Doanh nhân

Vũ điệu "Xăng - Điện - Giá tiêu dùng" bao giờ mới dứt!

Cộng hưởng của 2 lần tăng giá xăng, cùng với cú điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1% và trước đó không lâu là giá điện tăng 7,5% đang tác động mạnh đến chỉ số tiêu dùng (CPI) trong cả nước. Rất nhiều chi phí, mặt hàng đang rục rịch tăng giá

Số liệu ngày 21/5 của Cục thống kê Hà Nội cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hà Nội tháng này tiếp tục tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,93% so với cùng kỳ năm trước.

So với tháng 12.2014, CPI Hà Nội tăng 0,46%. Ước tính chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm tăng 0,62% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tháng này tăng là do giá xăng dầu được điều chỉnh tăng từ ngày 5.5 kéo theo một số nhóm hàng tăng theo, đặc biệt là nhóm giao thông tăng 1,06% so với tháng trước.

Cùng thời điểm, Cục Thống kê TP.HCM cũng cho biết giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng nhẹ với mức 0,3% so với tháng trước. Trong đó, nhóm tăng giá gồm: may mặc, mũ nón, giày dép 0,1%; thiết bị đồ dùng gia đình 0,02%; nhóm văn hóa giải trí, du lịch 0,07% và đặc biệt giao thông 1,05%.

Như vậy, dù chưa có thống kê cụ thể về tác động của đợt tăng giá xăng lần này, những chắc chắn với 2 đợt tăng giá xăng liên tiếp lên gần 20%, chỉ số CPI cùng nhiều chi phí khác chắc chắn sẽ "ứng" lại.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đánh giá, chắc chắn giá nguyên, phụ liệu đầu vào sẽ bị ảnh hưởng, chi phí của doanh nghiệp tăng lên. Bên cạnh đó, giá hàng hóa tiêu dùng cũng chịu tác động không nhỏ. “Đặc biệt là giá cước vận tải vì xăng, dầu chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí đầu vào. Tuy nhiên, Cục Quản lý giá đang bám sát diễn biến thị trường, theo dõi chặt chẽ việc kê khai, đăng ký giá cước của các doanh nghiệp. Nếu có dấu hiệu tăng giá bất hợp lý chúng tôi sẽ yêu cầu địa phương vào cuộc xử lý”, ông Tuấn khẳng định.

Sáng ngày 22/5, theo tìm hiểu của phóng viên, giá hàng hóa, thực phẩm tại các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng đã bắt đầu tăng giá. Cùng với đợt tăng giá từ hơn 2 tuần trước, giá tiêu dùng đã tăng lên đáng kể. Chị Huyền Trang (Thanh Xuân - Hà Nội) cho biết: "Cứ điện xăng tăng thì hàng hóa tăng. Còn điện xăng giảm thì giá vẫn vậy. Nhiều năm rồi thành quen. Cũng chẳng thể trách tiểu thương được. Họ đâu thể quan tâm tới những thứ vi mô, vĩ mô của các cấp quản lý. Họ chỉ đang bon chen cho cuộc sống của gia đình mình thôi mà."

Về phía doanh nghiệp, điều đáng ngại nhất vẫn là giá vận tải. Ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty giấy Sài Gòn cho biết công ty chủ yếu dùng nguyên phụ liệu nhập khẩu để sản xuất nên khi tỷ giá điều chỉnh, cộng với giá xăng tăng đã đẩy chi phí đầu vào lên cao. Sau khi hứng chịu hai đợt tăng giá xăng dầu đã làm chi phí đầu vào của sản phẩm tăng cao, làm mất tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa. Công ty vẫn đang cố gắng tiết kiệm, giảm chi phí để giữ giá, nhưng cũng không thể kéo dài.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, giá taxi sẽ tăng khoảng 8% so với hiện nay do lần tăng giá xăng trước đó, chỉ có một hãng taxi trên địa bàn Hà Nội tăng 500 đồng/km. Sau đợt điều chỉnh này, chắc chắn hãng nào chưa tăng cũng sẽ điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, đối với xe khách và xe vận tải hàng hóa, ông Hùng cho rằng, do dầu diesel đợt này tăng 500 đồng và đợt trước không tăng nên chưa tác động nhiều. Vì vậy, các doanh nghiệp vận tải loại này sẽ giữ giá cước.


 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo