VN nhận 'rác' từ TQ: Trình độ kém hay lợi ích nhóm?
Rất nhiều nước, trong đó có Việt Nam, mua công nghệ thấp, lạc hậu của Trung Quốc vì ham rẻ, vì phù hợp với trình độ, khả năng tài chính.
PGS Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc cho biết như vậy.
PV:- Nhà sản xuất thiết bị bán dẫn của Mỹ, Tập đoàn Intel, vừa công bố sẽ đầu tư tới 1,5 tỷ USD cho hai công ty chip Trung Quốc. Việc đầu tư này cũng sẽ giúp Trung Quốc tự chủ được nhiều sản phẩm công nghệ phục vụ thị trường 1,3 tỷ dân. Điều này cho thấy biểu hiện gì của nền kinh tế Trung Quốc, thưa ông?
PGS Nguyễn Huy Quý: - Việc chuyển đổi công nghệ từ chiều rộng sang chiều sâu, từ lượng sang chất là quy luật tất yếu của phát triển kinh tế. Giả sử trước đây, 20 vạn công nhân Trung Quốc sản xuất hàng triệu đôi giày khi xuất khẩu chỉ bằng giá mua 1 máy bay Boeing của Mỹ, tức công nghệ thấp thì giá trị gia tăng không bao nhiêu.
Trước đây, trình độ công nghệ của Trung Quốc còn thấp, họ phải dựa vào lao động giá rẻ, thị trường rộng lớn để phát triển kinh tế nhưng cứ như thế mãi thì không cạnh tranh được bởi vì bây giờ hàm lượng công nghệ sẽ quyết định giá trị sản phẩm. Vì thế, đã đến lúc Trung Quốc cần chuyển từ nền công nghiệp giá trị gia tăng thấp sang nền công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao để tạo ra giá trị gia tăng cao. Đó là xu thế tất yếu.
PV: - Với sự chuyển mình đó, cơ hội phát triển của kinh tế Trung Quốc sẽ được mở ra thế nào? Những lợi thế lâu nay của Trung Quốc (lao động giá rẻ, thị trường siêu rộng lớn) được khai thác ra sao, thưa ông?
PGS Nguyễn Huy Quý: - Trung Quốc phải cải tổ, đổi mới nền kinh tế, họ có điều kiện về tài chính, trình độ kỹ thuật nhưng trong quá trình ấy, họ phải gặp một số khó khăn sau:
Thứ nhất, bây giờ sản xuất điện thoại di động thông minh hay là máy phát điện từ ánh sáng mặt trời có thể làm ra giá trị đủ để mua một chiếc Boeing nhưng công việc ấy không cần tới 20 vạn công nhân mà chỉ cần 1 vạn công nhân là đủ, vậy số lao động dư thừa ra sẽ giải quyết thế nào?
Cải cách cơ cấu kinh tế phải giảm thiểu lao động, tức là giảm chi phí của sản phẩm, tiền lương trả cho lao động ít đi, có lợi cho sản xuất, có lợi cho việc gia tăng giá trị của sản phẩm. Tuy nhiên, một loạt người lao động sẽ thất nghiệp. Trung Quốc chuyển đổi nền kinh tế phải kết hợp với việc đảm bảo việc làm, an sinh xã hội. Đó là một khó khăn.
Thứ hai, yêu cầu chuyển đổi sang công nghiệp hiện đại là cần thiết nhưng trình độ khoa học của Trung Quốc dù tiến bộ rất nhiều nhưng vẫn thấp hơn, sức cạnh tranh kém hơn các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ... Vì thế, quá trình chuyển đổi phải dần dần và gặp nhiều khó khăn.
PV: - Lâu nay Trung Quốc vẫn bị mang tiếng là cái nôi sản xuất ra những sản phẩm kém chất lượng, giá rẻ, công nghệ thấp. Vậy với sự chuyển mình nói trên, Trung Quốc sẽ giải quyết những tồn đọng này thế nào?
Đã có hiện tượng Trung Quốc tuồn công nghệ kém, lạc hậu sang các nước phát triển kém hơn. Để làm được việc này, Trung Quốc đã có chính sách gì và thực hiện ra sao, thưa ông? Là một chuyên gia, ông đánh giá như thế nào về bước đi của Trung Quốc?
PGS Nguyễn Huy Quý: - Bản thân Trung Quốc phải thay đổi, nếu không xuất đi được thì phải hủy thôi. Trung Quốc một mặt đổi mới thiết bị, mặt khác phải bảo đảm công ăn việc làm. Một số nhà máy vẫn phải giữ lại công nhân dù năng suất thấp trong khi họ chưa có việc làm. Với những công nghệ thấp, nếu Trung Quốc chuyển giao được ra nước ngoài thì chuyển, còn không họ sẽ phải hủy.
Có nhiều con đường để Trung Quốc đẩy công nghệ thấp, lạc hậu ra nước ngoài. Họ có thể đẩy thông qua viện trợ ODA, trong đó bắt buộc nước nhận viện trợ phải sử dụng thiết bị, nhân lực của họ. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần, chủ yếu Trung Quốc đẩy công nghệ thấp đi qua con đường thương mại, tức qua mua bán. Họ xuất khẩu máy móc với giá rẻ, thậm chí nhiều công ty Trung Quốc không ngại hối lộ để bán cho được hàng kém chất lượng.
Trung Quốc làm việc này ở tất cả các khu vực, ở các nước đang phát triển có thị trường chưa ăn nhập với thị trường phương Tây, như Việt Nam chẳng hạn. Việt Nam trước đây chưa mở rộng quan hệ với các nước phát triển, kinh nghiệm quản lý yếu nên muốn nhập những công nghệ thấp giá rẻ.
Trung Quốc trong quá trình hiện đại hóa tất yếu phải chuyển giao công nghệ, cải cách cơ cấu kinh tế. Nhưng tiến trình đó không thể nhanh chóng được bởi vướng gánh nặng lao động, kỹ thuật, đặc biệt là vướng lợi ích nhóm. Đổi mới công nghệ có lợi cho đất nước, cho nền kinh tế nhưng với nhiều người thì chưa chắc.
Đối với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước hay những người nắm giữ cổ phần trong các công ty tư nhân, công ty nếu cứ giữ nguyên cái cũ sẽ có lợi cho họ hơn bởi đổi mới thì phải bán công nghệ cũ với giá rẻ và luôn có nguy cơ không bán được, trong khi đó, nếu nhập công nghệ mới về sẽ phải bỏ ra rất nhiều tiền, lợi ích của họ sẽ bị ảnh hưởng.
Bởi thế, đổi mới công nghệ luôn phải gắn với đấu tranh chống tham nhũng. Trung Quốc đang làm như vậy, để phát triển các ngành công nghiệp, họ đã phải đánh đổ các "lô cốt quyền lực", những người có địa vị chính trị đồng thời cũng là những ông trùm tham nhũng, đứng đầu các ngành kinh tế.
PV: - Các nước nhận rác công nghệ từ Trung Quốc phải đối mặt với những nguy cơ gì từ công nghệ kém và lạc hậu, đặc biệt là các nước có nền tảng công nghệ thấp lại ở ngay sát Trung Quốc như Việt Nam?
PGS Nguyễn Huy Quý: - Rất nhiều nước, trong đó có Việt Nam, mua công nghệ thấp, lạc hậu của Trung Quốc vì ham rẻ, vì nó phù hợp với khả năng tài chính, trình độ của người lao động. Tuy nhiên, đó chỉ là cái lợi trước mắt còn về lâu dài rất nguy hiểm bởi nó tác động đến quá trình hiện đại hóa của nền công nghiệp.
Việt Nam từng nhập rất nhiều dây chuyền xi măng lò đứng của Trung Quốc vì công nghệ thấp, giá thành rẻ, kỹ thuật lao động giản đơn. Nhưng một thời gian sau, công nghệ này đã cho thấy sự lạc hậu, sử dụng nhiều lao động, tiêu hao nhiều nhiên liệu, chất lượng sản phẩm thấp. Việt Nam buộc phải loại bỏ công nghệ này và chuyển sang công nghệ hiện đại hơn.
Việt Nam thừa hiểu được điều này nhưng vì ham rẻ, vì cái lợi trước mắt mà nhập về. Một loạt thiết bị công nghệ thấp được nhập về Việt Nam không phải do kỹ thuật hay trình độ của ta kém, họ không phải không biết mà là do tham nhũng.
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp rồi cán bộ nhiều địa phương thông đồng với bên xuất khẩu của Trung Quốc, nhập công nghệ thấp về để được hối lộ, lại quả. Bài học Vinashin, Vinalines nhập hàng loạt tàu biển đã qua sử dụng của Trung Quốc và các nước khác vẫn còn đó, hay các lô thiết bị y tế công nghệ thấp, đã qua sử dụng được nhập về Việt Nam thời gian qua... đó là gian lận trong nhập khẩu.
Bởi thế, trong quá trình hiện đại hóa nền kinh tế, để tránh việc Việt Nam trở thành bãi rác công nghiệp phải xem xét ở hai phương diện. Thứ nhất, về mặt kỹ thuật phải tinh thông trình độ công nghệ mới, phải lựa chọn những công nghệ hiện đại, chấp nhận mất nhiều tiền hơn nhưng được lợi về lâu dài. Thứ hai, về mặt quản lý, phải tăng cường chống tham nhũng trong quá trình nhập khẩu công nghệ.
Việt Nam đã nêu rõ phải tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Như vậy Việt Nam đã quyết tâm vượt qua rào chắn kỹ thuật cũ để đổi mới. Chúng ta cũng đã tiến hành rà soát lại các tổng công ty nhà nước, đẩy mạnh chống tham nhũng. Những trường hợp làm ăn gian dối, nhập rác công nghệ vào trong nước như Vinalines, Vinashin đã bị xử lý nhưng hệ quả nó để lại vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Những cái làm được đó mới chỉ là bắt đầu, đây là cả một quá trình khó khăn và lâu dài.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo