Góc nhìn

Vụ phóng sự HS hút shisha: Có dấu hiệu vi phạm luật báo chí

Theo các luật sư, VTC14 lập lờ "phóng sự" học sinh Hà Nội hút shisha hay clip do phóng viên dàn dựng đều là sự vi phạm pháp luật, đạo đức nghề báo cần phải được làm rõ để xử lý.

Ngoài ra, với việc xâm hại đến hình ảnh cá nhân, gây ra việc hiểu nhầm cho các học sinh dẫn đến tổn thất về tinh thần, sức khỏe của họ thì phóng viên còn phải bị bồi thường thiệt hại theo quy định tại Đ.307 Bộ luật dân sự.  Luật sư NGUYỄN THÀNH CÔNG - Đoàn luật sư TP.HCM

 

Nhóm học sinh xuất hiện trong clip bức xúc cho rằng phóng sự “Khi áo trắng học sinh chìm trong khói trắng shisha” do kênh VTC14 phát sóng ngày 27-3 đã quay cận cảnh và rõ mặt các em chỉ là clip do các em được phóng viên VTC mời quay. 

 

Trong khi đó, lãnh đạo của VTC14 lại cho rằng phóng viên của mình đã làm đúng quy trình, chỉ thừa nhận có thiếu sót trong xử lý kỹ thuật hậu kỳ, không làm mờ hình ảnh của các học sinh.

 

Việc làm của VTC14 có đúng quy định của pháp luật hay không? Các luật sư cho biết:

 

Vi phạm luật báo chí và đạo đức nghề nghiệp

 

Theo nội dung phản ứng của chính các học sinh trong phóng sự lẫn Ban Giám Hiệu nhà trường xác nhận có buổi làm việc với phóng viên cùng các tin nhắn trong điện thoại, có cơ sở xác định hành động biến cảnh quay sắp đặt, dàn dựng trở thành một phóng sự ghi nhận thực tế là sai phạm của phóng viên VTC14.

Sai phạm này trước tiên là vi phạm nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp, sau đó là vi phạm pháp luật.

 

Việc thể hiện rõ mặt, bảng tên của các học sinh dù trước đó đã thống nhất che mờ đã là vi phạm về quyền nhân thân trong sử dụng hình ảnh cá nhân quy định tại Điều 31 Bộ luật dân sự.

 

Đặc biệt hơn, đây là chương trình dàn dựng tức có kịch bản, phân vai, chỉ đạo… cho từng người để thể hiện được nội dung của câu chuyện nhưng phóng viên đã biến thành dạng phóng sự điều tra, tức phản ánh thực trạng xã hội.

 

Đối với vi phạm liên quan đến đạo đức, nghề nghiệp phóng viên thì phải bị xử lý theo các quy định của nghề nghiệp.

 

Cần làm rõ để xử lý nghiêm

 

Hiện chưa có kết luận chính thức như thế nào, nay đặt ra hai trường hợp. Thứ nhất, giả sử trường hợp clip của VTC14 là cảnh thật, việc thật thì VTC14 cũng không thể đưa đầy đủ hình ảnh, phù hiệu… của các em học sinh như vậy được.

 

Bởi vì các em còn trẻ, tâm sinh lý chưa ổn định, nhận thức còn hạn chế nên rất dễ dẫn đến các em bị ảnh hưởng đến tâm lý, xấu hổ… và không dám tiếp xúc người ngoài, bạn bè, thầy cô giáo…

 

Clip sẽ là một bản án, một hình phạt nặng hơn cả bản án của toà mà các em không phải là người gánh chịu. 

 

Theo tinh thần của pháp luật thì nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà việc sử dụng đó làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó (khoản 3 Điều 31 Bộ luật dân sự). 

 

Trường hợp thứ 2, nếu thực sự đây là một clip được các phóng viên dàn dựng thì đây là hành vi vi phạm luật báo chí và đạo đức người làm báo một cách nghiêm trọng. 

 

Nhưng để khách quan nhất, các em học sinh, nhà trường cần yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ sự thật, có một kết luận rõ ràng để chứng minh việc nhà đài trong tránh trách nhiệm của mình.

 

Khi có kết luận chính thức, các em học sinh, nhà trường có quyền yêu cầu nhà đài công khai xin lỗi, phát sóng cải chính và bồi thường thiệt hại (nếu có).

 

Trong trường hợp nhà đài vẫn cố tình không đồng ý theo yêu cầu thì các em học sinh, nhà trường có quyền khởi kiện ra toà án để buộc nhà đài phải thực hiện những yêu cầu của mình.

 

Đây là hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác một cách nghiêm trọng, các cơ quan hữu quan cần xử lý nghiêm, không thể để vấn đề này thành tiền lệ xấu. 

 

 

Ngoài ra, với việc xâm hại đến hình ảnh cá nhân, gây ra việc hiểu nhầm cho các học sinh dẫn đến tổn thất về tinh thần, sức khỏe của họ thì phóng viên còn phải bị bồi thường thiệt hại theo quy định tại Đ.307 Bộ luật dân sự.

Luật sư NGUYỄN THÀNH CÔNG - Đoàn luật sư TP.HCM

Theo Tuổi Trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo