Doanh nhân

Vinalines xin bán hàng loạt tàu để cắt lỗ

Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải thông qua chủ trương bán 6 con tàu với giá rẻ trong bối cảnh kinh doanh ngày càng "lún sâu" vào khó khăn.

Trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, Vinalines cho biết dù đã rất nố lực song việc khai thác các tàu nêu trên luôn trong tình trạng thua lỗ kéo dài do chi phí hoạt động (nhất là với các con tàu tuổi cao) lớn, tình trạng kỹ thuật ngày một đi xuống trong khi cước vận tải quá thấp, không thể bù đắp...

Do vậy, doanh nghiệp đã rà soát kỹ lưỡng và lập danh sách các tàu cần xử lý theo lộ trình nhằm nhanh chóng cắt lỗ. Cụ thể, Tổng công ty trình kế hoạch bán 6 tàu với tổng trọng tải gần 250.000 DWT, trong đó 2 con tàu Vinalines Global và Vinalines Trader có trọng tải mỗi chiếc trên dưới 70.000 DWT. Đây đều là tàu chở hàng khô và được xếp vào loại tàu già khi tuổi đời đã lên đến 20 năm. Trong danh sách này có cả tên một trong những chiếc khá mới là Vinalines Ruby (chuyên chở container) được Vinashin đóng vào năm 2012. Còn lại là 3 tàu Fortuna, Ocean và Star.

Theo Vinalines, tàu Fortuna được doanh nghiệp này mua hơn 341 tỷ đồng, nay dự kiến bán là hơn 34,8 tỷ đồng; tàu Vinalines Star được mua với giá gần 378 tỷ đồng, nay bán 34,4 tỷ đồng; tàu Vinalines Ocean có giá mua hơn 376 tỷ đồng và mức bán thanh lý dự kiến là 34,4 tỷ đồng…

Tàu Vinalines Global

Tàu Vinalines Global nằm trong danh sách được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đang đề xuất bán. 

Vinalines cũng trình bày các lý do thanh lý tàu dựa trên sự tính toán và cân nhắc kỹ. Cụ thể, theo tổng công ty, do khủng hoảng kinh tế nên mức cước vận tải giảm sâu kể từ cuối năm 2008 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi và tiếp tục phá đáy. Do đó, kết quả kinh doanh tàu hàng khô liên tục thua lỗ, dòng tiền âm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của Tổng công ty. 

Hơn nữa, theo Vinalines, các tàu hàng khô nói trên đều trên 20 tuổi - độ tuổi được xác định là "già" để khai thác. Khi nguồn hàng khan hiếm, cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì những tàu già thường không có người thuê, việc neo chờ hàng dẫn đến tổn thất về doanh thu hoặc bị ép giá, bị tính thêm phí tàu già. Nếu tiếp tục khai thác trong tình trạng thị trường hiện tại và dự báo không có sự tăng trưởng đột biến trong vòng 3 năm tiếp theo, kết quả kinh doanh sẽ sớm lỗ, không trả được nợ gốc và lãi vay mua tàu. 

Ngoài ra, cũng theo Vinalines, các tàu hiện đã xuống cấp về tình trạng kỹ thuật dẫn đến chi phí sửa chữa, bảo dướng để duy trì tàu đảm bảo các tiêu chuẩn yêu cầu của đăng kiểm cũng như vượt qua các kỳ kiểm tra của đơn vị bảo hiểm, chính quyền cảng sẽ rất cao, phụ tùng vật tư khó mua, giá đắt... làm hiệu quả khai thác thấp.

Kết quả kinh doanh các tàu hàng khô như Vinalines Global, Trader, Star, Ocean, Fortuna liên tục bị lỗ, dòng tiền âm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của Tông công ty. 

Việc khai thác tàu container của đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn. Tàu container Vinalines Ruby có mớn nước lớn nên không thể khai thác trên các tuyến nội địa, phương án tối ưu là cho thuê định hạn. Tuy nhiên, các chỉ số thuê tàu container cũng giảm mạnh, thị trường tiếp tục mất cân bằng. Trong tháng 5 vừa qua, Vinalines Ruby đang được cho thuê ở mức 6.550 USD mỗi ngày, giảm 42% so với giá cước theo hợp đồng cho thuê định hạn giai đoạn từ tháng 8/2015 đến 1/2016. Với chi phí vốn quá lớn dẫn đến kết quả kinh doanh trong 3 năm gần đây tàu Ruby bị lỗ, mức lỗ lũy kế 123,6 tỷ đồng. Kết quả lỗ lũy kế này gần tương đương với số tiền khấu hao lũy kế, nếu kéo dài khai thác sẽ không bảo toàn vốn. 

Vinalines cho biết, Tổng công ty dự kiến tiến hành bán tàu trong danh sách nêu trên nhằm cắt lỗ, giảm thiệt hại và áp lực tài chính, cải thiện nguồn vốn và tạo điều kiện cho việc tập trung dòng tiền để khai thác các tàu trẻ hơn, giúp kết quả kinh doanh chung khả quan hơn. Trong báo cáo, lãnh đạo Vinalines nhiều lần nhấn mạnh về tình trạng "lún sâu" vào khó khăn của Tổng công ty nếu tiếp tục duy trì kinh doanh với số tàu này. 

Lãnh đạo Vinalines cũng nhận định, đội tàu được đầu tư nóng trong giai đoạn vận tải biển ở thời kỳ vàng son vào những năm 2006 - 2008Chỉ số tàu hàng khô thời kỳ này lên tới 11.730 điểm nhưng sau đó tụt giảm không phanh trong 7 năm liên tiếp tới 80-90%, thậm chí có lúc chạm đáy 290 điểm, tức sụt giảm 98%. Do vậy, Vinalines nói rằng không chỉ riêng doanh nghiệp mà các hãng tàu nội địa và nhiều ông lớn khác trên thế giới cũng ở bên bờ vực phá sản, dừng hoạt động đạt mức kỷ lục.

"Sự sụt giảm này kéo dài trong suốt thời gian gần 7 năm qua khiến nhiều hãng tàu trong nước và trên thế giới đứng bên bờ vực sụp đổ hoặc phá sản, đội tàu bị dừng hoạt động đạt mức kỷ lục. Những năm trở lại đây, đặc biệt năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, hoạt động kinh doanh vận tải biển ngày càng khó khăn do giá cước giảm mạnh trên cả 3 thị trường hàng khô, tàu container và tàu dầu. Các đơn vị hoạt động lĩnh vực vận tải biển đã và đang trải qua thời ký khó chưa từng có trong lịch sử ngành hàng hải Việt Nam và thế giới", Vinalines nhận định. 

Hiện Vinalines vẫn đang trong giai đoạn rất khó khăn. Năm 2015, doanh thu của Vinalines đạt hơn 18.400 tỷ đồng hầu như không tăng, nhưng lỗ đã giảm mạnh nhờ việc tái cơ cấu đội tàu, cắt giảm chi phí. Tổng công ty đạt lợi nhuận hợp nhất khoảng 40 tỷ đồng. Trong quý I vừa qua, tổng doanh thu khoảng 3.250 tỷ đồng, bằng 17% so với kế hoạch năm 2016.

Ngọc Tuyên - Đoàn Loan/Vnexpress

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo