Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ hơn 99% dòng thuế nhập khẩu vào thị trường của nhau
Thông tin này được ông Bruno Angelet – tân Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) cho biết tại cuộc họp báo ngày 30/10 tại TP.HCM thông báo về các thỏa thuận quan trọng giữa Việt Nam và EU.
Ông Bruno Angelet cho biết, đầu tháng 8/2015, EU và Việt Nam đã công bố kết thúc đàm phán, nhưng các nhóm đàm phán vẫn tiếp tục giải quyết những vấn đề kỹ thuật còn lại, đồng thời hoàn thiện văn kiện Hiệp định. Sau khi đã hoàn thiện, Hiệp định cần phải được Quốc hội Việt Nam, Hội đồng và Nghị viện Châu Âu thông qua. Theo đó, Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế nhập khẩu. Đối với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định FTA đã được ký kết cho tới nay.
Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế nhập khẩu
Trong lĩnh vực đầu tư, các cam kết nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn để giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU và cả các đối tác khác vào Việt Nam. Như vậy, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực của Việt Nam.
Đại sứ Bruno Angelet cũng cho biết: Trong nhiệm kỳ của mình, ông sẽ vận động các nước thành viên EU, Hội đồng và Nghị viện Châu Âu thông qua Hiệp định Thương mại tự do Châu Âu – Việt Nam (EVFTA) để hiệp định có hiệu lực trong thời gian sớm nhất. Việc thúc đẩy thương mại và đầu tư là một trong những nhiệm vụ chính của ông trong nhiệm kỳ làm Đại sứ EU.
“Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành văn kiện vào tháng 12/2015 nhân chuyến thăm EU của lãnh đạo Việt Nam. Sau khi văn kiện hoàn thành, hai bên sẽ hoàn thành các bước pháp lý trong hai năm tiếp theo để tiến tới quá trình phê chuẩn và có hiệu lực. Trong thời gian đó, điều quan trọng là các doanh nghiệp hai bên phải hiểu rõ EVFTA là gì và hiểu quyền lợi cũng như nghĩa vụ liên quan khi EVFTA được thực thi. Vì EU không chỉ tập trung vào thương mại, đầu tư mà còn muốn đảm bảo rằng kinh tế tư nhân có thể tồn tại và phát triển tốt sau khi EVFTA có hiệu lực. EU mong muốn các nhà xuất khẩu của Việt Nam sẽ xuất khẩu nhiều hơn sang EU. Vì vậy, EU sẽ có chương trình hỗ trợ kỹ thuật cùng với phía Việt Nam để đảm bảo doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi từ hiệp định này" - Đại sứ Bruno cho biết.
Ngoài ra, các cam kết liên quan đến đầu tư, tự do hóa thương mại dịch vụ, mua sắm của Chính phủ, bảo hộ sở hữu trí tuệ…, cũng sẽ mở ra cơ hội cho cả hai bên tiếp cận thị trường của nhau, đảm bảo lợi ích tổng thể, cân bằng.
Đồng thời, các cam kết này cũng đòi hỏi Việt Nam điều chỉnh một số quy định trong nước có liên quan, nhưng về cơ bản việc điều chỉnh này phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam, nên về lâu dài sẽ mang lại tác động tích cực đến tiến trình cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định liên quan của Việt Nam.
Đại sứ Bruno Angelet khẳng định: “EU có thể trở thành đối tác tốt nhất của Việt Nam trong tương lai vì Việt Nam cũng đang trở thành một trong những nước năng động và thân với EU nhất trong khu vực”, và ông cũng cho biết thêm: “Các xã hội phát triển cao ở EU đã xây dựng một nền kinh tế thị trường với một hợp phần mang tính xã hội mạnh. EU là đầu tàu trong khoa học và sáng tạo, luôn tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi sang một nền kinh tế thông minh. Vì vậy, EU có thể hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như: Các mô hình quản trị và cung cấp dịch vụ tuyệt vời trong lĩnh vực hạ tầng, đào tạo và giáo dục, tư pháp và pháp quyền, y tế, bảo hiểm xã hội và năng lượng bền vững”.
Đại sứ Bruno Angelet đã chính thức nhận nhiệm vụ Trưởng Phái đoàn EU vào ngày 19/10/2015, sau khi ông trình quốc thư lên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ông là người Bỉ và có kinh nghiệm làm việc sâu rộng tại Việt Nam. Ông đã từng làm Đại sứ Bỉ tại Việt Nam (2011-2015) và là Phó trưởng Phái đoàn châu Âu tại Đại sứ quán Bỉ ở Hà Nội (1994-1998). Ông cũng có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các lĩnh vực về châu Âu, và đã từng làm Phó trưởng ban Nội các – Cố vấn về EU của Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ. Trong sự nghiệp của mình, ông đã từng tham gia vào việc phát triển Chính sách ngoại giao Châu Âu, chương trình quản lý khủng hoảng và quốc phòng châu Âu tại Phái đoàn thường trực của Bỉ ở EU và tại Bộ Ngoại giao Bỉ.
Cafef/Diễn đàn doanh nghiệp
End of content
Không có tin nào tiếp theo