Vốn cho vay không thiếu nhưng doanh nghiệp tiếp cận rất ít
PV: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ được đánh giá là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, song nhiều đại diện doanh nghiệp có ý kiến cho rằng việc tiếp cận nguồn vốn lại rất khó khăn bởi thủ tục vay vốn phức tạp và nhiều khó khăn. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
ĐBQH Nguyễn Văn Thân: Hiện nguồn vốn cho đổi mới sáng tạo khoảng 2000 tỉ nhưng cho vay được rất ít. Ngân hàng BIDV cũng đã ký với Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cung cấp vốn 10.000 tỉ với lãi suất ưu đãi, cộng với nguồn vốn để ưu tiên doanh nghiệp xuất khẩu. Đó là nguồn vốn dành cho hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chúng tôi đã đề nghị các doanh nghiệp đến với Hiệp hội để được hỗ trợ về thủ tục, pháp lý nhằm tiếp cận nguồn vốn vay, thế nhưng lực lượng doanh nghiệp tiếp cận còn ít. Ở đâu cũng nói thiếu vốn nhưng mức độ tha thiết đi tìm nguồn vốn lại chưa nhiều. Vẫn biết là có những khó khăn nên chúng ta đã có nhiều cách tháo gỡ như: giảm lãi suất, giảm thủ tục hành chính cho vay. Cả ngân hàng và Nghị quyết của Chính phủ đều đã có rồi.
Thế nhưng doanh nghiệp phải có dự án. Vì doanh nghiệp nhỏ và vừa khi làm các thủ tục như luận chứng kinh tế, các thủ tục khác thì rất yếu, nhưng bù lại đã có sự hỗ trợ, tuy vậy người đến không nhiều nên vốn có nhưng không nhiều người vay và vay được. Bây giờ để cho vay được chỉ có thể hỗ trợ để doanh nghiệp đủ điều kiện vay. Ngoài điều kiện đương nhiên về tài sản thế chấp thì chúng tôi có thể tư vấn về thủ tục để giúp doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thiện điều kiện vay vốn.
PV: Vấn đề nhân lực lao động chất lượng cao hiện đang là bài toán chưa có lời giải. Theo ông, cần phải làm thế nào để nâng cao chất lượng lao động như hiện nay?
ĐBQH Nguyễn Văn Thân: Thực tế mà nói, hiện lực lượng lao động có kỹ năng tốt rất ít. Ngay kể cả lực lượng lãnh đạo doanh nghiệp được đào tạo cũng rất ít. Thậm chí khi mở lớp huấn luyện đào tạo, được hỗ trợ một phần kinh phí nhưng không ai chịu đến. Ngay cả các lãnh đạo doanh nghiệp cần phải có thích thú với việc học tập, trao đổi kinh nghiệm mới có thể nâng cao năng lực quản lý. Hiệp hội đi vận động lãnh đạo doanh nghiệp tham gia rất nhiều nhưng người tham gia lại rất ít, thế thì làm sao nâng cao chất lượng quản lý được. Khi lãnh đạo tư duy như vậy thì khó mà đòi hỏi lao động nghiệp vụ có tay nghề tốt.
Theo tôi, để giải quyết được vấn đề này, ngoài việc vận động thì phải đưa ra các điều kiện đối với các doanh nghiệp. Ví dụ như khi thành lập công ty, lãnh đạo phải đảm bảo những điều kiện tối thiểu nào, chứ không phải cứ có tiền là có thể làm giám đốc, chủ tịch công ty. Chẳng hạn như điều kiện về chứng chỉ, bằng cấp như quản trị kinh doanh hoặc có trình độ bằng cấp ở lĩnh vực mình làm quản lý.
PV: Hiện đang có một vấn đề gây tranh cãi đó là doanh nghiệp thì đòi hỏi người lao động có tay nghề cao, năng suất cao mới chịu trả lương cao. Nhưng ngược lại, giới chủ lại thường tuyển lao động tay nghề chưa cao để tiết giảm chi phí. Theo ông, vấn đề này cần nhìn nhận ra sao để doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn với việc nâng cao mức sống cho người lao động?
ĐBQH Nguyễn Văn Thân: Phải khẳng định là không thể đòi hỏi người lao động chia sẻ với giới chủ khi mà mức sống của họ còn chưa được đảm bảo. Có nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp ngoài lương cho người lao động còn phải gánh nhiều chi phí khác. Nhưng chi phí khác có thể tiết giảm được, còn lương phải đảm bảo cho người lao động đủ sống, khi người ta đủ sống thì mới có thể cống hiến, nâng cao tay nghề để đạt được năng suất cao. Việc kinh doanh hiệu quả hay không là việc của doanh nghiệp, doanh nghiệp phải có trách nhiệm chia sẻ với người lao động chứ không thể đòi hỏi điều ngược lại như hiện nay.
Xin cám ơn đồng chí!
End of content
Không có tin nào tiếp theo