‘Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học': Có 'đụng chạm' nhưng không sai
Các băng rôn có in khẩu hiệu “Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học” trên một số tuyến đường trong nội thành Quy Nhơn (Bình Định) đã gây "bão" dư luận. Nhiều người phản ứng vì nội dung khẩu hiệu không phù hợp, nhưng cũng nhiều người ủng hộ vì suy cho cùng, hành vi vi phạm giao thông là thể hiện của một người ít học, vô văn hóa giao thông.
Để làm rõ vấn đề, phóng viên đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia, nhà xã hội học, trước luồng dư luận trái chiều về nội dung khẩu hiệu trên.
* GS.TS Nguyễn Minh Thuyết
- Ông bình luận gì về khẩu hiệu "Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học"?
Những băng rôn để khuyến khích, yêu cầu mọi người tôn trọng pháp luật, thực hiện nếp sống văn minh là hết sức cần thiết. Nhưng những băng rôn đó phải mang ý nghĩa tích cực. Còn băng rôn treo ở Bình Định có một sai sót nhỏ, việc khắc phục cũng dễ thôi.
Nhận xét đó là không sai. Nói những người vượt đèn đỏ là những người thiếu hiểu biết là không sai.
Thời gian tôi còn nhỏ, ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội có khẩu hiệu “không ăn cắp của dân, không ăn bớt của Nhà nước” treo ở trước cửa hàng thực phẩm. Đây cũng là khẩu hiệu nhằm mục đích để răn đe cán bộ. Nhưng khẩu hiệu này cũng phản tác dụng.
- Ở Hà Nội cũng từng treo các băng rôn, khẩu hiệu tương tự và đã có những tác động tích cực nhất định đến người tham gia giao thông. Ông đánh giá thế nào?
Trước đây, Hà Nội cũng từng lập biển báo “Người có văn hóa giao thông không rẽ trái, đi ngược chiều, vi phạm luật giao thông đường bộ”.... nội dung đócũng mang ý nghĩa tích cực.
Đối với khẩu hiệu ở Bình Định, nên thay là: Người hiểu biết là người không vượt đèn đỏ hay không vượt đèn đỏ là sống văn minh… Cũng nội dung như vậy nhưng mang tính chất tích cực.
Theo tôi, cùng với hình thức tuyên truyền trên đường phố, chúng ta nên có những hình thức tuyên truyền sâu hơn trong cộng đồng dân cư, các cơ quan đơn vị để mọi người hiểu rõ các quy định pháp luật, nếp sống văn minh.
Đặc biệt, phải xử phạt thật nghiêm những trường hợp vi phạm. Mình tuyên truyền cũng có tác dụng nhưng không có gì bằng thi hành pháp luật.
Xử lý nghiêm thì chả ai dám vi phạm. Tôi ví dụ, Singapore xử phạt rất nặng đối với người hút thuốc lá, vứt rác bừa bãi nơi công cộng. Vì vậy,chẳng ai dám làm điều này.
Người Việt Nam bay sang Singapore cũng phải xem người Singapore được làm gì, ở đâu để mình làm theo, nếu không sẽ bị xử phạt rất nghiêm.
- Hiện tượng người dân cố tình vi phạm luật lệ an toàn giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi vào đường cấm... thậm chí còn hành hung người thi hành công vụ đang diễn ra khá phổ biến. Phải chăng là do dân trí của người dân còn hạn chế, "ít học"?
Những hiện tượng lộn xộn, thiếu văn minh trong việc tham gia giao thông cũng như trong nếp sống đô thị nói chung là khá phổ biến.
Đến mức mà ở Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng nhận xét là không ở đâu đi lại lộn xộn như ở Hà Nội. Nhưng đó không phải là tình trạng của riêng Hà Nội đâu. Mà là tình trạng chung của cả nước.
Tôi chỉ lấy một ví dụ so sánh, năm 1983, tôi đi học nước ngoài về và vào TP.HCM. Tôi rất khâm phục vì thấy người TP.HCM đi lại rất trật tự, nghiêm chỉnh, khác hẳn một số tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, đến bây giờ, tôi thấy người TP.HCM đi lại lộn xộn cũng không kém người Hà Nội.
Điều đó chứng tỏ là chính quyền mình dung túng cho người dân. Bởi vì mình xử lý không nghiêm. Nhiều trường hợp người đứng ra xử lý lại "ăn tiền" của người vi phạm. Người ta đi ẩu, rồi người ta chỉ cần dúi một vài chục cho CSGT là người ta thoát. Làm như thế thì ai tôn trọng pháp luật nữa.
Đã là pháp luật thì từ trên xuống dưới phải như nhau, không thể có chuyện những anh có chức có quyền, những anh có tiền… thì xử lý theo cách khác,người lao động bình thường thì xử theo cách khác.
Chính vì vậy, đi kèm với hình thức tuyên truyền, giáo dục, chúng ta phải thực thi pháp luật thật nghiêm. Chừng nào mà mình làm không nghiêm, chừng nào mà các nhân viên thi hành công vụ của mình còn ăn hối lộ để làm ngơ cho người vi phạm pháp luật thì lúc đó ý thức của người dân còn kém, giao thông còn lộn xộn.
Tôi tin rằng, nếu chúng ta lấy tinh thần thượng tôn pháp luật để xử lý công việc thì văn hóa giao thông của người dân sẽ tốt lên. Ý thức phải dùng pháp luật để giải quyết. Nếu cứ thả lỏng như hiện nay thì cứ thấy cái gì tiện là người ta sẽ làm.
Ở Việt Nam hay có kiểu làm việc theo phong trào, thỉnh thoảng lại làm một cuộc ra quân. Mỗi đợt ra quân thì giao thông chỉ nghiêm chỉnh được khoảng nửa tháng, sau đó lại đâu vào đấy. Mỗi đợt này, cảnh sát cũng phải lên gân lên cốt nhiều, mà cuộc sống không phải lúc nào cũng lên gân lên cốt được.
Phải làm thế nào mà việc xử lý phải được thực hiện thường xuyên, thường ngày thì mới có hiệu quả. Không phải cứ rầm rộ ra quân rồi khoảng nửa tháng tình hình lại đâu vào đấy. Điều này chỉ mang tính hình thức.
* PGS.TS – Nhà Xã hội học Trịnh Hòa Bình
- Ông nghĩ sao về tấm băng rôn có nội dung “Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học' được treo trên một số tuyến đường ở Bình Định những ngày vừa qua?
Bây giờ khái niệm học nhiều, học ít chúng ta tạm thời gác qua một bên. Trước hết, nếu nói “Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học” thì rõ ràng về mặt logic, một bộ phận vẫn có cơ hội để vượt đèn đỏ (Có thể hiểu theo nghĩa là người ít học được phép vượt đèn đỏ).
Dừng đèn đỏ là một quy định bắt buộc phải thực hiện, vậy mà lại đưa ra thông điệp một bộ phận vẫn được vượt là rất nguy hiểm.
Một vấn đề nữa, đó là bất cứ ai cũng phải tuân thủ luật lệ an toàn giao thông. Nếu tuyên truyền nói chung để người dân tôn trọng luật lệ an toàn giao thông mà chỉ đưa việc vượt đèn đỏ thôi thì cũng không thể nào đầy đủ được.
- Ông có cho rằng việc buộc phải căng những khẩu hiệu này có chăng chính là sự phản ánh văn hóa của người tham gia giao thông ở nước ta đã xuống cấp đến mức báo động?
Tuân thủ luật lệ an toàn giao thông là vấn đề ý thức, vấn đề văn hóa. Người học vỡ lòng cũng có thể có văn hóa chứ không phải là người học cao mới có văn hóa.
Khi người dân thực hiện những quy định pháp luật một cách tự giác, vui vẻ thì đó là văn hóa. Chừng nào còn khiên cưỡng thì không hẳn là văn hóa.
Không phải người có học vấn cao thì có văn hóa cao. Bằng chứng là nhiều vị có học hàm, học vị cao nhưng lại cư xử rất thiếu văn hóa. Không có nghĩa là anh lái xích lô, ba gác văn hóa lúc nào cũng thấp hơn những người có học hàm, học vị cao.
Rõ ràng việc đưa ra các khẩu hiệu, băng rôn, biểu ngữ… động cơ là tốt. Nhưng lựa chọn khẩu hiệu có thể là sai, không đạt được tính quy chuẩn. Sai lầm ở đây là lựa chọn thông điệp tiêu biểu và cách thức thể hiện.
Quan điểm riêng của tôi, khi bàn tới văn hóa giao thông là bàn tới ý thức tự giác của mọi người.
Như tôi đã nói, văn hóa là giá trị, khi người ta đạt tới nó sẽ cảm thấy niềm vui, chứ không cần phải một sự bắt buộc, đè nén. Khi tham gia giao thông, không cần có người đứng ở trên bục quát thét, không cần phải có người cầm dùi cui chỉ mặt mới tuân thủ luật lệ.
Thực trạng văn hóa giao thông của chúng ta còn ở mức rất thấp. Bởi người dân chưa thực hiện những điều khoản, quy tắc của luật pháp để bảo vệ trật tự an toàn giao thông bằng niềm vui, bằng sự tự giác.
Bằng chứng là mỗi khi ùn tắc, nếu không có bóng dáng của nhân viên công vụ, những người có chức trách thì không thể nào có chuyện người ta nhường nhịn lẫn nhau. Đó là hình ảnh rõ nhất phản ánh văn hóa giao thông của chúng ta.
- Cần phải làm thế nào để vô tình những khẩu hiệu "có dụng ý tốt nhưng gây hiểu lầm" như vậy không còn xuất hiện trên đường phố?
Thứ nhất, việc chấp hành luật lệ giao thông phải được quán triệt, giáo dục ngay từ mỗi gia đình, mỗi một đơn vị, tổ chức… chứ không phải chỉ hô hào suông, tuyên truyền chung chung. Tại Hà Nội hiện nay, tình hình tệ đến mức là phải bắc loa trên đường để tuyên truyền. Nhưng cách này người dân cũng không cho vào đầu được bao nhiêu.
Thứ hai, những quy định pháp luật phải được thực hiện nghiêm minh. Chúng ta hay có chuyện xin xỏ. Bởi vậy, có hình ảnh thường thấy ở những chỗ ngã tư, ngã năm là một số người vi phạm khi bị dừng xe kiểm tra thì cầm điện thoại gọi cho người này người khác.
Không ít trường hợp, CSGT sau khi nghe điện thoại một lát rồi tha cho người vi phạm. Cũng chính vì lý do này mà mới có quy định cấm CSGT sử dụng điện thoại khi làm nhiệm vụ.
Muốn nâng cao văn hóa giao thông thì những trường hợp vi phạm phải được xử lý theo đúng quy định. Lực lượng chức năng không được du di. Quân pháp vô thân, không có chuyện thân tình mà bỏ qua sai phạm.
* GS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ
- Băng rôn “Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học” treo trên đường phố Bình Định đang gây ra những tranh luận trái chiều. Giáo sư bình luận gì về khẩu hiệu này?
Tôi cho rằng, ý tưởng treo băng rôn tuyên truyền người dân tuân thủ luật lệ an toàn giao thông tại tỉnh Bình Định là tốt. Tuy nhiên, khi triển khai thì lại gây hiểu lầm. Nội dung băng rôn này đã “đụng chạm” đến những người ít có điều kiện học hành.
Hiện nay, ngay từ mẫu giáo trẻ em đã được dạy việc vệ sinh sạch sẽ, rác phải được vứt vào thùng rác, gặp đèn đỏ phải dừng lại… Việc tuân thủ luật lệ giao thông là do ý thức của mỗi người chứ không phải học thức..
- Khi ý thức tham gia giao thông của phần đông người Việt còn kém, theo Giáo sư, liệu chúng ta có thể trông đợi vào tác dụng của các khẩu hiệu kiểu “hô hào” theo phong trào để cải thiện tình hình?
Tuyên truyền cũng tốt, nhưng chúng ta đã tuyên truyền nhiều mà không làm thay đổi tình hình được bao nhiêu. Hiện nay có nhiều người rất thiếu ý thức, chỉ tuyên truyền suông thì không có tác dụng.
Theo tôi, để người dân tự giác chấp hành luật lệ giao thông, chúng ta phải áp dụng biện pháp hành chính, xử phạt thật nghiêm, thật nặng những trường hợp vi phạm.
Tôi cũng kiến nghị, hiện nay tình trạng xả rác bừa bãi nơi công cộng diễn ra rất phổ biến ở Việt Nam. Điều này là rất phản cảm, gây ô nhiễm môi trường, tạo ấn tượng xấu đối với du khách quốc tế. Nhà nước cần phải nhanh chóng ra quy chế xử phạt hành chính thật nghiêm những trường hợp này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo