việt Nam một cách liên tục từ lâu. Trước khi có những nhà máy xi măng hiện đại, Việt Nam đã phải vất vả đối phó với các địa phương trong việc tiếp quản các nhà máy xi măng lò đứng của Trung Quốc. Tất cả các nhà máy đường của nền công nghiệp hương chấn Trung Quốc đã chuyển vào Việt Nam từ lâu. Tôi đã đến Quảng Ngãi, đã được nghe người ta khoe về những nhà máy đường như vậy vào những năm 1990-1991.
Việt Nam bây giờ chơi sang, nhập những công nghệ tiên tiến của phương Tây. Với một tinh thần như thế này sức mấy mà chúng ta chấp nhận nhập thiết bị Trung Quốc? Nỗi lo ấy là của những người nhận thức lạc hậu về các nguy cơ. Không có nguy cơ ấy!
Chúng ta cần phải học hỏi người Nhật Bản và người Hàn Quốc trong việc tận dụng ưu thế ở cạnh nền kinh tế Trung Quốc. Cần phải khai thác nền kinh tế Trung Quốc như thế nào trong giai đoạn mới là giai đoạn chất lượng của nó.
Trước đây, Việt Nam đã khai thác giai đoạn lạc hậu của Trung Quốc bằng hình thức phi mâu dịch qua biên giới, tạo ra sự giàu có cho khối người ở Việt Nam. Những nhà buôn tư nhân Việt Nam giàu có đều do kết quả của việc buôn bán hàng hóa Trung Quốc. Thậm chí việc buôn bán ấy tạo ra cả những tỷ phú của Việt Nam.
Bây giờ, Việt Nam phải có chính sách như thế nào đó để tận dụng pha thứ hai, pha có chất lượng của nền kinh tế Trung Quốc với tư cách là các lực lượng chính thống.
PV: - Xin cảm ơn ông!
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo