Bất động sản

Việt Nam sẽ xây nhiều đô thị thông minh

Cùng với đô thị xanh, đô thị thông minh đang là một trong những xu thế phát triển của thế giới. Tại Việt Nam, Đà Nẵng và Thái Nguyên là những địa phương đầu tiên khởi động chương trình này.

Đối với một 'đô thị thông minh' thì nền tảng của nó chính là mạng lưới và những thông tin được mạng truyền tải, cho phép tất cả các dịch vụ quan trọng, từ giao thông vận tải, an ninh, tới giải trí, đào tạo, y tế… được kết nối với nhau, trở nên thông minh và thân thiện với môi trường.



Từ năm 2008, Đà Nẵng đã trở thành đô thị đầu tiên hướng tới mô hình 'đô thị thông minh' và kết nối khi bắt đầu nghiên cứu và áp dụng theo mô hình phát triển thành phố kinh tế - sinh thái bền vững (gọi tắt là Eco2Cities), do Ngân hàng Thế giới khởi xướng.

 

Trong đó, có nhiều giải pháp được cung cấp bởi Cisco với việc lấy công nghệ thông tin và truyền thông làm giải pháp nền tảng xuyên suốt.

Đà Nẵng đã triển khai xây dựng chính quyền điện tử để thích ứng với yêu cầu quản lý hiện đại mạng diện rộng, phủ sóng wifi cho tất cả không gian công cộng; xây dựng Trung tâm dữ liệu; gia nhập Liên minh Trung tâm Dữ liệu mở; xây dựng Trung tâm thông tin cộng đồng một kết nối…



Từ hệ thống này, Đà Nẵng sẽ triển khai e-application (ứng dụng điện tử) dành cho người dân của mình để đăng ký kinh doanh, đăng ký xe máy, hay khám chữa bệnh… qua mạng. Tuy đây mới chỉ là cấp độ thấp và chưa được coi là một 'đô thị thông minh' nhưng cũng đã cung cấp những dịch vụ cơ bản cho người dân.

 

Cùng với Đà Nẵng, Thái Nguyên là địa phương thứ 2 tại Việt Nam đang hướng tới xây dựng 'đô thị thông minh'. Tháng 3/2012, Thái Nguyên thí điểm áp dụng xây dựng 'đô thị thông minh' tại dự án Khu đô thị Yên Bình với tổng 3,5 triệu USD (từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc).



Theo Chiến lược quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đến năm 2040, tốc độ đô thị hóa sẽ đạt 50% và tổng diện tích đô thị sẽ tăng gấp 10 lần so với hiện nay với khoảng 20 triệu người sẽ chuyển đến sống tại các thành phố.

 


Vì vậy, việc kết nối hạ tầng công nghệ thông tin với các công trình xây dựng để tạo ra những 'đô thị thông minh' sẽ là xu hướng tương lai với mục tiêu mang lại nhiều hơn nữa giá trị và tính bền vững cho người dân sống tại các thành phố.



Ông Trần Ngọc Chính- Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhận định: Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra với tốc độ cao, chúng ta đang đứng trước một thực tiễn đáng lo ngại về chất lượng cuộc sống ở các đô thị.



Cũng theo ông Chính, sự cạnh tranh đô thị với chất lượng cuộc sống ngày càng cao đòi hỏi chúng ta phải có cái nhìn ở tầm chiến lược về quá trình xây dựng quản lý và phát triển đô thị… và 'đô thị xanh', 'đô thị thông minh' là tầm nhìn chiến lược cho chúng ta trong mục tiêu xây dựng phát triển đô thị.

 

 

Theo Báo Xây dựng

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo