VN dẫn đầu ASEAN xuất khẩu vào Mỹ:Chỉ là xuất khẩu 'hộ'?
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam trao đổi với PV trước thông tin Việt Nam dẫn đầu ASEAN xuất khẩu vào Mỹ.
PV: - Việt Nam vừa đón nhận tin vui khi Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam dự báo xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ trong năm nay đạt khoảng 29,4 tỉ USD, lần đầu tiên đứng đầu ASEAN về xuất khẩu vào thị trường này. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong các năm tới và đến năm 2020 Việt Nam sẽ bỏ xa các nước còn lại trong khu vực.
Ông đón nhận tin vui này với tâm thế thế nào? Nếu dự báo này thành hiện thực, Mỹ sẽ là thị trường xuất khẩu lớn thứ bao nhiêu của Việt Nam?
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái: - Tin này mang lại niềm vui và cả nỗi lo. Vui vì sau gần 15 năm ký BTA với Hoa Kỳ, nay thương mại Việt Nam đang có chuyển động mới khi xuất khẩu được đẩy mạnh, chiếm vị trí hàng đầu khu vực và còn có thời cơ phát triển với chất lượng mới.
Lo là liệu Việt Nam có tận dụng được thời cơ mới, nhất là sau khi ký TPP có đẩy mạnh hợp tác toàn diện hai nước hay không. Trước mắt nỗi lo là về chất lượng của xuất khẩu. Tuy giá trị xuất khẩu lớn, nhưng giá trị gia tăng được tạo ra ở nước ta chỉ 10-20% , cũng có nghĩa là Việt Nam đang xuất khẩu “hộ” 80% giá trị cho nước khác vào Hoa Kỳ (!).
Do đó, cần tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp nước nhà nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, cả từ khâu trước sản xuất công nghiệp (nghiên cứu, thiết kế, tìm hiểu thị trường,…) đến sau sản xuất công nghiệp (kho bãi, vận tải, hậu mãi, mẫu mã, sở hữu trí tuệ, tài chính, bảo hiểm…) mà các khâu trước và sau sản xuất công nghiệp hay sản xuất nông sản mới mang lại giá trị cao.
Còn đó vấn đề dịch vụ, thu hút khách du lịch đến và quay lại… cũng còn có vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực có chất lượng, hiểu biết sâu sắc hơn về các quy định và thói quen tiêu dùng của thị trường Hoa Kỳ (với đầu óc thực dụng và luật lệ chặt chẽ, đa dạng), biết làm chủ thiết bị, công nghệ để làm cho sản phẩm Việt Nam không chỉ rẻ, phát huy lợi thế vùng nhiệt đới, mà còn có chất lượng cao, hợp với thị hiếu thị trường đa dạng của Hoa Kỳ.
Đây là con đường dài. Chúng ta đừng nên quá bốc đồng trước những phỏng đoán của một vài nhà tư vấn quốc tế hay ngay cả người Việt ở trong và ngoài nước. Phải biết tự kiềm chế, nén “cái sự sung sướng” tầm thường để vươn lên không ngừng.
Kinh nghiệm sau ký WTO, từ sau 2007 Việt Nam tuy có đẩy mạnh được thương mại, nhưng chưa tận dụng nhiều thời cơ này cho thấy, thời cơ cũng chỉ là một dạng “tiềm năng” cho phát triển. Vấn đề là tận dụng được tiềm năng này để vươn lên trong mọi tình huống. Tôi tin tưởng vào sự sáng tạo của con người và doanh nhân Việt.
PV: - Cũng theo công bố của AmCham, xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ lớn nhất là dệt may – da giầy, thủy sản, đồ mỹ nghệ, quả thanh long…, trong đó dệt may có tốc độ tăng trưởng vào Mỹ mạnh mẽ nhất.
Ông có thể cho biết, có bao nhiêu % sản phẩm dệt may nhập khẩu sang Mỹ từ các công ty 100% vốn Việt Nam hay các công ty liên doanh mà phía Việt Nam là nhà đầu tư chính, bao nhiêu % là từ doanh nghiệp FDI đóng tại Việt Nam?
Ngay trong trường hợp thứ nhất, Việt Nam nhận được về bao nhiêu khi đầu vào của dệt may lại nhập chủ yếu từ Trung Quốc, thậm chí ngày càng tăng?
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái: - Việt Nam đang tiến nhanh trong thương mại với Hoa Kỳ. Và một khi ký xong TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội to lớn để vượt lên trong hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Vấn đề là chúng ta tổ chức bên trong Việt Nam như thế nào để tận dụng được cơ hội này.
Nếu TPP chẳng hạn có quy định về xuất sứ của sợi, thì ngay từ lúc này, vấn đề sợi cần được xử lý với phương thức đa dạng, trong đó có gắn kết với thị trường hơn 1 tỷ dân của Ấn Độ là hướng đi đúng. Ấn Độ trên nền tảng tiếng Anh, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia Ấn Độ đang làm việc với Hoa Kỳ và tại Hoa Kỳ, chính Phủ Ấn Độ lại có quan hệ mạnh mẽ với Hoa Kỳ, nên hợp tác cùng Ấn Độ, các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi và hợp tác cùng có lợi.
Trường hợp, đẩy mạnh hợp tác và chuyển giao công nghệ với Nhật Bản, Hàn Quốc…. cũng là hướng cần đẩy mạnh trong tương lai…. Những doanh nghiệp công nghệ cao từ Nhật Bản, Hàn Quốc đang vào Việt Nam cho thấy nhiều tín hiệu tích cực cho kinh tế Việt Nam, không chỉ gia công lắp ráp, mà có cả chuyển giao công nghệ, xây dựng các phòng thí nghiệm R&D mạnh và các hợp tác khác.
PV: - Tương tự, đối với ngành thủy sản, Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên các sản phẩm thủy sản của Việt Nam khi vào thị trường Mỹ lại thường xuyên vấp phải việc bị kiện chống bán phá giá, nghĩa là bán với giá rất rẻ. Điều này có nghĩa nếu có tăng trưởng dường như chỉ có tăng về số lượng chứ không tăng về chất lượng và giá trị gia tăng.
Nếu tiếp tục theo cách này thì cái Việt Nam nhận về sẽ là gì và đó có phải là cách phát triển lâu dài và bền vững hay không?
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái: - Không những với thủy sản, mà dệt may, hoa quả, … cũng đều đòi hỏi có cách tham gia thị trường Hoa Kỳ một cách bài bản hơn.
Trước hết, ta phải hiểu rõ thị trường rộng lớn hơn 300 triệu người tiêu dùng này cần gì, với các quy định pháp luật rất chặt chẽ và khá đa dạng, trong đó có vai trò khác nhau của các bang, của các hiệp hội… Nếu ta không hiểu đối tác thì làm sao làm ăn buôn bán tốt được. Hơn 2 triệu người Việt Nam ở Hoa Kỳ chính là nguồn thông tin vô tận và trực tiếp có thể cùng các người bạn thân hữu từ Hoa Kỳ giúp ích tốt cho sự hội nhập của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ, cả về xuất và nhập khẩu, hợp tác đầu tư, KHCN, giáo dục,…
Sau đó, ta cũng phải biết trong sân chơi cạnh tranh gay gắt, ta có thể và nên chọn hợp tác thương mại, đầu tư vào Hoa Kỳ thế nào cho tốt nhất. Triển vọng phát triển thương mại Việt – Mỹ lên hàng đầu sau BTA cho ta thấy triển vọng, sau TPP hợp tác thương mạivà nhiều mặt giữa hai nước sẽ mở ra, tiến tới đối tác chiến lược có tiềm năng to lớn nhất thế giới. Đây là con đường đi thẳng vào hiện đại hóa, và Việt Nam có thể tiến nhanh là một khả năng hiện thực.
Vấn đề là phải chủ động nắm thời cơ và chủ động vượt lên, với ý chí độc lập tự chủ, ý chí dám vượt lên cùng thời đại, từng bước sánh vai cùng các cường quốc năm châu trên địa bàn có ý nghĩa chiến lược này…
PV: - Liệu ông có thể đánh giá, thông tin trên sẽ mở ra cơ hội gì cho kinh tế Việt Nam khi vấn đề đa dạng hóa thị trường, giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường, cụ thể là Trung Quốc đang được đặt ra cấp thiết?
Nếu muốn tận dụng cơ hội này để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc, Việt Nam cần phải làm gì, thưa ông?
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái: - Tôi cho rằng, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong hội nhập, thì trước hết đó là độc lập, tự chủ về đường lối, chính sách, chủ động tham gia thỏa thuận luật chơi trong điều kiện hội nhập toàn cầu. Trên cơ sở đó, cần phát triển kinh tế để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.
Một trong những chỉ dấu của nền kinh tế phát triển năng động như vậy là tạo thế “tùy thuộc lẫn nhau”, không bị lệ thuộc vào bất kỳ đối tác nào, dù đó là Trung Quốc, Hàn Quốc hay Hoa Kỳ. Như vậy, Việt Nam phải thực hiện chính sách đa phương, đa dạng, từ đó làm nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, nhưng đa dạng, không lệ thuộc.
Về quan hệ với Trung Quốc, tôi cho rằng, Trung Quốc là nước láng giềng lớn mạnh, có tiềm lực kinh tế phát triển mạnh mẽ, không chỉ đứng đầu khu vực mà còn đang thách đố cả các cường quốc khác trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ. Do đó, quan hệ kinh tế với Trung Quốc, kể cả với các khu vực có công nghệ rất cao (thường ở miền Đông) và cả khu vực có nhu cầu tiêu dùng lớn, điều kiện sống còn thấp và có nhiều điểm giống ta (chủ yếu ở miền Tây) là việc làm đúng đắn.
Việc có một ngành, lĩnh vực lệ thuộc nặng nề vào nhập khẩu nguyên liệu, giống… từ Trung Quốc chủ yếu ta cần “tự trách mình” (tiên trách kỷ, hậu trách nhân), thiếu đôn đốc kiểm tra, thiếu mở ra quan hệ đa phương, đa dạng như đã có chủ trương của Đảng và Nhà nước ta. Từ quan hệ láng giềng hữu nghị, Việt Nam có thể đẩy mạnh giao thương và hợp tác nhiều mặt với Trung Quốc. Đồng thời, do Việt Nam có quan hệ đa dạng với thế giới nên việc giao thương với Trung Quốc có ý nghĩa bổ sung cho nhau trên nhiều lĩnh vực, mà không chỉ là toàn học phải theo, đi theo sau, làm theo các điển hình, cả tốt và chưa tốt.
Những năm đổi mới đã cho thấy, có lĩnh vực, ngay như chính sách tài chính tiền tệ Việt Nam (trước 1994 chẳng hạn) cũng có lúc có bước đi nhanh hơn Trung Quốc, khi ta độc lập trong tư duy phát triển. Khi độc lập suy nghĩ, tìm ra đột phá trong thế giới hội nhập thế hệ mới (toàn diện hơn, hội nhập cả bên trong) thì chúng ta có cơ hội phát triển vượt lên. Kinh nghiệm đẩy mạnh giao thương với Ấn Độ ngay trong lĩnh vực dệt may, da giầy, vũ khí… hiện nay đã là những ví dụ tốt để nhiều ngành và lĩnh vực có thể học làm theo, có kết quả tích cực.
Hiện nay, Việt Nam cũng tham gia đàm phán thỏa thuận TPP cùng Nhóm 12 nước (không có Trung Quốc), chuẩn bị ký Khu vực mậu dịch tự do FTA với EU, Hàn Quốc, Nga và Nhóm Á-Âu,… cho thấy, đường lối độc lập tự chủ của Việt Nam đang được triển khai rất có kết quả. Tôi tin tưởng ở tương lai hội nhập thành công.
PV: - Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
End of content
Không có tin nào tiếp theo