Vụ giàn khoan Hải Dương-981: Lợi ích vị kỷ của Trung Quốc
Dàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc.
Những động thái này của Trung Quốc bắt đầu từ hôm 1/5/2014, bao gồm việc đưa trái phép giàn khoan nước sâu siêu lớn (với sự hộ tống của tàu quân sự và máy bay) vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm luc địa của Việt Nam, phun vòi rồng cực mạnh vào tàu công vụ Việt Nam, thậm chí cố tình đâm rách 8 tàu Việt Nam, khiến một số nhân viên kiểm ngư Việt Nam bị thương.
Sau khi “quậy tơi tả” ở Biển Hoa Đông và “chinh phục” bãi cạn Scarborough (tranh chấp với Philippines), dường như đã đến lúc “đội quân viễn chinh” Trung Quốc ùa xuống quấy rối vùng biển Việt Nam một lần nữa.
Với những hành động chưa từng có tiền lệ nói trên, Trung Quốc đã chủ động leo thang căng thẳng ở Biển Đông lên một nấc mới, trắng trợn vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đồng thời đe dọa an ninh, ổn định và hòa bình trong khu vực.
Động cơ của Trung Quốc
Xưa nay các cường quốc lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, Anh… đều mạnh lên từ biển hoặc có lợi thế về biển. Trung Quốc muốn xưng bá, trở thành siêu cường thì không thể tách rời biển. Tuy nhiên có nhiều điều ngáng trở tham vọng này của họ: Về phía tây là các dãy núi cao, mạn tây nam thì vướng cường quốc khu vực Ấn Độ, phía bắc là nước Nga vừa rộng lớn vừa hùng cường, phía đông có tới ba đồng minh rất mạnh của Mỹ gồm Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Đường bờ biển của Trung Quốc xét về mặt tuyệt đối không hề ngắn nhưng dường như không đáp ứng nổi “ham muốn” của quốc gia này.
Trong bối cảnh đó, hướng “bành trướng” chủ yếu của Trung Quốc là xuống phía nam, qua mạn Biển Đông - một trong những tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới, một vùng biển không chỉ giàu tài nguyên mà còn có ý nghĩa rất lớn về quân sự. Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành “ao nhà” để mở đường cho công cuộc “bình thiên hạ”, trước tiên là trong khu vực Đông Á rồi đến châu Á-Thái Bình Dương.
Phát triển đất nước đương nhiên không có gì là xấu cả. Thế nhưng điều đáng nói ở đây là, Trung Quốc đã lựa chọn cách tiếp cận cường quyền, đơn phương theo phong cách “pháo hạm” dù bây giờ đã là thập niên thứ 2 của thế kỷ 21. Trong thời hiện đại, càng không thể chấp nhận chuyện “hùng hổ xông vào nhà người khác để cướp cái không thuộc về mình”.
Chiến thuật thâm hiểm
Để đạt được các mục đích của mình, Trung Quốc không từ bất cứ thủ đoạn nào: Vây lấn, tuyên truyền bịa đặt kết hợp với sử dụng vũ lực, cố gắng khiêu khích để “đối phương” mắc sai lầm.
Giới kỹ thuật xác định hành động đặt giàn khoan của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) không phục vụ mục đích thương mại đơn thuần, vì khoan dầu ở vị trí đó rất tốn kém và nhiều rủi ro. Thực chất đấy là cái mặt nạ cho một toan tính chính trị toàn diện, trong đó chính phủ Trung Quốc chấp nhận rót thật nhiều tiền cho CNOOC để thực hiện mưu đồ thay đổi hiện trạng, mở rộng chủ quyền.
Khi Trung Quốc bị Việt Nam và cả thế giới lên án, giới ngoại giao của họ, không chút ngại ngùng, đã điềm nhiên chối bay chuyện họ xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và thực hiện những hành vi thô bạo khó tin. Không những vậy, họ còn trắng trợn “đổi trắng thay đen” bằng cách vu khống tàu chấp pháp Việt Nam đã vào vùng biển của họ và tấn công tàu của họ vốn “to khỏe” hơn rất nhiều. Trước sức ép của công luận thế giới, họ không những không lùi bước mà còn “vừa ăn cắp vừa la làng”, đặt ngang hàng kẻ xâm lấn với người bị xâm lấn.
Nhưng mọi việc đã rõ như ban ngày nên thế giới không mấy ai tin vào vào những lý lẽ rất yếu của họ. Tại cuộc họp báo do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức hôm 8/5, phía Trung Quốc đã lúng túng không đưa ra được bằng chứng về việc “tàu Việt Nam quấy nhiễu tàu Trung Quốc” và cũng không thể đưa ra lý do họ đưa tới hơn 80 tàu (gồm tàu hải quân, tàu vũ trang) vào yểm trợ giàn khoan Hải Dương-981.
Giải mã sự ngang ngược mang tên Trung Quốc
Ở khu vực châu Á, Trung Quốc vốn là một nền văn minh lớn; trong quá khứ, người Trung Quốc được đánh giá là có tư duy lý tính và các triều đại Trung Hoa thường đề cao pháp trị trong quản lý đất nước, với tư tưởng của phái Pháp gia nổi tiếng.
Thế nhưng tại sao quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc này lại có thể giẫm đạp lên tất cả - Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mà chính Trung Quốc tham gia, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC), Hiến chương Liên Hợp Quốc, các thỏa thuận song phương do chính lãnh đạo cấp cao nước này ký, và truyền thống “Pháp gia” của họ, để hành xử theo “luật rừng” trên Biển Đông?
Như đã nêu ở trên, vấn đề sâu xa nằm ở “tiếng gọi của lợi ích ích kỷ” mà Trung Quốc đã không cưỡng lại được. Tiếng gọi đầy ma lực đó đã khiến Trung Quốc không thể “trỗi dậy hòa bình” và từ bỏ chủ nghĩa bá quyền. Chính nội bộ Trung Quốc cũng thường nhận định chỉ có lợi ích “dân tộc” là mãi mãi, còn bạn bè chỉ là tạm thời.
Nhưng như thế không đủ để lý giải những gì đã và đang diễn ra ở xứ Hoa lục trong thế kỷ 21 này. Câu trả lời có lẽ phải tìm thêm trong yếu tố văn hóa.
Thứ nhất, Trung Quốc từ trong huyết quản của mình vốn có truyền thống “mở rộng không ngừng” về cương vực. Thứ hai, chính tác phẩm “Người Trung Quốc xấu xí” có tính phản biện cao của tác giả Bá Dương người Hoa đã hé lộ chiều sâu văn hóa đằng sau những cư xử của người Trung Quốc từ những việc nhỏ nhặt nhất trong đời thường. Trên tinh thần cuốn sách đó thì hành động vừa rồi ở vùng biển Việt Nam đã thể hiện rõ một Trung Quốc xấu xí, không phải ở cấp cá nhân, cấp thôn, huyện, hay tỉnh, mà là ở cấp quốc gia. Nay Trung Quốc đang có trong tay sức mạnh vượt trội về quân sự và kinh tế cộng thêm quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thì họ càng dễ lún sâu vào thói “ỷ lớn hiếp bé”.
Nhân dân lao động ở đâu cũng trong sáng và làm nên các giá trị lịch sử. Nhân dân lao động Trung Quốc cũng vậy. Những công nhân trên giàn khoan Hải Dương-981 hay những thủy thủ trên những con tàu hung hãn của Trung Quốc suy cho cùng đều chỉ là người thừa hành và chắc chắn những gì họ làm không phản ánh quan điểm của nhân dân lao động chân chính.
Những nguyên lý mác xít không bao giờ “lỗi mốt” trong việc soi sáng những tình huống như thế này. Karl Marx đã khẳng định, tình trạng dân tộc này nô dịch hay “bắt nạt” các dân tộc khác tuyệt nhiên không phải do quần chúng lao động mà là do các giới cầm quyền (ở các nước đi “bắt nạt”) không thực sự đại diện cho họ. Sau này Vladimir Lenin đã phân tích thêm về mối quan hệ giai cấp-dân tộc và kêu gọi các đảng công nhân phải triệt để tiễu trừ chủ nghĩa cơ hội và phải đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ tư tưởng sô vanh nước lớn cũng như tư tưởng dân tộc hẹp hòi các loại.
Một Trung Quốc “xấu xí”chỉ thấy cái bánh lợi ích mà không nhận ra rằng họ đang khiến các quốc gia khác mất “lòng tin chiến lược” (nếu có) dành cho Trung Quốc. Trong thời đại văn minh ngày nay, hành động như một kẻ phá đám thì sẽ chỉ tự cô lập mình và làm xấu hình ảnh bản thân mà thôi.
Dẫu nguyên tắc “lợi ích dân tộc” chi phối mạnh các mối quan hệ quốc tế, xu hướng của thời đại ngày nay vẫn là đối thoại thay vì chiến tranh, hợp tác song hành với cạnh tranh, và cạnh tranh thì phải lành mạnh, có lý có tình, dựa trên pháp luật và thông lệ quốc tế. Cụ thể trong trường hợp Biển Đông, phải tính đến lợi ích chính đáng của các nước nhỏ, của khối ASEAN và cả thế giới nữa. Gây hấn với Việt Nam ở đây đồng nghĩa với thách thức toàn thế giới.
Hỡi những chiến hạm Trung Quốc, quay đầu là bờ!
End of content
Không có tin nào tiếp theo