Doanh nhân

Walmart đang phải đối đầu với Amazon khi xu hướng mua sắm trực tuyến bùng nổ

Xu hướng bùng nổ mua sắm trực tuyến được xem là động lực giúp Amazon vượt lên cuộc soán ngôi dẫn đầu thị trường bán lẻ trực tuyến với Walmart. Thời điểm 1999, Walmart đã từng có cơ hội trở thành nhà dẫn đầu thị trường bán lẻ trực tuyến.

Walmart đã từng có cơ hội trở thành nhà dẫn đầu thị trường bán lẻ trực tuyến. Đó là vào năm 1999, khi Amazon mới tham gia thị trường, Walmart cũng đã toan tính cho trang web bán hàng đầu tiên. Giám đốc Điều hành Walmart thời đó là Lee Scott thậm chí đã mời CEO Amazon Jeff Bezos đến để bàn khả năng mua lại Amazon. Khi đó, Bezos lại bày tỏ mong muốn được quản lý trang web của Walmart nhằm phát triển mảng bán hàng trực tuyến. Nhưng Lee Scott còn nghi ngờ về tiềm năng của Amazon nên thương vụ lịch sử này bất thành. 

Đó sẽ mãi là nỗi ân hận dày vò Walmart! Bởi vì, 20 năm sau, chú bé tí hon Amazon đã qua mặt người khổng lồ Walmart trong vị trí hãng bán lẻ có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ. Mới đây, giá cổ phiếu của Amazon tăng 14%, đạt hơn 550 USD, giúp công ty trực tuyến này vượt qua mốc 250 tỉ USD (so với 230 tỉ USD của Walmart). Lúc này, Walmart chính thức phải đối đầu với Amazon. 

Walmart đã từng có cơ hội trở thành nhà dẫn đầu thị trường bán lẻ trực tuyến.

Walmart đã từng có cơ hội trở thành nhà dẫn đầu thị trường bán lẻ trực tuyến. 

Động lực giúp Amazon vượt lên cuộc soán ngôi này đến từ xu hướng bùng nổ mua sắm trực tuyến, trong đó Amazon là người hưởng lợi nhất do có quy mô lớn. Theo Bloomberg, thương mại điện tử chiếm 1 USD trong mỗi 10 USD mà người mua sắm Mỹ chi tiêu vào năm ngoái, tăng 15% từ năm 2014. Doanh số bán hàng Bắc Mỹ của Amazon đã tăng gần gấp đôi. Trái lại, vào đầu năm nay, Walmart cho biết sẽ đóng cửa 154 cửa hàng tại Mỹ, tương đương 3% tổng số cửa hàng tại đây và 115 chi nhánh cửa hàng khác trên toàn thế giới.

 “Siêu công thức bán lẻ” bằng giá rẻ và hàng hóa dồi dào mang lại thành công cho Walmart đã mất linh. Chưa kể đến Amazon, “chú Sam” còn đang mất dần thị phần vào tay các siêu thị. Đây là những đối thủ không thường xuyên cung cấp sản phẩm với mức giá cạnh tranh hơn, nhưng tạo cho người tiêu dùng kinh nghiệm mua sắm thú vị đi kèm dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn. Khách hàng cũng hay phàn nàn về chất lượng và độ tươi của thực phẩm bán tại Walmart.

Trong khi Walmart đã nỗ lực giúp người Mỹ tiết kiệm chi tiêu bằng hàng giá rẻ, Amazon lại hướng đến việc giúp khách hàng tiết kiệm thời gian. Amazon mở kho hàng trên toàn nước Mỹ để tăng tốc độ giao hàng cho khách hàng. Thậm chí, có cả các sáng kiến như ứng dụng Dash, cho phép các bà nội trợ nhấn nút để đặt hàng tức thời như xà bông, cà phê... Những dịch vụ này có thể biến Amazon từ một cửa hàng trực tuyến thành một tiện ích hằng ngày.

 

Không dễ nhận thất bại nên Walmart đang phản công lại với hàng tỉ đô-la đầu tư. Hãng tiếp tục củng cố thêm sức mạnh của “siêu công thức bán lẻ” với độ phủ hàng hóa nhiều hơn và tất nhiên lấn sân sang địa bàn trực tuyến của Amazon. Cuối năm ngoái, một số cửa hàng Walmart tại Atlanta, Salt Lake và 6 thành phố khác của Mỹ cung cấp miễn phí dịch vụ vận chuyển hàng tạp hóa. Khách hàng có thể đặt trực tuyến, chọn thời điểm lấy hàng và nhân viên của Walmart sẽ chuyển hàng lên xe cho khách khi họ đến nơi. Walmart muốn tận dụng chuỗi hàng trăm cửa hàng truyền thống như một lợi thế.
Theo thống kê, khoảng 70% người Mỹ sống trong phạm vi 8 km quanh một cửa hàng của Walmart, giúp họ có thể đặt hàng trực tuyến và nhận được ngay trong ngày, nếu giao dịch hoàn tất trước 10 giờ sáng... Mặc dù lợi nhuận bị thu hẹp nhưng Walmart dư dả tiền để đầu tư nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác. Nhưng tránh vỏ dưa lại đụng vỏ dừa. Trong khi vất vả đối đầu với Amazon thì Walmart lại bị người khổng lồ khác là Google đánh trực diện. Google bắt đầu thử nghiệm dịch vụ giao hàng cho các cửa hàng tạp hóa và thực phẩm tươi sống vào cuối năm nay tại San Francisco và một thành phố khác ở Mỹ.
Cuộc chiến của Walmart cho thấy các nhà bán lẻ truyền thống gặp khó khăn thế nào trước các đối thủ trực tuyến. Những công ty khác trong ngành bán lẻ như Macy, Sears hay Penney cũng đóng cửa hàng loạt đại lý do tình hình kinh doanh không khả quan trong những đợt nghỉ lễ mua sắm tại Mỹ. Ngày 1.4, cổ phiếu của một số nhà bán lẻ nổi tiếng nhất nước Mỹ, bao gồm cả Macy, Gap và J.C. Penney, đã giảm hơn 25%.
Vì vậy, các tập đoàn bán lẻ đang phải tìm một chiến lược kinh doanh mới để phát triển và tồn tại. Quyết định đóng cửa nhiều cửa hàng của Walmart không nằm ngoài xu thế này. Trong thời đại của Amazon, chỉ những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tốt hơn, thuận tiện hơn hoặc một kinh nghiệm khó bắt chước mới có tương lai. Chẳng hạn, TJX, cung cấp hàng thương hiệu với giá giảm mạnh, phát triển mạnh vì đáp ứng nhu cầu thích săn hàng hiệu giá rẻ trong thời khó khăn thắt lưng buộc bụng. Khách hàng đến với cửa hàng của Nike không chỉ để mua giày mà còn vì được các chuyên gia thể thao tư vấn hoặc kết nối với các câu lạc bộ sức khỏe...
Walmart đang đánh cược rằng sẽ giúp khách hàng có được những trải nghiệm tương tự. Hy vọng, với cải tổ, Walmart quên được nỗi day dứt hối hận trước Amazon 20 năm qua.

 

Tổng hợp theo Doanhnhanthanhdat/NCĐT

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo