Vụ khủng bố Paris đưa Thủ tướng Đức vào thế khó
Hãng tin Bloomberg cho rằng, vụ khủng bố này đang đặt ra thách thức mới cho Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo khác ủng hộ chính sách mở cửa cho người di cư từ các vùng chiến sự ở Trung Đông. Giữa lúc người dân Paris còn chưa hết bàng hoàng vì những gì xảy ra, Tổng thống Pháp Francois Hollande cáo buộc tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) là những kẻ thủ ác sát hại hơn 120 con người vô tội. IS cũng đã lên tiếng chính thức nhận trách nhiệm gây ra vụ thảm sát.
Vụ khủng bố có thể là bằng chứng tiếp theo cho thấy sự thay đổi chiến thuật của IS từ chỗ tập trung vào các chiến trường ở Syria và Iraq sang nhằm vào các mục tiêu dân thường ở châu Âu. Nếu sự thật đúng là như vậy, thì sự chuyển hướng này của IS có thể sẽ là cái cớ để những người phản đối chính sách của bà Merkel chỉ trích bà mạnh mẽ hơn.
“Một số người sẽ nhân cơ hội này vào nói: ‘Đây là hậu quả của việc mở cửa cho những người ở nơi khác tới”, ông Jan Techau, Giám đốc viện nghiên cứu Carnegie Europe ở Brussels, Bỉ, nhận định. Theo ông Techau, đối với nước Đức, “tình hình an ninh ở Trung Đông sẽ càng trở thành một vấn đề lớn”.
Đối với bà Merkel, vụ khủng bố Paris xảy ra đúng vào lúc bà đang cố gắng tập hợp sự ủng hộ của người dân và trong nội bộ đảng cầm quyền, sau khi bà quyết định từ chối ngăn dòng người di cư kỷ lục đổ tới nước Đức trong năm nay.
Trong bài phát biểu trước công chúng đầu tiên sau vụ thảm sát, Thủ tướng Đức chưa đưa ra tín hiệu nào cho thấy sẽ thay đổi chính sách đối với người di cư, đồng thời bày tỏ quan điểm rằng nếu bà thay đổi chính sách, thì đó sẽ là một chiến thắng của những kẻ khủng bố.
“Với tư cách là những công dân, câu trả lời của chúng ta là rõ ràng. Chúng ta tin vào quyền của mỗi cá nhân được mưu cầu hạnh phúc, tin vào sự tôn trọng đối với những người khác, và tin vào lòng bao dung. Chúng ta biết rằng cuộc sống tự do của chúng ta có sức mạnh lớn hơn bất kỳ nỗi sợ hãi nào”, bà Merkel gửi thông điệp tới người dân Đức trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên truyền hình.
An ninh tại Berlin đã được tăng cường và bà Merkel đã triệu tập một cuộc họp nội các khẩn cấp để bàn về phản ứng của Đức trước vụ khủng bố Paris. Tại Italy, một trong hai cửa ngõ chính của người di cư tới châu Âu, Thủ tướng Matteo Renzi đã có cuộc gặp với giới chức tình báo và an ninh nước tại ở Rome và tuyên bố an ninh sẽ được thắt chặt trên phạm vi toàn quốc.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy hủy tham dự một sự kiện của đảng cầm quyền ở Barcelona ngay trước thềm cuộc bầu cử vào tháng tới, và thay vào đó triệu tập một cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia tại Madrid. Vào năm 2004, những kẻ khủng bố đã tấn công vào thủ đô của Italy khiến 191 người thiệt mạng.
“Không một lý do nào có thể bao biện cho hành động tội ác của ngày hôm qua, và không một đức tin nào có thể che chở cho những kẻ thủ ác. Chúng ta không ở trong một cuộc chiến tranh giữa các tôn giáo, mà trong một cuộc chiến giữa văn minh và tàn bạo”, ông Rajoy nói trong một bài phát biểu được truyền hình trực tiếp.
Tại Anh, Thủ tướng David Cameron cũng triệu tập một cuộc họp an ninh. Vào năm 2005, một vụ tấn công khủng bố ở London đã khiến 52 người thiệt mạng ngay giữa lúc đang diễn ra hội nghị thượng đỉnh nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G-8) ở Scotland.
Theo kế hoạch, ông Cameron, bà Merkel, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ cùng tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G-20) tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/11. Tổng thống Pháp Hollande đã hủy kế hoạch tham dự cuộc họp này để giải quyết hậu quả vụ khủng bố ở Paris.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Thomas de Maiziere đề nghị cử lực lượng đặc biệt của nước này sang Pháp để hỗ trợ công tác điều tra. Vấn đề an ninh trước nay vốn không phải là vấn đề nổi cộm nhất trong cuộc tranh luận ở nước Đức về chính sách đối với người di cư. Nhưng sau vụ khủng bố ở Paris, điều này có thể thay đổi.
“Lên án người tị nạn nói chung sẽ là hoàn toàn sai lầm”, bà Julia Kloeckner, Phó chủ tịch Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của bà Merkel, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn của tờ báo Bild. Theo bà Kloeckner, người Syria di cư sang Đức “đang chạy trốn khỏi nỗi sợ hãi mà chúng ta chứng kiến ở Paris”.
Chỉ vài giờ sau khi xảy ra vụ tấn công, bà Merkel đã xuất hiện trên truyền hình quốc gia Đức để bảo vệ lập trường chính sách người di cư của mình, chống lại áp lực từ nội bộ CDU đòi bà phải hạn chế số người di cư mà nước Đức tiếp nhận. “Tôi đang chiến đấu, chiến đấu vì cách tiếp cận mà tôi có trong đầu”, bà Merkel nói trong cuộc trả lời phỏng vấn đài ZDF.
“Cuộc tấn công nhằm vào tự do này không chỉ nhằm vào Paris, mà nhằm vào tất cả chúng ta và ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Hãy để chúng ta trả lời những kẻ khủng bố bằng cách sống đúng theo những giá trị của mình và bằng cách nhân rộng những giá trị đó trên khắp châu Âu, mạnh mẽ hơn bất kỳ khi nào”, bà Merkel phát biểu.
Theo nhà khoa học chính trị Andrea Roemmele thuộc trường Hertie ở Berlin, bà Merkel đang cố giải thích về lý do vì sao nước Đức nên đón người di cư, nhưng giờ đây, nỗi sợ hãi sau cuộc tấn công ở Paris đang lấn át những lời giải thích của bà. "Merkel sẽ bị nhìn nhận là một nhà quản lý khủng hoảng", bà Roemmele nhận xét.
Bình Minh/VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo