Doanh nhân

Vụ siêu mẫu Mâu Thanh Thủy bị cướp: Hiện tượng xã hội loạn kỷ cương

Nhân vụ siêu mẫu Mâu Thanh Thủy bị cướp giật dẫn đến tai nạn gây chấn thương sọ não, các nhà xã hội học cho rằng, tình trạng cướp giật ngay giữa ban ngày và ngay trên đường phố không phải bây giờ mới có. Đó là hiện tượng Anomie - xã hội loạn kỷ cương.

 


Siêu mẫu Mâu Thanh Thủy phải nhập viện do chấn thương sọ não khi bị giật túi trên đường Nguyễn TấtThành

Hàng nghìn người bị cướp giật trên đường mỗi năm

 
Cách đây 7 năm, khi phỏng vấn TS xã hội học Khuất Thu Hồng (Viện Nghiên cứu phát triển xã hội ISDS) về những vấn đề tiêu cực trong đời sống, bà tiến sĩ nói với tôi một câu đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in: “Loạn thế này mới chỉ là bắt đầu thôi bạn à, xã hội sẽ còn loạn nữa…”. Và câu nói này của TS Khuất Thu Hồng tôi đã không dám đưa vào bài nhưng thực tế thì xã hội đã diễn biến theo đúng chiều hướng mà chị đã dự báo.
 


TS xã hội học Khuất Thu Hồng, người dự báo "xã hội sẽ còn loạn nữa" cáchđây 7 năm

Trong khoảng 5 - 7 năm nay, chúng ta đã quá quen về những từ cướp-hiếp-giết. Người ta đổ tại nền báo chí lá cải nhưng thực chất thì xã hội đang như vậy. Báo chí chỉ làm đúng 8 phần chức phận của mình là phản ánh đúng sự thật mà thôi, còn lại 2 phần là để làm chức năng định hướng.

Đó là những vụ án đau lòng như con giết cha mẹ, vợ giết chồng, bố hiếp con gái, bạn trai giết người yêu và chặt đầu phi tang…Nghe thật rùng rợn. Không ai muốn nói lên cái sự thật đó. Thế nhưng sự thật vẫn là sự thật, chúng ta phải đối diện để giải quyết chứ không thể trốn chạy, lẩn tránh hay bôi hồng ru ngủ trong ảo tưởng và giả dối.

Mỗi khi nhắc đến một vụ tiêu cực nào đó xẩy ra ngoài sức tưởng tượng của mình, chúng ta chỉ còn biết thở dài rằng “loạn mất rồi, xã hội loạn mất rồi”…

Thực tế là xã hội chúng ta đang có nhiều sự "loạn". Biểu hiện dễ thấy nhất của sự “loạn” đó là tình trạng cướp giật diễn ra nơi thanh thiên bạch nhật, ngay trên đường phố hòa bình xanh tươi này. Vụ siêu mẫu Mâu Thanh Thủy vừa bị cướp giật trên phố Nguyễn Tất Thành (TP HCM) vào 4 giờ chiều ngày 10/3 vừa qua là một ví dụ điển hình. Khi cô siêu mẫu này đang chạy xe máy trên đường Nguyễn Tất Thành, hướng từ quận 4 về quận 1. Đến đoạn gần cầu Khánh Hội, Thủy bất ngờ bị tên cướp vượt lên từ phía sau, áp sát, giật phăng túi xách cô đeo đằng trước. Quán quân Next Top Model 2013 cũng bị ngã, đập đầu xuống đường, bất tỉnh. Hiện cô đang được điều trị tại bệnh viện.

Điều đáng nói là không phải bây giờ mới xẩy ra hiện tượng cướp giật này mà trước đó báo chí đã từng đưa tin về việc hoa hậu Mai Phương Thúy, ca sĩ Hương Tràm, Hotgirl Midu, Khả Ngân…liên tiếp bị cướp đồ trên đường phố.

Cảnh siêu mẫu Mâu Thanh Thủy bị ngã do kẻ cướp giật túi được cơ quan công an dựng lại
Cảnh siêu mẫu Mâu Thanh Thủy bị ngã do kẻ cướp giật túi được cơ quan công an dựng lại

 
 
Và, không phải chỉ có người nổi tiếng mới bị cướp mà hàng nghìn người dân thường khác cũng phải sống chung với sự bất an của giặc cướp đường hoành hành. Số liệu thống kê năm 2011 của CATP Hồ Chí Minh cho thấy, chỉ trong một năm trên toàn địa bàn thành phố xảy ra hơn 1.000 vụ cướp giật có phương tiện. Cách mà bọn cướp hành nghề là sử dụng phương tiện xe gắn máy phân khối lớn, hoặc độ chế để có tốc độ cao, gây án cướp giật tài sản trên đường phố cả ban ngày và đêm.

 
Hiện tượng Anomie - xã hội loạn kỷ cương

GSTS xã hội học Đặng Vũ Cảnh Khanh (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển, hiện là trưởng bộ môn Công tác xã hội trường Đại học Thăng Long) cho rằng, hiện tượng cướp giật trên đường phố này hiển bày rõ ràng nhất sự sai lệch của chuẩn mực xã hội. Nhà xã hội học Pháp Durkheim gọi hiện tượng đó là Anomie (xã hội loạn kỷ cương).
 


GSTS Đặng Vũ Cảnh Khanh - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thống & Phát triển

Có ba cấp độ của sự sai lệch này, đó là: sai lệch từ cá nhân, đến một nhóm cá nhân, rồi rộng hơn trong một bộ phận lớn của xã hội.

Cướp giật trên đường phố mới nhìn qua tưởng chừng như là biểu hiện của sự sai lệch cá nhân, rộng hơn một chút thì sai lệch của một nhóm người nhưng nhìn sâu ra hơn nữa thì đó là sự sai lệch của một bộ phận lớn trong xã hội. Khi xã hội có tham nhũng thì nạn cướp giật đương nhiên sẽ có đất để tồn tại. Đó là nguyên lý thông thường. Bởi, tham nhũng bản chất cũng là một dạng cướp giật. Một khi những người có chức quyền còn tham nhũng thì những kẻ khốn cùng sẽ tự cho phép mình đi cướp giật ngoài đường.

Cũng theo GS Khanh, một xã hội phát triển mà vẫn giữ được kỷ cương, giữ được sự bình yên là khi xã hội đó biết vận dụng mối quan hệ giữa “đức trị” và “pháp trị”. Khi đạo đức suy đồi thì rất cần đến sự mạnh tay của pháp luật. Nhưng khi xã hội đã thiết lập được nền tảng đạo đức vững vàng rồi thì ít cần đến bàn tay của pháp luật nữa. Ví dụ rõ nhất là Nhật Bản. Trước đây nước Nhật Bản xử lý tội cướp giật rất khắc nghiệt là “chặt tay” nhưng hiện nay họ lại xử tội này rất nhẹ bởi đạo đức của nhà nước họ đã được thiết lập, được toàn dân đất Nhật tôn trọng.


Tên cướp giật túi của siêu mẫu Mâu Thanh Thủy khiến cho cô bị ngã xe dẫn đến chấn thương sọ não
 

Hay ở Singapore thì hiện nay họ xử lý tội cướp giật rất mạnh tay như dùng roi đánh, thậm chí là đưa lên truyền hình để người dân thấy như vậy là nhục nhã. Hoặc gần đây là vụ một người quốc tịch Úc gốc Việt tên là NguyễnTrường Vânmang mấy viên ma túy nhỏ từ Việt Nam transit qua Singapor bị cảnh sát Singapor phát hiện và cuối cùng anh ta bị tử hình. Người Úc nói rằng Singapore làm vậy là vô nhân đạo nhưng Chính phủ Singapore có quan điểm rất rõ ràng và thẳng thắn. Họ “không nhân đạo với một người vì như vậy sẽ vô nhân đạo với xã hội”.

Nguyên lý để điều hành xã hội là luôn phải đi bằng “hai chân” là đức trị và pháp trị, là vận dụng đức trị và pháp trị một cách linh hoạt. Khi đạo đức xã hội lỏng lẻo thì rất cần sự chặt chẽ của pháp luật để xác lập đạo đức. Khi đạo đức lên ngôi sự trật tự, bình yên của xã hội đã được “đức trị” nên yếu tố “pháp trị” sẽ nhẹ đi.

Để giải quyết vấn nạn cướp giật hiện nay, theo GS Khanh, ngoài việc phải mạnh tay xử lý cá nhân hay nhóm người vi phạm thì đồng thời phải xây dựng lại kỷ cương, hệ giá trị. Hệ giá trị đó là không quá đề cao đồng tiền, không quá tôn sùng quyền chức mà phải là tôn trọng giá trị lao động, tôn trọng sức lao động và yêu quý lao động. Bởi nếu nền tảng xã hội bị sai lệch về giá trị, về chuẩn mực thì sẽ dẫn đến những sai lệch ở cấp vi mô.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo