Phân tích

Vụ Tiên Lãng và 'điểm nhạy cảm' Luật Đất đai

Luật Đất đai đang ở thời điểm nhạy cảm và việc sửa luật là cấp bách, cực kỳ quan trọng, dù rất phức tạp. Nó liên quan trực tiếp và đầu tiên là việc sửa đổi Hiến pháp. Nếu không sửa đổi Hiến pháp thì rất khó thay đổi được Luật Đất đai, vì liên quan đến vấn đề sở hữu.

 Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội (QH) Dương Trung Quốc cho biết như trên, khi trao đổi với Đất Việt xung quanh việc thi hành Luật Đất đai năm 1993 trong thực tế, điển hình là vụ cưỡng chế thu hồi đất của hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn (xã Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng). Ông Quốc nói:


Nên nhớ, Luật đất đai năm 1993 được ban hành sau khi Hiến pháp đã được sửa đổi vào năm 1992.


 Nhà sử học Dương Trung Quốc Bởi vậy, lần này, cần tính kỹ việc sửa đổi Luật đất đai trước hay sau khi sửa đổi Hiến pháp. Bởi nếu Hiến pháp đã được sửa đổi, vấn đề sở hữu đã được “đóng đinh”, việc sửa Luật đất đai cũng sẽ phức tạp. Theo tôi, sự kiện xảy ra ở Tiên Lãng, Hải Phòng được xem như báo hiệu chín muồi liên quan đến việc thực thi luật pháp, trước hết là Luật Đất đai năm 1993. Luật Đất đai đang ở thời điểm cực kỳ nhạy cảm. Và hành vi rất bột phát của ông Vươn và những người thân đã cho thấy điều đó.
Vì sao vậy, thưa ông?

Vì chỉ cần thêm 1 năm nữa, đến năm 2013 là thời hạn thu hồi đất theo Luật Đất đai năm 1993. Có thể sẽ không chỉ có trường hợp như gia đình ông Vươn, mà sẽ có nhiều trường hợp khác, thì chúng ta sẽ xử lý như thế nào? Tôi chưa bàn đến vấn đề đúng sai trong chuyện này, nhưng tôi cho rằng trước hết là trách nhiệm của QH. Lẽ ra, QH, với tư cách là cơ quan lập pháp, phải dự báo được chuyện này. Thứ hai là phải theo dõi được động thái đó.

Lâu nay tại QH, vấn đề đất đai rất nóng bỏng, bởi chúng ta đều biết rằng 80% số lượng đơn thư khiếu nại liên quan đến vấn đề đất đai. Cá nhân tôi cũng như nhiều đại biểu QH đã nhiều lần phát biểu ý kiến rằng, cần phải sớm sửa đổi luật. Nhưng cách làm luật của chúng ta hiện vẫn chủ yếu dựa vào Chính phủ trình, cho nên QH không thể hiện tính chủ động của mình. Vì thế, trách nhiệm đầu tiên là trách nhiệm của QH. Tôi rất suy nghĩ vì trong vụ việc này không thấy QH vào cuộc. Tôi xin nói ngay, HĐND và QH là đơn vị dân cử. Mình là người giám sát mà để tù mù, “ông” hành pháp nói tôi làm đúng, nhưng đúng đến đâu mà đẩy người dân vào tình thế họ phải chống đối như thế? Tôi cho rằng QH phải vào cuộc một cách có trách nhiệm. 

Trên diễn đàn QH, ông đã cùng nhiều đại biểu đề nghị phải sớm sửa Luật đất đai. Nhưng vì sao cho đến nay việc này vẫn chưa thực hiện được?

Tôi cho rằng vấn đề Luật Đất đai cực kỳ quan trọng và phức tạp. Nó liên quan trực tiếp và đầu tiên là vấn đề sửa đổi Hiến pháp. Nếu không sửa đổi Hiến pháp thì rất khó thay đổi được Luật Đất đai vì nó liên quan đến vấn đề sở hữu.

Cái khó hiện nay là công tác lập pháp của QH, cụ thể là quá trình chuẩn bị phần lớn do Chính phủ làm. QH thì yêu cầu sớm đưa ra, nhưng Chính phủ thì cho rằng chưa chuẩn bị xong. Luật xong rồi, còn văn bản dưới luật cũng phụ thuộc Chính phủ... Khắc phục cái này cần một quá trình, nhưng tôi cho rằng QH phải xác định được vị trí của mình theo quy định của Hiến pháp, về thực thi quyền hạn của mình chứ không chỉ phụ thuộc Chính phủ. 


Thân nhân của ông Vươn trong một cái lều dựng tạm dịp Tết
Chậm sửa đổi Luật đất đai sẽ đem lại những hệ lụy gì, thưa ông?

Nhìn từ vụ Tiên Lãng, Hải Phòng, chúng ta thấy xã hội quan tâm nhiều đến vấn đề thực thi pháp luật, tức là xem lãnh đạo huyện Tiên Lãng và TP.Hải Phòng làm đúng hay sai. Ngay việc cho thuê đất từng ấy năm đã đúng hay  chưa. Vì tôi thấy, hiện nay trong vấn đề đất đai, với tư duy nhiệm kỳ của bộ máy lãnh đạo chính quyền, cộng với lợi ích cục bộ ngắn hạn, sẽ rất dễ dẫn tới xung đột với người dân. Vụ Tiên Lãng là điển hình: chưa tới thời hạn đã làm, mà làm để cấp cho người khác chứ không phải do yêu cầu khách quan, nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương. Lấy lợi ích này, chia cho lợi ích khác, từ đó rất dễ nảy sinh tiêu cực. Nếu chúng ta không làm tốt vụ này thì một hai năm nữa, vẫn đề sẽ rất phức tạp khi nhiều hoàn cảnh rơi vào tình huống tương tự.

Ngoài vấn đề đất đai, sự kiện Tiên Lãng còn cho thấy điều gì, thưa ông?

Đó là vấn đề mối quan hệ giữa chính quyền với người dân. Thật ra, chúng ta đã có bài học trong quá khứ, từ những năm 1996 - 1997, với vụ đất đai ở Thái Bình. Trường hợp ở Tiên Lãng, tôi nghĩ đi sâu vấn đề, ngoài hành động bột phát của ông Vươn, còn là cách hành xử của bộ máy chính quyền. Người dân bao giờ cũng vậy, đôi khi họ vì lợi ích, họ hành xử bột phát trái pháp luật. Nhưng phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao.

Chúng ta phải nhìn nhận như thế mới triệt tiêu tận gốc được, phù hợp với nguyên lý chính quyền của dân, do dân, vì dân. Vì thế, tôi cho rằng bài học của vụ Thái Bình với vụ Tiên Lãng lần này, trước sau vẫn chỉ là một chuyện: anh có thực sự là của dân, do dân và vì dân hay không, hay vẫn xuất hiện xu hướng quan liêu hóa bộ máy.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Đất Việt
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo