Doanh nghiệp

Vietstar nói gì về những “lùm xùm” quanh vụ xin cấp giấy phép hàng không?

Hàng không Việt Nam đang có những bước chuyển mình khi lần lượt ra đời nhiều hãng bay có lợi cho người dân. Tuy nhiên, khi lợi nhuận của một doanh nghiệp nào đó bị ảnh hưởng, cũng là lúc họ tung chiêu với đối thủ của mình. Hãng hàng không non trẻ Vietstar liệu có đang rơi vào hoàn cảnh đó? Báo điện tử congluan.vn đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Trịnh Phương, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar (Vietstar Air) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Ông suy nghĩ thế nào khi thông tin “Từng bị từ chối vì thiếu vốn, Vietstar lại được đề xuất cấp phép hàng không” trên một một số phương tiện thông tin đại chúng thời gian vừa qua?

Tôi phải nói ngay đây là thông tin sai sự thật! thể hiện sự thiếu khách quan, quy chụp, vu khống doanh nghiệp và có dấu hiệu phục vụ cho cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp hàng không. Họ nêu nghi vấn “Bình mới, rượu cũ” trong việc Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar thay thế Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt trong hồ sơ xin Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, được viết với thủ thuật báo chí để dư luận nghi ngờ có điều gì đó khuất tất, mờ ám trong việc thay đổi pháp nhân đứng tên xin Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Việc Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar nộp hồ sơ xin Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo Nghị định 92/NĐ-CP ngày 01/7/2016 (“Nghị định 92”) của Chính phủ thay cho hồ sơ xin Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo Nghị định 30/NĐ-CP ngày 08/4/2013 (“Nghị định 30”) trước đó của Công ty Cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt có lý do chính đáng, công khai, đã được Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar báo cáo, giải trình đầy đủ, thỏa đáng với Cục Hàng không, Bộ Giao thông Vận tải trong hồ sơ, và đã được các cơ quan này chấp thuận.

Hãng hàng không Vietstar Airlines.

Một sự việc nhiều khi được hiểu theo nhiều cách khách nhau, ông có thể khẳng định công ty mình đã làm đúng pháp luật?

Đúng là có thể theo nhiều cách khác nhau, nhưng sự thật có một và chỉ một mà thôi. Sự thật đó phải tuân thủ nghiêm luật pháp và tôi nói thêm là cái tâm, trình độ của người làm báo. Để hiểu rõ về việc này, chúng ta phải có cái nhìn toàn diện và đặt sự việc trong một trình tự thời gian có lớp lang. Không thể bổ ngang rồi phán xét bừa. Trước khi Nghị định 92 được ban hành (vào ngày 01/07/2016), Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) – một thành viên khác của “công ty mẹ” là Công ty TNHH MTV Hàng không Ngôi Sao Việt (Vietstar Aviation), – đã nộp hồ sơ xin Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo Nghị định 30. Hồ sơ của Công ty Cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt đã được Cục Hàng không và Bộ Giao thông Vận tải thẩm định và chấp thuận. Tuy nhiên, khi xem xét hồ sơ này, Bộ Tài chính có quan điểm khác, chưa chấp thuận coi Báo cáo tài chính được kiểm toán của Công ty Cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt là cơ sở xác nhận vốn theo Nghị định 30.

Việc Bộ Tài chính có quan điểm khác có phải là vấn đề hóc búa của doanh nghiệp không? Và liệu đây có phải lý do mà họ gọi Vietstar là “bình mới, rượu cũ”?

Ở đây có một vấn đề mà chúng tôi muốn nói cho thật rõ, không phải là câu chuyện cãi nhau “phải, trái”. Mọi việc phải được nhìn dưới lăng kính luật pháp và xuyên suốt quá trình. Cục Hàng không và Bộ Giao thông Vận tải hoàn toàn không sai khi chấp thuận hồ sơ xin Giấy phép của Công ty Cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt trước đây. Việc đồng ý  coi Báo cáo tài chính được kiểm toán là cơ sở xác nhận vốn cũng đã được các cơ quan này báo cáo với Chính phủ và giải thích với công luận, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, cắt giảm các chi phí không cần thiết. Nhưng Bộ Tài chính vẫn yêu cầu Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt thực hiện việc thể hiện vốn (700 tỷ VND) bằng tiền mặt trên tài khoản phong tỏa ở ngân hàng làm cơ sở cho việc xác nhận vốn xin Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định nêu tại Nghị định 30. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt lại không phải là doanh nghiệp được thành lập mới chỉ để xin Giấy phép kinh doanh hoạt động hàng không, mà là doanh nghiệp hàng không chung đã được thành lập từ tháng 4/2010 và đang có nhiều hoạt động bay hàng không chung, đầu tư các dự án hạ tầng sân bay, bảo dưỡng máy bay… Công ty không thể bố trí một lượng tiền mặt lớn như vậy trên tài khoản phong tỏa của ngân hàng mà không gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh, đầu tư hiện tại. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt có 01 cổ đông quân đội là Công ty sửa chữa máy bay A41 thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, cho nên việc tăng vốn điều lệ của công ty để tạo nguồn vốn bằng tiền mặt trên tài khoản phong tỏa như Bộ Tài chính yêu cầu là không khả thi (do A41 không thể đầu tư tăng vốn theo các cổ đông khác, cũng không chấp nhận giảm tỷ lệ cổ phần của mình). Trong tình hình đó, để thực hiện nghiêm túc yêu cầu về vốn của Bộ Tài chính, “công ty mẹ” là Công ty TNHH MTV Hàng không Ngôi Sao Việt (Vietstar Aviation) đã quyết định thành lập một doanh nghiệp mới là Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar, do “công ty mẹ” sở hữu 100%, để xin Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không thay cho Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (mà “công ty mẹ” chỉ sở hữu 67% nên không thể quyết định mọi việc được). Để thành lập Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar, “công ty mẹ” đã thực hiện việc góp vốn điều lệ 300 tỷ VND bằng tiền mặt vào tài khoản của Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar tại Ngân hàng VPBank. Theo yêu cầu của công ty, VPBank đã thực hiện việc phong tỏa toàn bộ số tiền này trong thời gian công ty xin Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định của Nghị định 92. Cũng cần phải nói thêm rằng, Nghị định 92 thay thế Nghị định 30 từ ngày 01/7/2016 đã chấp nhận Báo cáo tài chính được kiểm toán là cơ sở xác nhận vốn của doanh nghiệp khi xin Giấy phép. Tuy nhiên, chúng tôi quyết định không quay lại với hồ sơ cũ nữa, vì đã thành lập doanh nghiệp mới để thỏa mãn yêu cầu trước đây của Bộ Tài chính để thể hiện sự đàng hoàng, cầu thị của mình.

Vấn đề nguồn vốn là lý do mà doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt. Ông có thể giải thích rõ hơn về việc tăng vốn và điều chỉnh giấy phép của Vietstar?

 

Việc điều chỉnh phạm vi Giấy phép từ “Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không nội địa, quốc tế” thành “Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không nội địa” là  hoàn toàn phù hợp với quy mô vốn 300 tỷ VND mà “công ty mẹ” đã góp vốn thành lập  Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar. Công ty đã điều chỉnh Đề án kinh doanh để phù hợp với phạm vi của Giấy phép mới (trước mắt chỉ kinh doanh vận chuyển hàng hàng nội địa trong thời gian đầu; việc tăng vốn điều lệ và xin bổ sung quyền kinh doanh vận chuyển quốc tế sẽ được thực hiện ở giai đoạn sau).

Như vậy, hồ sơ xin Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar hoàn toàn phù hợp với các quy định của Nghị định 30 và yêu cầu của Bộ Tài chính về vốn. Sau khi hồ sơ của công ty được trình lên Cục Hàng không, Chính phủ đã ban hành Nghị định 92 thay thế Nghị định 30, với nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Hồ sơ xin Giấy phép của Công ty THHH MTV Hàng không Vietstar đã được Cục Hàng không và Bộ GTVT thẩm định kỹ lưỡng và kết luận đáp ứng đầy đủ các quy định của Nghị định 92, trong đó có điều kiện về vốn. Việc Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar thay thế Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt xin Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không là hoàn toàn công khai, minh bạch, đã được giải trình thỏa đáng với các cơ quan quản lý chuyên ngành và được chấp thuận. Toàn bộ bộ hồ sơ xin Giấy phép của công ty đáp ứng đầy đủ các quy định của Nghị định 92, không có bất kỳ một điều gì thiếu rõ ràng, khuất tất như bài nêu trên đã viết. Theo tôi, thông tin trên một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về chúng tôi thời gian qua đã cố tình thông tin không trung thực vụ việc; gây hoang mang trong dư luận, làm cho dư luận không chỉ nghi ngờ công ty, mà còn nghi ngờ cả những cơ quan nhà nước đã làm việc rất công tâm như Cục Hàng không, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Quốc phòng.

Xin cảm ơn ông!

Nên đọc
Thu Phong/ Theo báo Nhà báo và Công luận
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo